Hành lang sáng tạo cho lực lượng tiên phong đổi mới

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Cứ mỗi độ Xuân về, người dân Việt Nam lại có dịp sum vầy bên gia đình, người thân để mừng Xuân và mừng Đảng, mừng Đất nước đổi mới. Nhân dân ta vui đón Tết, đón Xuân Giáp Thìn năm nay cũng đúng vào dịp kỷ niệm 94 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2024).
Hành lang sáng tạo cho lực lượng tiên phong đổi mới

Nhìn lại chặng đường 94 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đã giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Có được những thành tựu to lớn đó, một trong những nhân tố rất quan trọng là Đảng ta đã phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và tinh thần chủ động, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân.

Thực tiễn đã chứng minh rằng, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, bất kể giai đoạn nào, từ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ giành độc lập dân tộc đến công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay, Đảng ta luôn quan tâm chăm lo việc xây dựng con người, đặc biệt là khuyến khích, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường, vượt khó vươn lên của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

Ông Nguyễn Đức Hà, Nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở đảng, Ban Tổ chức Trung ương

Ông Nguyễn Đức Hà, Nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở đảng, Ban Tổ chức Trung ương

Nhìn lại 35 năm tiến hành công cuộc Đổi mới, Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định những thành quả to lớn bằng thông điệp: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Những thành tựu to lớn đó đã khẳng định đường lối đổi mới đúng đắn của Đảng và Nhà nước, là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, tinh thần chủ động và sự nỗ lực phấn đấu bền bỉ, không mệt mỏi qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, trong đó có sự đóng góp quan trọng của nhiều thế hệ cán bộ của hệ thống chính trị ở các cấp. Không ít cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp và người đứng đầu với bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh và đường lối đổi mới của Đảng; có năng lực tổng kết thực tiễn và nghiên cứu, phát triển lý luận; có tư duy đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Nhiều cán bộ có khả năng cụ thể hóa, vận dụng sáng tạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương, các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Trong số đó, có những cán bộ thực sự tiêu biểu cho tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, sẵn sàng chịu trách nhiệm trước Đảng, trước Nhân dân, là những tấm gương sáng đã được Đảng, Nhà nước vinh danh, được Nhân dân và dư luận xã hội ghi nhận. Đó là cố Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc - Kim Ngọc, với chủ trương khoán sản phẩm đến hộ; cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp, với quyết định kéo pháo ra ở Điện Biên Phủ để chuyển hướng chỉ đạo chiến lược từ “Đánh nhanh, tiến nhanh” sang “Đánh chắc, tiến chắc”; cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, với quyết định xây dựng đường dây tải điện 500KV để chuyển điện từ miền Bắc vào miền Nam...

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam là một nước đang phát triển, có thu nhập trung bình cao và đến năm 2045, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đặc biệt quan tâm việc xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược và người đứng đầu; đồng thời nhấn mạnh: Phải kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định Cương lĩnh và đường lối đổi mới của Đảng; phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của cán bộ, đảng viên, Nhân dân.

Hơn nửa nhiệm kỳ vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã từng bước cụ thể hóa Nghị quyết bằng các quy định, quy chế, hướng dẫn… để thực hiện thống nhất trong toàn Đảng, toàn dân. Đặc biệt, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng, bổ sung, hoàn thiện và ban hành nhiều kết luận, quy định, quy chế mới về công tác cán bộ, trong đó có Kết luận số 14-KL/TW, ngày 22/9/2021 “Về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung”. Đồng thời, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cấp ủy, tổ chức đảng các cấp đã dành nhiều thời gian, công sức, trí tuệ và tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trí tuệ và quyết tâm đổi mới, sáng tạo, nêu cao tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Thực hiện Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị, ngày 29/9/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 73/2023/NĐ-CP quy định cụ thể nguyên tắc, yêu cầu, nội dung, hình thức khuyến khích và bảo vệ những cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, dám vượt qua những khó khăn, trở ngại và dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Kế thừa, phát huy truyền thống của các thế hệ cán bộ đi trước, khơi dậy khát vọng xây dựng đất nước phát triển nhanh, bền vững mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, các cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu cần nâng cao nhận thức, tạo sự thống nhất ý chí và hành động trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung. Qua đó, khơi dậy ý thức trách nhiệm, khát vọng cống hiến, tinh thần khắc phục khó khăn để hoàn thành các nhiệm vụ được giao.

Để thực hiện có hiệu quả việc khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, những đề xuất đổi mới, sáng tạo của cán bộ, đảng viên phải được nghiên cứu, chuẩn bị kỹ và báo cáo với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cơ quan, đơn vị nơi công tác; được cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định cho thực hiện hoặc thực hiện thí điểm, bảo đảm không trái với Hiến pháp và Điều lệ Đảng.

Trong quá trình thực hiện, các cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu và tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị phải quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ về nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ triển khai thực hiện ý tưởng đổi mới, sáng tạo của mình; thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện các đề xuất đổi mới, sáng tạo; chủ động phát hiện những vấn đề nảy sinh, kịp thời động viên, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hoặc xem xét, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế; kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh sai sót, vi phạm.

Khi cán bộ triển khai thực hiện ý tưởng đổi mới, sáng tạo mà kết quả không đạt hoặc chỉ đạt được một phần mục tiêu đề ra hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại thì cấp có thẩm quyền phải kịp thời xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, đánh giá công tâm để xem xét, xử lý phù hợp; nếu thực hiện đúng chủ trương, với động cơ trong sáng vì lợi ích chung thì được xem xét miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm. Đồng thời, xử lý nghiêm việc lợi dụng chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ để thực hiện vì động cơ cá nhân hoặc dung túng, bao che cho hành vi vụ lợi, tham nhũng, tiêu cực, vi phạm kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Các cấp ủy, tổ chức đảng và lãnh đạo cơ quan, đơn vị phải định kỳ sơ kết, tổng kết, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhân rộng những mô hình, giải pháp đổi mới, sáng tạo có hiệu quả; kịp thời nghiên cứu để thể chế hóa thành các quy định của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo cơ sở pháp lý để nhân rộng các mô hình, giải pháp đó. Đồng thời, có hình thức biểu dương, khen thưởng về vật chất và tinh thần; ưu tiên bố trí, sử dụng trong công tác cán bộ đối với những cán bộ, đảng viên có tư duy đổi mới, sáng tạo và có cách làm đột phá, mang lại hiệu quả cao.

Tin cùng chuyên mục