Hậu cổ phần hóa, COMA làm ăn èo uột

(BĐT) - Tổng công ty Cơ khí xây dựng (COMA) là doanh nghiệp nhà nước đầu ngành trong lĩnh vực chế tạo, lắp đặt cơ khí tại Việt Nam. Sau khi cổ phần hóa, hoạt động kinh doanh của “ông lớn” này khá “chông chênh”. 
Ảnh minh họa. Ảnh Internet
Ảnh minh họa. Ảnh Internet

Nếu loại bỏ khoản lãi từ bán các khoản đầu tư, thu nhập khác thì lợi nhuận của cổ đông công ty mẹ chỉ đạt vài tỷ đồng trong năm 2016. 

Doanh thu 2016 sụt giảm mạnh

Theo báo cáo tài chính năm 2016 (báo cáo mới nhất được doanh nghiệp này công bố) được kiểm toán bởi Công ty TNHH Kiểm toán CPA Việt Nam, doanh thu năm 2016 của COMA đạt 475,54 tỷ đồng, ở mức thấp nhất trong vòng 4 năm trở lại đây và sụt giảm 56,8% so với mức 1.100 tỷ đồng năm 2015.

Phân tích cơ cấu doanh thu của COMA trong hai năm 2015 - 2016 dễ dàng nhận thấy, hầu hết các mảng kinh doanh chính đều sụt giảm mạnh. Doanh thu từ hoạt động xây lắp giảm 46% so với năm 2015, xuống chỉ còn 339 tỷ đồng.

Đặc biệt, không còn dự án bất động sản gối đầu sau khi hoàn tất việc bàn giao Dự án Skylight 125C Minh Khai cho khách hàng và chuyển nhượng dự án tại Lê Văn Thiêm - Trung Hòa Nhân Chính, COMA chỉ còn ghi nhận 17,8 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động kinh doanh bất động sản, bằng khoảng 5% so với năm 2015.

Mặc dù vậy, nhờ hỗ trợ từ các khoản lãi khi chuyển nhượng khoản đầu tư và lãi khác đã giúp lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ chỉ sụt giảm nhẹ xuống còn 29,18 tỷ đồng, bằng 82,63% năm 2015.

Hết nguồn thu từ kinh doanh bất động sản, kết quả kinh doanh của COMA sẽ phụ thuộc nhiều vào hoạt động tái cấu trúc Tổng công ty (thoái vốn tại các công ty liên doanh, liên kết). Cũng vì lẽ này mà ĐHĐCĐ thường niêm của COMA đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2017 với chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế sụt giảm mạnh, chỉ còn vỏn vẹn 1,93 tỷ đồng. 

Chậm niêm yết trên UPCoM

Mặc dù đã được phê duyệt giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa từ 18/6/2015 thế nhưng đến tận tháng 7/2016, COMA mới triển khai được hoạt động đấu giá thông qua Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HSX).

Không như kỳ vọng của Bộ Xây dựng, cuộc đấu giá không có nhà đầu tư chiến lược tham gia, chỉ có 2 cá nhân đăng ký mua 80.000 trên tổng số 5,3 triệu cổ phần chào bán, với mức giá thành công là 10.200 đồng/CP. Tính đến thời điểm hiện tại, Nhà nước đang sở hữu tới 98,86% cổ phần tại COMA (1,24% được sở hữu bởi 137 người, bao gồm cả các cán bộ công nhân viên của doanh nghiệp).

Câu hỏi đặt ra là, vì sao mà một doanh nghiệp đầu ngành sở hữu nhiều mảnh đất có vị trí đẹp lại ế ẩm khi đấu giá? Dựa theo bảng công bố thông tin tại thời điểm IPO, COMA hiện đang quản lý 134.331,6 m2 đất ở nhiều vị trí đẹp tại Hà Nội và TP. Vũng Tàu như 125D Minh Khai, Lê Văn Thiêm… Thế nhưng trước thời điểm cổ phần hóa tháng 7/2016, Dự án Chung cư tại 125D Minh Khai đã được hạch toán hết doanh thu lợi nhuận; lô đất tại Lê Văn Thiêm cũng đã được COMA chuyển nhượng trong năm 2015 thu về gần 300 tỷ đồng. Những lô đất còn lại đều phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh và không có nhiều lợi thế trong việc phát triển các dự án bất động sản.

Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh cốt lõi của COMA là cơ khí, xây lắp lại không thực sự mạnh so với các doanh nghiệp cùng ngành. Lợi thế cạnh tranh yếu, mô hình tổ chức hoạt động “cồng kềnh” và đặc biệt không còn những lô đất có vị trí đẹp đã làm giảm sức hấp dẫn của doanh nghiệp này trong mắt các nhà đầu tư chiến lược và cá nhân.

Theo phương án cổ phần hóa, sau khi kết thúc đợt chào bán cổ phiếu ra công chúng thì tối đa 120 ngày COMA phải hoàn tất hồ sơ để niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch UPCoM, song đến ngày 18/7/2017, doanh nghiệp này mới hoàn tất việc lưu ký chứng khoán. Việc sớm giao dịch trên UPCoM sẽ giúp cho quá trình thoái vốn nhà nước được đẩy nhanh hơn khi COMA có thể tiếp cận với đông đảo giới đầu tư.

Tin cùng chuyên mục