Ảnh minh họa: Internet |
Qua đó, quy mô thị trường và thanh khoản của sản phẩm hợp đồng tương lai (HĐTL) chỉ số VN30 có sự tăng trưởng mạnh mẽ với mức tăng bình quân 38,65%/năm trong giai đoạn 2018 - 2022, trong đó năm 2020 được ghi nhận có tốc độ tăng trưởng cao nhất 79,9% so với năm 2019 và năm 2022 tăng trưởng 43,8% so với năm 2021.
Trong 7 tháng đầu năm 2023, khối lượng giao dịch bình quân đạt 225.178 hợp đồng/phiên, giảm 17,41% so với năm 2022, tuy nhiên đây vẫn là mức giao dịch bình quân năm cao thứ hai chỉ sau mức cao nhất trong năm 2022.
Tính chung trong 6 năm, tăng trưởng bình quân giao dịch HĐTL chỉ số VN30 đạt 27,46%. Khối lượng hợp đồng mở (OI) của HĐTL VN30 từ 8.077 hợp đồng tại thời điểm cuối năm 2017 đã tăng lên 62.077 hợp đồng vào cuối tháng 7/2023. Khối lượng giao dịch cao nhất đạt 647.457 hợp đồng tại phiên giao dịch ngày 25/10/2022 và OI cao nhất là 71.190 hợp đồng được ghi nhận vào ngày 30/3/2023.
Có thể nói, TTCK phái sinh đã từng bước trở thành công cụ phòng ngừa rủi ro cho nhà đầu tư. Điều này phần nào thể hiện qua việc khi thị trường cơ sở biến động mạnh, thì khối lượng giao dịch trên TTCK phái sinh tăng cao, cho dù biến động đó là tăng hay giảm. Đặc biệt, khi thị trường cơ sở giảm điểm mạnh, thị trường phái sinh còn góp phần làm giảm áp lực bán tháo trên thị trường cơ sở vì khi thị trường cơ sở giảm, nhà đầu tư thay vì phải bán cổ phiếu trên thị trường cơ sở để quản trị rủi ro danh mục đầu tư thì nhà đầu tư nắm giữ vị thế bán (short) trên thị trường phái sinh. Điều đó giúp ổn định tâm lý nhà đầu tư, làm cho thị trường cân bằng hơn, góp phần hạn chế đà sụt giảm của chỉ số thị trường cơ sở.
Tính đến 31/7/2023, trên TTCK phái sinh đã có 1.341.152 tài khoản, gấp 546 lần so với thời điểm mới khai trương thị trường.
Cụ thể, trong giai đoạn thị trường giảm mạnh do tác động của cuối đại dịch Covid-19 năm 2022, thanh khoản thị trường phái sinh (HĐTL trên chỉ số VN30) ghi nhận khối lượng giao dịch bình quân tăng mạnh 43,8% so với năm 2021. Điều này phù hợp với diễn biến chung của TTCK phái sinh thế giới, khi các thị trường cơ sở trên thế giới bước vào xu hướng giảm, giao dịch chứng khoán cơ sở giảm, trong khi đó nhu cầu phòng vệ rủi ro cho danh mục chứng khoán cơ sở tăng lên, khiến dòng tiền tập trung vào TTCK phái sinh như một tất yếu khách quan.
Không những thế, TTCK phái sinh còn là một kênh đầu tư sinh lời cho nhà đầu tư. Với việc được giao dịch 2 chiều và có thể mua, bán liên tục ngay trong phiên, nhà đầu tư có thể kiếm lợi nhuận ngay cả khi thị trường cơ sở giảm mạnh.
Với lợi thế như vậy, thị trường phái sinh đã ngày càng thu hút nhà đầu tư, số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán phái sinh liên tục tăng lên. Tính đến 31/7/2023, trên TTCK phái sinh đã có 1.341.152 tài khoản, gấp 546 lần so với thời điểm mới khai trương thị trường.
HNX nhận xét, TTCK phái sinh là giải pháp hữu hiệu để giữ chân dòng tiền ở lại TTCK, tránh tình trạng nhà đầu tư tháo chạy khỏi thị trường khi thị trường cơ sở sụt giảm.
Sự tăng trưởng mạnh của TTCK phái sinh đã thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài. Giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài trên TTCK phái sinh tăng lên hàng năm, năm sau thường tăng gấp 2 - 3 lần năm trước. Tháng 7/2023, giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài chiếm 3,47% tổng khối lượng giao dịch trên toàn thị trường so với mức 0,1% vào cuối năm 2017.
Theo HNX, TTCK phái sinh ngày càng thể hiện vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của TTCK Việt Nam, góp phần hoàn thiện cấu trúc TTCK, đáp ứng một trong các điều kiện bắt buộc để TTCK Việt Nam được xét nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi trong thời gian tới.