Hỗ trợ lãi suất còn xa tầm với DN

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sau 3 tháng triển khai, mới có 550 khách hàng tiếp cận được chương trình hỗ trợ lãi suất 2%. Tiến độ này được đánh giá là khá chậm và khó đạt mục tiêu của cả năm. Có ý kiến cho rằng, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là điều kiện tiếp cận chương trình hỗ trợ “xa tầm với” của doanh nghiệp và các ngân hàng chưa thực sự mặn mà do lo ngại rủi ro.
Sau 3 tháng triển khai, mới có 550 khách hàng tiếp cận được gói hỗ trợ lãi suất 2%. Ảnh: Nhã Chi
Sau 3 tháng triển khai, mới có 550 khách hàng tiếp cận được gói hỗ trợ lãi suất 2%. Ảnh: Nhã Chi

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, thực hiện quy định tại Nghị định số 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước (NSNN) đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và Thông tư 03/2022/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện Nghị định 31, các ngân hàng thương mại (NHTM) đã ban hành văn bản hướng dẫn nội bộ và đăng ký kế hoạch hỗ trợ lãi suất từ NSNN cho cả chương trình và chi tiết từng năm 2022, 2023.

Trên cơ sở đề xuất của các NHTM, NHNN đã đăng ký dự toán NSNN năm 2022, 2023 thực hiện hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng, trong đó năm 2022 là 16.035 tỷ đồng và năm 2023 là 23.965 tỷ đồng. NHNN đã thông báo hạn mức hỗ trợ lãi suất dự kiến năm 2022 tới từng NHTM để sớm triển khai.

Về kết quả triển khai, theo báo cáo nhanh từ các NHTM, doanh số cho vay hỗ trợ lãi suất đạt gần 4.100 tỷ đồng đối với gần 550 khách hàng, số tiền lãi đã hỗ trợ cho khách hàng đạt khoảng 1,02 tỷ đồng, dư nợ được hỗ trợ lãi suất đạt 3.966 tỷ đồng.

Tại cuộc họp mới đây với NHNN và các bộ, ngành về chương trình hỗ trợ lãi suất, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái giao NHNN sớm thành lập một số đoàn công tác (có sự tham gia của các bộ, ngành liên quan) để tiến hành khảo sát tình hình triển khai thực hiện của các NHTM, nắm bắt các vấn đề đặt ra trong thực tiễn để kịp thời có biện pháp xử lý khó khăn, vướng mắc của cơ sở.

Trong khi đó, một số ngân hàng cho biết, chính sách chậm triển khai chủ yếu là khó khăn trong xác định đối tượng được hỗ trợ lãi suất, khó khăn xuất phát từ phía khách hàng vay.

Từ góc độ khách hàng, đại diện một doanh nghiệp thuộc đối tượng hỗ trợ cho biết đã tìm hiểu thông tin về gói hỗ trợ lãi suất nhưng khó tiếp cận bởi không thể đạt được điều kiện theo quy định.

“Một trong những điều kiện để được hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31 là “khách hàng có đề nghị được hỗ trợ lãi suất, đáp ứng các điều kiện vay vốn theo quy định của pháp luật hiện hành về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng”. Với quy định vay vốn hiện hành, khách hàng phải bảo đảm một số yêu cầu như: không có nợ xấu, có doanh thu, lợi nhuận, có tài sản bảo đảm. Tuy nhiên, sau 2 năm dịch Covid, doanh nghiệp đã giảm quy mô hoạt động, khó tránh khỏi nợ xấu. Do đó, nên xem xét nới điều kiện để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận chương trình hỗ trợ”, đại diện doanh nghiệp này cho biết.

TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, một trong những điểm khó để xác định điều kiện hỗ trợ lãi suất là “khả năng phục hồi”. Doanh nghiệp và tổ chức tín dụng cần phối hợp, trao đổi kỹ lưỡng, chân thành để hiểu và chia sẻ thì mới có thể đi cùng nhau trong việc thực hiện chương trình hỗ trợ. Mặt khác, NHNN cũng cần nới hạn mức tín dụng để các ngân hàng có nguồn lực thực hiện chương trình này.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, nếu các ngân hàng vẫn áp dụng các tiêu chí cho vay hỗ trợ lãi suất như tiêu chí cho vay thường lệ thì gần như rất khó triển khai. Muốn có được các khoản vay sản xuất kinh, doanh từ ngân hàng, thông thường doanh nghiệp phải chứng minh được là “đang có lãi” và “có tài sản bảo đảm”. Tuy nhiên, sau thời gian dịch bệnh vừa qua, nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng kiệt quệ, tình hình tài chính không ổn định, tài sản bảo đảm không có.

Mặt khác, theo vị chuyên gia này, các ngân hàng cũng không hề mặn mà thực hiện chương trình hỗ trợ lãi suất. Bởi lẽ, đối tượng cho vay là các doanh nghiệp chịu tác động mạnh bởi dịch Covid-19. Hay nói cách khác là những doanh nghiệp có rủi ro cao mà theo nguyên lý kinh doanh tiền tệ “rủi ro cao thì lãi suất phải cao”, nhưng lãi suất thực tế lại không cao.

“Như vậy, dù Chính phủ thúc đẩy thực hiện chính sách này nhưng cả bên vay và bên cho vay chưa có nhiều điểm chung để cùng đi đến thỏa thuận. Để giải quyết vấn đề này, nên chăng tính đến các quy chế riêng về vay hỗ trợ lãi suất để ngân hàng không ngại ngần khi thực hiện. Tức là thay vì đòi hỏi tài sản bảo đảm thì ngân hàng chú trọng theo dõi và kiểm soát được dòng tiền trả nợ của doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải cung cấp kế hoạch kinh doanh cụ thể và trung thực để ngân hàng đánh giá đúng thực tế sản xuất, kinh doanh”, ông Hiếu nói.

Tin cùng chuyên mục