Vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn của Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình tăng từ 2.719 tỷ đồng lên 4.276 tỷ đồng để tài trợ cho hoạt động chính. Ảnh: Nhã Chi |
Kể từ ngày 30/10/2017 - thời điểm công bố báo cáo tài chính quý III/2017 đến ngày 29/1/2018, cổ phiếu HBC đã giảm 18,5%.
Dòng tiền hoạt động kinh doanh âm 934 tỷ đồng
Theo báo cáo kết quả kinh doanh mới nhất của Hòa Bình, doanh thu thuần quý IV/2017 đạt 5.074 tỷ đồng, tăng 34,8% so với cùng kỳ năm 2016. Lợi nhuận sau thuế đạt 244 tỷ đồng, giảm 3% so với cùng kỳ năm 2016. Nguyên nhân dẫn đến lợi nhuận giảm là do biên lợi nhuận gộp giảm từ 13,5% xuống 11% và chi phí tài chính tăng từ 42 tỷ đồng lên 77 tỷ đồng (tăng 83%). Lũy kế cả năm 2017, tổng doanh thu thuần của Hòa Bình đạt 16.034 tỷ đồng, tăng gần 49% so với năm 2016 và lợi nhuận sau thuế đạt 860 tỷ đồng, tăng 51,5% so với năm 2016.
Tuy nhiên, trái ngược với doanh thu, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Công ty trong năm 2017 lại âm tới gần 934 tỷ đồng, trong khi năm 2016 là dương 329 tỷ đồng. Đồng thời, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư âm gần 522 tỷ đồng. Và chỉ có lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính dương 1.375 tỷ đồng nhờ nguồn tiền từ đi vay. Điều này làm cho tiền và các khoản tương đương tiền cùng các khoản tiền gửi ngân hàng của Hòa Bình giảm 578,5 tỷ đồng (tương đương 33%) so với thời điểm đầu năm 2017, đạt 1.191 tỷ đồng.
Nguyên nhân dẫn đến lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm là do các khoản phải thu tăng tới 2.217 tỷ đồng. Tại thời điểm cuối năm 2017, Hòa Bình có 7.853 tỷ đồng khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng và phải thu theo tiến độ hợp đồng xây dựng, tăng 52% so với đầu năm 2017. Trong đó, phải thu ngắn hạn của khách hàng là 3.192 tỷ đồng và 4.660 tỷ đồng phải thu theo tiến độ hợp đồng xây dựng. Việc ước tính doanh thu theo tiến độ hợp đồng xây dựng khiến cho doanh thu của Hòa Bình tăng mạnh nhưng mang lại rủi ro tăng nợ khó đòi.
(Đơn vị tính: tỷ đồng)
Áp lực nợ vay
Tại thời điểm cuối năm 2017, tổng nợ phải trả của Hòa Bình là 11.460 tỷ đồng, chiếm 82% tổng tài sản, phần lớn là nợ ngắn hạn, đạt 10.826 tỷ đồng (chiếm 94,5%). Như đã nói ở trên, doanh thu của Hòa Bình tăng trưởng nhanh kéo theo các khoản phải thu tăng mạnh, trong khi nợ phải trả tăng không tương xứng, Hòa Bình phải tìm đến vay nợ để tài trợ cho vốn lưu động.
Vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn của Hòa Bình tăng từ 2.719 tỷ đồng lên 4.276 tỷ đồng để tài trợ cho hoạt động chính. Hòa Bình sử dụng các khoản phải thu để làm tài sản bảo đảm cho các khoản vay ngân hàng, mà theo Công ty, đó là một hình thức “vay tín chấp”. Do đó, Hòa Bình phải chịu gánh nặng chi trả lãi vay. Chi phí lãi vay của Hòa Bình tăng theo từng quý do nợ vay liên tục tăng. Cụ thể, chi phí lãi vay quý 1/2017 của Công ty là 49,7 tỷ đồng, tăng 63% so với cùng kỳ năm 2016. Con số này trong quý II/2017 là 65,5 tỷ đồng, tăng 80% so với cùng kỳ 2016. Quý III/2017 và quý IV/2017, chi phí lãi vay lần lượt là 70,5 tỷ đồng và 77 tỷ đồng, tăng 85% và 83% so với cùng kỳ năm 2016. Cả năm 2017, chi phí lãi vay là 262 tỷ đồng, tăng 80,6% so với năm 2016.
Tăng trưởng doanh thu “nóng” khiến cho các khoản phải thu của Hòa Bình tăng mạnh, trong khi các khoản phải trả của Công ty lại không tăng tương ứng có thể khiến doanh nghiệp phải bổ sung bằng vay nợ ngắn hạn. Vì vậy, tình trạng dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của Hòa Bình có thể tiếp tục âm trong thời gian tới.