Hoàn thiện chính sách đầu tư BOT giao thông

(BĐT) - Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, Nghị quyết số 83/NQ-CP (NQ83) của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH13 về một số nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng BOT là giải pháp tổng thể cho các dự án BOT giao thông sắp tới.
Việc ban hành Nghị quyết số 83/NQ-CP chắc chắn sẽ rất có ích cho các dự án BOT giao thông thời gian tới, không lặp lại “vết xe đổ” của một số dự án BOT trước đó. Ảnh: Tiên Giang
Việc ban hành Nghị quyết số 83/NQ-CP chắc chắn sẽ rất có ích cho các dự án BOT giao thông thời gian tới, không lặp lại “vết xe đổ” của một số dự án BOT trước đó. Ảnh: Tiên Giang

Đồng thời, Nghị quyết góp phần khắc phục một số nhược điểm cố hữu của các dự án BOT thời gian qua. 

Giải pháp toàn diện cho đầu tư BOT giao thông

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, nhiều chuyên gia đánh giá cao các nội dung của NQ83 về BOT và cho rằng, đây là giải pháp căn cơ, toàn diện để các dự án BOT giao thông thời gian tới không bị lặp lại “vết xe đổ” của các dự án BOT thời gian qua. Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, ông rất hoan nghênh NQ83 bởi một số chính sách như: các dự án BOT đường bộ chỉ áp dụng đối với các tuyến đường mới để bảo đảm quyền lựa chọn cho người dân, không đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến đường độc đạo hiện hữu; hạn chế tối đa chỉ định thầu nhà đầu tư thực hiện; chính quyền địa phương các cấp nơi có dự án BOT đi qua có trách nhiệm tham vấn ý kiến người dân trong khu vực dự án trước khi triển khai dự án đầu tư.

Bên cạnh đó, đối với các dự án BOT giao thông đã triển khai, NQ83 cũng yêu cầu rà soát tổng thể về vị trí đặt trạm, chính sách miễn giảm giá tại tất cả các trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ và quản lý doanh thu chặt chẽ để có những giải pháp đồng bộ, kịp thời, thống nhất, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng.

Theo ông Thanh, giá như NQ83 được ban hành sớm hơn, các dự án BOT chắc chắn sẽ ít “sạn” hơn, ít để lại các hệ lụy không mong muốn như thời gian qua. Tuy nhiên, “muộn còn hơn không”, việc ban hành NQ83 chắc chắn sẽ rất có ích cho các dự án BOT thời gian tới. Đối với các dự án BOT đã triển khai thì NQ83 lại có tác dụng “chữa cháy”, nó sẽ góp phần khắc phục một số nhược điểm của “lịch sử” để lại. 

Hết thời đua nhau làm BOT giao thông?

Ông Trần Kỳ Sơn, Chánh Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, bản chất của dự án BOT chính là yếu tố chất lượng dự án, nếu có một dự án BOT tốt, đủ sức hấp dẫn thì sẽ thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư. Tuy nhiên, thời gian qua đã diễn ra một thực trạng là làm dự án BOT theo “phong trào”, các nhà đầu tư đua nhau làm dự án BOT mà không đo lường các tác động của nó. Với dự án BOT không thể làm theo ý muốn chủ quan, không phải dự án nào cũng có thể làm BOT được và dự án nào đáng làm BOT thì mới làm. NQ83 đã đưa ra các định hướng mới theo hướng quản lý chặt chẽ hơn, hợp lý hơn đối với các dự án BOT. Những chính sách này sẽ đặt dấu chấm hết cho thời kỳ các nhà đầu tư đua nhau làm BOT, dẫn đến một số hệ lụy không mong muốn và không nhận được sự đồng thuận của dư luận xã hội như thời gian qua.

Về phía Bộ Giao thông vận tải, ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng - Trưởng ban PPP cho rằng, NQ83 là một chính sách tốt của Chính phủ được dư luận và xã hội chờ đợi. Tuy nhiên, Nghị quyết này cũng đặt lên vai các cơ quan chức năng những khó khăn trong quá trình thực hiện bởi khối lượng công việc được giao cho các bộ, ngành liên quan trong Nghị quyết là rất lớn. Nhiều vấn đề liên quan đến BOT rất phức tạp, đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành với địa phương trong quá trình giải quyết các vấn đề vướng mắc phát sinh của dự án BOT nói riêng, hình thức đầu tư PPP nói chung, trong đó hầu hết bộ, ngành chưa có nhiều kinh nghiệm đối với lĩnh vực này. Trong khi đó, thời hạn cho các bộ, ngành liên quan giải quyết các nhiệm vụ, khối lượng công việc về BOT lại quá ngắn nên việc thực hiện NQ83 tạo áp lực rất lớn về tiến độ. Hiện nay, Bộ Giao thông vận tải cũng đang gấp rút tập hợp và tổng kết thực tiễn về quá trình thực hiện các dự án BOT nói riêng, các dự án PPP nói chung trong cả nước thông qua báo cáo của các địa phương, bộ, ngành. Qua đó sẽ tập hợp và đề xuất các giải pháp khắc phục một số tồn tại của các dự án BOT thời gian qua.