Chế độ báo cáo định kỳ hàng tháng của công ty tài chính về cho vay tiêu dùng giúp cơ quan có thẩm quyền quản lý, giám sát thường xuyên hoạt động này. Ảnh: Tường Lâm |
Nên quy định ngày lễ tết không được đòi nợ
Về nội dung “nhắc nợ”, Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 43/2016/TT-NHNN quy định cho vay tiêu dùng của CTTC vẫn giữ quy định: “Biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ phù hợp với đặc thù của khách hàng và quy định của pháp luật, trong đó thời gian nhắc nợ do các bên thỏa thuận trong hợp đồng nhưng phải trong khoảng thời gian từ 7 giờ đến 21 giờ; không bao gồm biện pháp đe dọa đối với khách hàng”.
Chia sẻ quan điểm về nội dung này, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico cho rằng, quy định đó là đúng nhưng chưa đủ. Theo đó, cần bổ sung việc không nhắc nợ vào các ngày lễ, tết, ngày nghỉ như nhiều nước khác vẫn làm. Cụ thể, nên chia thành các nhóm là ngày thường, ngày nghỉ, ngày lễ, ngày tết, ngày nào được nhắc nợ và ngày nào không được nhắc nợ.
“Thời gian vừa qua, đã có tình trạng CTTC nhắc nợ bằng cách gọi điện hoặc nhắn tin bất kể giờ giấc, cả ngày nghỉ, ngày lễ, tết. Điều này gây hoang mang cho người vay nợ. Do đó, việc quy định cụ thể, rõ ràng là cần thiết. Nếu CTTC nào nhắc nợ vào những quãng thời gian không phù hợp, người vay nợ có thể phản ánh và khiếu nại để cơ quan chức năng có biện pháp xử lý kịp thời”, ông Đức nói.
Liên quan đến nội dung này, Dự thảo bổ sung quy định: “Không nhắc nợ, đòi nợ tổ chức, cá nhân không có nghĩa vụ trả nợ cho CTTC”. Ban soạn thảo Dự thảo cho biết, trong thời gian qua đã xảy ra tình trạng một số CTTC nhắc nợ, đòi nợ tổ chức, cá nhân không có nghĩa vụ trả nợ, gây bức xúc dư luận. Quy định tại Dự thảo Thông tư nhằm hạn chế tình trạng này.
Báo cáo định kỳ, giám sát chặt chẽ
Dự thảo cũng bổ sung một số trách nhiệm đáng chú ý của CTTC. Theo đó, doanh nghiệp này phải thực hiện cảnh báo sớm cho khách hàng các rủi ro khi quyết định vay tiêu dùng, trách nhiệm tuân thủ nghĩa vụ hợp đồng cho vay tiêu dùng, các biện pháp sẽ được áp dụng nếu khách hàng không thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng.
Bình luận về những nội dung này, ông Đức cho rằng, việc đưa ra cảnh báo sớm cũng cần quy định khoảng thời gian, chẳng hạn, báo trước mấy ngày cho người vay nợ trước khi CTTC có quyết định xử lý tài sản bảo đảm hoặc chuyển nợ xấu.
Về chế độ báo cáo, theo Dự thảo, định kỳ ngày 12 hàng tháng, CTTC phải báo cáo bằng văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố về dư nợ cho vay tiêu dùng đối với khách hàng vay trên địa bàn của tháng trước liền kề theo mẫu biểu quy định. Ngoài ra phải gửi quy định nội bộ về cho vay tiêu dùng, báo cáo về khung lãi suất cho vay tiêu dùng tới Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố nơi CTTC đặt trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, điểm giới thiệu dịch vụ.
Báo cáo về khung lãi suất cho vay tiêu dùng phải nêu cụ thể các yếu tố, nguyên tắc cơ bản xác định khung lãi suất cho vay tiêu dùng, các yếu tố về chi phí vốn, chi phí rủi ro, lợi nhuận trên vốn, lãi suất thị trường và bảo đảm bù đắp được các chi phí, rủi ro liên quan, đảm bảo quyền lợi của khách hàng và sự phát triển của CTTC.
Ban soạn thảo cho biết, Dự thảo bổ sung quy định về trách nhiệm của CTTC nhằm cụ thể hóa trách nhiệm của các công ty này trong việc tuân thủ quy định tại Thông tư, tăng cường cho vay có trách nhiệm trong tất cả các giai đoạn tín dụng.
Việc quy định cụ thể chế độ báo cáo của CTTC nêu trên, theo Ban soạn thảo, nhằm đảm bảo cơ quan có thẩm quyền có thể quản lý, thanh tra, giám sát hoạt động của CTTC.
Theo ông Đức, các quy định về chế độ báo cáo là hoàn toàn cần thiết và hợp lý. Đồng thời với việc đặt ra quy định, cơ quan chức năng cần tăng cường giám sát để đảm bảo quy định được thực thi hiệu quả.