Nhiều doanh nghiệp điện gió, điện mặt trời không đáp ứng được nghĩa vụ thanh toán trái phiếu đến hạn. Ảnh minh họa: Nhã Chi |
Cùng với đó, Bộ Tài chính đang rốt ráo chỉ đạo khai mở sàn giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ để tạo kênh thanh khoản cho trái phiếu, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp vơi bớt áp lực đòi nợ từ trái chủ và chủ động gọi vốn mới từ thị trường…
Giảm áp lực nợ ngân hàng
Theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, các khoản nợ được cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là các khoản cho vay và cho thuê tài chính. NHNN trao quyền chủ động cho các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong việc xem xét, đánh giá khó khăn của khách hàng để quyết định việc cơ cấu lại khoản nợ vay của khách hàng. Thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ do tổ chức tín dụng quyết định, nhưng không vượt quá 12 tháng kể từ ngày đến hạn của số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Cụ thể, việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng được thực hiện kể từ ngày 24/4/2023 đến hết ngày 30/6/2024.
Thông tư 02 ra đời trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, chưa có dấu hiệu phục hồi. IMF dự báo, một số nền kinh tế lớn như Anh, Đức sẽ tăng trưởng âm trong năm 2023. Một số nền kinh tế khác dự báo tăng trưởng dưới 2% như Mỹ (1,3%), Nhật Bản (1,3%), Nga (0,7%), Pháp (0,7%)… Với Việt Nam, theo IMF, năm nay, GDP nước ta chỉ tăng trưởng 5,8%, thấp hơn nhiều con số kế hoạch 6,5%. Tuy nhiên, nếu không có các giải pháp kịp thời gỡ khó cho các doanh nghiệp, thì để đạt được mức tăng trưởng 5,8% cũng là thách thức, bởi nền kinh tế chỉ có thể tăng trưởng khi doanh nghiệp luôn vận động trong dòng chảy sản xuất - kinh doanh, tạo giá trị mới.
Nhiều ý kiến kỳ vọng, Thông tư số 02 sẽ góp phần trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, kéo dài thời gian vay và trả nợ ngân hàng, tạo điều kiện quay vòng vốn và tiếp cận vốn vay mới phục vụ sản xuất kinh doanh. Do NHNN trao quyền chủ động cho các tổ chức tín dụng quyết định việc cơ cấu lại khoản nợ vay, nên thực tế triển khai Thông tư 02 sẽ phụ thuộc vào khẩu vị rủi ro của từng tổ chức tín dụng. Trên bình diện chung, nợ xấu ngành ngân hàng phải đảm bảo chỉ tiêu định hướng của Chính phủ, ở mức dưới 3%.
Giảm áp lực nợ trái phiếu
Nếu nợ ngân hàng có hy vọng được cơ cấu lại thì khoản nợ vay trái phiếu của các doanh nghiệp cũng sắp có thêm giải pháp mới khi Bộ Tài chính thúc đẩy việc vận hành sàn giao dịch TPDN riêng lẻ vào tháng 6/2023. Tuy nhiên, để xử lý được khối lượng TPDN với dư nợ 1,15 triệu tỷ đồng tính đến tháng 3/2023 vẫn là một thách thức, trong bối cảnh chất lượng nợ đang yếu dần.
Theo thống kê của Công ty CP Xếp hạng tín nhiệm đầu tư Việt Nam (VISRating), tính đến cuối tháng 3/2023, tỷ lệ nợ xấu TPDN lên tới 10%, cao hơn rất nhiều so với ngưỡng tối đa nợ xấu 3% của ngành ngân hàng. 71% trường hợp không đáp ứng được các nghĩa vụ thanh toán trái phiếu đến hạn có liên quan tới doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản, chủ yếu là các công ty chưa niêm yết thuộc các tập đoàn bất động sản lớn, có đòn bẩy tài chính cao, dòng tiền hạn chế và không đủ nguồn tiền mặt để trả lãi hoặc nợ gốc trái phiếu khi đến hạn.
(Nguồn: Công ty CP Xếp hạng tín nhiệm đầu tư Việt Nam) |
Với nhóm DN ngành tiện ích, hầu hết các trường hợp không đáp ứng được nghĩa vụ thanh toán trái phiếu đến hạn đều liên quan đến các công ty phát triển các dự án điện gió và điện mặt trời, đang gặp khó khăn trong việc thương mại hóa các dự án. Tỷ lệ nợ xấu TPDN của nhóm này là 31%... Hơn 5% trường hợp là không trả được nợ gốc, gần 95% trường hợp không đáp ứng được các nghĩa vụ thanh toán là do các tổ chức phát hành không thực hiện thanh toán lãi trái phiếu khi tới hạn phải thanh toán. Thực tế này phản ánh các DN rất khó khăn về dòng tiền.
Cũng theo thống kê, năm 2023, lượng TPDN đáo hạn toàn thị trường là 252 nghìn tỷ đồng. Dựa trên sức khỏe tài chính các doanh nghiệp, VNSRating đánh giá có 113 nghìn tỷ đồng (tương ứng 45% trái phiếu đáo hạn) có nguy cơ không đáp ứng được các nghĩa vụ thanh toán, tập trung tại các công ty chưa niêm yết liên quan đến lĩnh vực bất động sản và có dòng tiền yếu, nguồn tiền mặt hạn chế.
Để gỡ khó cho doanh nghiệp, tháng 3/2023, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP, cho phép doanh nghiệp được đàm phán với trái chủ, kéo dài thời gian trả nợ trái phiếu thêm 2 năm. Một giải pháp mới, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, đó là, Bộ đang rốt ráo chỉ đạo xây dựng hệ thống giao dịch TPDN riêng lẻ, dự kiến sẽ hoạt động từ giữa tháng 6/2023. Các cơ quan liên quan (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, các thành viên thị trường) đang gấp rút chuẩn bị cho kế hoạch này.
Sở dĩ sàn giao dịch TPDN riêng lẻ là giải pháp được cả doanh nghiệp và nhà đầu tư chờ đợi là bởi thời kỳ thị trường TPDN sôi động, nhiều công ty chứng khoán sẵn sàng mua vào TPDN khi nhà đầu tư cần tiền. Tuy nhiên, khi thị trường TPDN bung vỡ khó khăn, các công ty chứng khoán đã đồng loạt đóng cửa nghiệp vụ này, khiến nhà đầu tư chỉ có cách trông chờ tổ chức phát hành trả gốc và lãi. Trong khi nhiều DN cạn dòng tiền, liên tục gửi đơn kêu cứu đến các cơ quan chức năng thì từ phía nhà đầu tư, nhiều cuộc biểu tình đòi DN trả nợ lãi và gốc đến hạn cũng đồng thời diễn ra, nhưng không có kết quả. Tính đến ngày 8/3/2023, 69 DN phát hành TPDN riêng lẻ đã vi phạm nghĩa vụ trả gốc, lãi đến hạn, gây bức xúc cho rất nhiều nhà đầu tư.
Năm 2023, lượng TPDN đáo hạn toàn thị trường là 252 nghìn tỷ đồng. Dựa trên sức khỏe tài chính các doanh nghiệp, VNSRating đánh giá có 113 nghìn tỷ đồng (tương ứng 45% trái phiếu đáo hạn) có nguy cơ không đáp ứng được các nghĩa vụ thanh toán, tập trung tại các công ty chưa niêm yết liên quan đến lĩnh vực bất động sản và có dòng tiền yếu, nguồn tiền mặt hạn chế.
Trong bối cảnh nhiều chủ thể cùng khó khăn, kỳ vọng Nhà nước dùng tiền ngân sách để hỗ trợ giảm áp lực nợ cho doanh nghiệp là không thực tế, nhưng việc tạo thêm cơ chế mới, kết nối dòng chảy vốn là rất cần thiết để dòng tiền vượt qua giai đoạn tắc nghẽn, trở lại với hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Chia sẻ với Báo Đấu thầu về cơ sở pháp lý điều tiết sàn giao dịch TPDN riêng lẻ, lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, dự thảo Thông tư đã được hoàn thiện, đang chờ Bộ Tài chính ban hành. Theo Dự thảo mới nhất, giao dịch TPDN riêng lẻ áp dụng phương thức thỏa thuận trên hệ thống giao dịch của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội. Theo đó, nguyên tắc cơ bản là các bên tham gia giao dịch tự thoả thuận, thống nhất các nội dung giao dịch. Giao dịch được xác lập khi bên mua hoặc bên bán nhập lệnh vào hệ thống và bên đối ứng xác nhận lệnh giao dịch này. Dù không kỳ vọng nhiều, nhưng vận hành sàn giao dịch TPDN riêng lẻ sẽ giúp các trái chủ có nơi để chuyển trái phiếu thành tiền, tạo thanh khoản cho TPDN, từ đó, giúp giảm áp lực trả nợ cho doanh nghiệp, đồng thời tạo cơ hội để doanh nghiệp gọi thêm vốn mới, nếu kế hoạch phát triển thuyết phục được nhà đầu tư.
Ông Phan Phương Anh, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán MB (MBS) nhận định, thị trường nợ và thị trường vốn tại Việt Nam đã đến điểm đáy khó khăn. Những giải pháp từ Chính phủ và các bộ, ngành sẽ hỗ trợ các thị trường này hồi phục trở lại. Với các chính sách hiện hành, MBS nhìn thấy cơ hội, nên năm 2023 sẽ phát triển mạnh hoạt động thu xếp vốn, tư vấn M&A, tái cấu trúc tài chính, góp sức giảm áp lực nợ cho doanh nghiệp, đưa doanh nghiệp trở lại với guồng quay sản xuất - kinh doanh.