Thủ tục về thuế nên được sửa đổi, hoàn thiện theo hướng giảm thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Ảnh: Mạnh Hà |
Bà Phạm Thu Trang, Phó Tổng giám đốc tư vấn thuế Công ty Kiểm toán Ernst & Young Việt Nam cho rằng, quy định về hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) trong Dự thảo Thông tư là chưa hợp lý và cần đơn giản hóa. Dự thảo Thông tư bổ sung thêm bản sao hợp đồng xuất khẩu, bảng kê hóa đơn, chứng từ vào hồ sơ đề nghị hoàn thuế, trong khi việc lập bảng kê hóa đơn đã được bỏ khi lập tờ khai thuế GTGT hàng tháng/quý, giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí tuân thủ. Yêu cầu về hồ sơ, tài liệu khi hoàn thuế GTGT như vậy là đi ngược với mục tiêu cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ.
Thực tế, trong quá trình kiểm tra hoàn thuế, doanh nghiệp có trách nhiệm cung cấp những tài liệu này khi cơ quan thuế yêu cầu. Nếu có bất cứ sai sót nào trong quá trình hoàn thuế, theo quy định, doanh nghiệp sẽ phải nộp bổ sung, bao gồm cả tiền chậm nộp cho số tiền thuế được hoàn không đúng quy định.
Theo đại diện Ernst & Young Việt Nam, bản chất hoàn thuế GTGT là ảnh hưởng đến dòng tiền của doanh nghiệp. Do đó, thủ tục đối với hoàn thuế GTGT cần được sửa đổi, hoàn thiện theo hướng giảm thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, giúp quá trình xin hoàn thuế diễn ra nhanh chóng, dễ dàng, thuận tiện. Do đó, nên cân nhắc bỏ yêu cầu về hồ sơ chứng từ này khi lập hồ sơ đề nghị hoàn thuế GTGT.
Bên cạnh đó, bà Trang lo ngại, quy định về hoàn thuế trong trường hợp doanh nghiệp bị giải thể, đóng cửa, phá sản có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp. Dự thảo Thông tư quy định, trường hợp doanh nghiệp giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động có số thuế chưa khấu trừ hết đề nghị hoàn, có số thuế nộp thừa đề nghị hoàn trả thì nộp hồ sơ đề nghị hoàn thuế theo quy định. Tuy nhiên, không dễ thực hiện việc hoàn trả tiền thuế nếu không có quy định cụ thể về thời gian tối đa phải hoàn thuế cho doanh nghiệp.
Bà Hà Thị Tường Vy, Phó Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam nhận xét: “Dự thảo Thông tư có quá nhiều nội dung, bản thân tôi cũng đọc trước quên sau thì không hiểu kế toán của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện thế nào”.
Vì vậy, bà Vy đề nghị Bộ Tài chính tách thông tư này thành 2 thông tư khác nhau, một thông tư quy định cụ thể về kế toán, kê khai thuế và thông tư còn lại hướng dẫn chung về quản lý thuế. “Vì trên thực tế có rất nhiều doanh nghiệp không nắm chắc được toàn bộ quy định nếu gộp toàn bộ vào một văn bản”, bà Vy nói thêm.
Để cải cách thủ tục hành chính, giảm thiểu khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận các văn bản quy phạm pháp luật, những quy định đã được luật hóa thì nghị định hướng dẫn không nhắc lại, kể cả làm rõ thêm. Những quy định đã được luật hóa hoặc đã được quy định trong nghị định hướng dẫn thì thông tư hướng dẫn không được quy định lại, cho dù là cụ thể, chi tiết.
Bà Lê Thị Duyên Hải, Vụ trưởng Vụ Kê khai và Kế toán thuế thuộc Tổng cục Thuế cho biết sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp trên. Bà Hải nêu quan điểm: “Trong thời gian đầu thực hiện quy định, một thông tư chung có thể gây khó khăn vì phải tra cứu cả luật, nghị định lẫn thông tư mới thực hiện được. Tuy nhiên, Ban soạn thảo Thông tư hướng dẫn Luật Quản lý thuế không thể làm khác được vì theo quy định, những nội dung nào mà Luật Quản lý thuế, Nghị định 126/2020/NĐ-CP không giao Bộ Tài chính hướng dẫn thì không được ban hành thông tư hướng dẫn riêng. Vì vậy, không có cách nào khác là doanh nghiệp đồng thời phải nắm chắc cả luật, nghị định và thông tư hướng dẫn”.