Hụt thu từ quỹ đất, nhiều dự án “đuối” vốn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Những năm gần đây, khai thác quỹ đất tại một số địa phương nhằm bổ sung vốn đầu tư kết cấu hạ tầng rơi vào khó khăn, nhiều dự án nằm trong kế hoạch bố trí vốn đầu tư trước đó phải dừng giữa chừng.
Dự án cầu 16/5 thị trấn Đăk Glei, tỉnh Kon Tum tạm dừng thi công do thiếu vốn. Ảnh: Hà Minh
Dự án cầu 16/5 thị trấn Đăk Glei, tỉnh Kon Tum tạm dừng thi công do thiếu vốn. Ảnh: Hà Minh

Dự án cầu 16/5 thị trấn Đăk Glei (huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum) có tổng mức đầu tư 86,5 tỷ đồng, trong đó, Gói thầu xây lắp 65,8 tỷ đồng do Liên danh Công ty CP Xây dựng và Quản lý công trình giao thông Kon Tum - Công ty TNHH Tư vấn đầu tư và Xây dựng Bảo Nguyên thi công. Đến thời điểm này, Liên danh đã hoàn thành lao dầm toàn bộ cầu, hoàn thiện mặt cầu, khối lượng công việc đạt khoảng 46% giá trị hợp đồng, tương ứng hơn 30 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền trên được Nhà thầu bỏ ra trước để triển khai. Theo kế hoạch, cầu sẽ được khánh thành vào tháng 8/2025. Tuy nhiên, Dự án đến nay chưa được bố trí vốn, mặt bằng vướng, kinh phí Nhà thầu bỏ ra thi công chưa được hoàn lại nên công trình đang tạm dừng thi công.

Ban Quản lý đầu tư xây dựng huyện Đăk Glei (chủ đầu tư) cho biết, Dự án được HĐND tỉnh Kon Tum phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 4/2021; UBND tỉnh Kon Tum phê duyệt Dự án tháng 11/2021. Nguồn vốn cho Dự án được bố trí từ nguồn thu sử dụng đất cấp tỉnh quản lý giai đoạn 2021 - 2025, nhưng nguồn thu này gặp khó khăn nên chưa thể bố trí vốn cho Dự án. Dù đã cố gắng “vun vén” nhưng huyện Đăk Glei mới bố trí từ ngân sách huyện giải ngân cho Dự án khoảng 2,8 tỷ đồng. Hiện nay, HĐND tỉnh Kon Tum đã điều chỉnh thời gian hoàn thành Dự án đến năm 2026.

Tại kỳ họp HĐND tỉnh Gia Lai đầu tháng 10/2024, nhiều đại biểu chất vấn việc chậm giải ngân và ứng vốn của Quỹ Phát triển đất tỉnh Gia Lai cho các dự án, trong đó có Dự án khu dân cư đường Nguyễn Văn Linh (khoảng 1.840 tỷ đồng). “Trước đây, chủ trương của UBND Tỉnh là ứng nguồn từ Quỹ Phát triển đất Tỉnh để gối đầu thực hiện Dự án, rồi chi trả sau. Nhưng hiện nay Quỹ Phát triển đất Tỉnh không đồng ý cho ứng vốn, khiến Dự án có khả năng không thể thực hiện được”, Chủ đầu tư (UBND TP. Pleiku) cho hay.

Liên quan dự án này, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Phát triển đất Tỉnh cho rằng, việc Quỹ chưa xem xét cho ứng vốn dự án này vì phương án hoàn trả vốn ứng không khả thi, khi các quy định mới của Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản không cho phân lô bán nền trong đô thị Pleiku nên nguồn thu từ khai thác quỹ đất khó thực hiện. Vì vậy, nguồn vốn để bố trí cho dự án này tiếp tục bị bỏ ngỏ.

Để “cứu” những dự án trong danh mục đầu tư từ nguồn khai thác quỹ đất, một số chủ đầu tư tại các địa phương đã đề xuất phương án đảo vốn từ các dự án xây dựng cơ bản bị vướng mặt bằng chưa kịp giải ngân sang các dự án có mặt bằng thi công, bổ sung vào vốn đang bị thiếu hụt từ nguồn khai thác quỹ đất.

Tại Quảng Ngãi, Dự án Đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh giai đoạn IIa, thành phần 1 được bố trí 150 tỷ đồng năm 2024 nhưng không thể giải ngân do vướng mặt bằng, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng (QLDA ĐTXD) các công trình giao thông đề xuất cấp thẩm quyền cho đảo vốn sang nguồn thu tiền sử dụng đất để dành nguồn vốn xây dựng cơ bản tập trung cho Dự án Đường nối cầu Thạch Bích - Tịnh Phong gần 127 tỷ đồng.

Tại Ban QLDA ĐTXD huyện Bình Sơn, ông Nguyễn Tân, Giám đốc Ban cho biết, đã đề xuất và được HĐND Tỉnh thống nhất ra nghị quyết cho đảo nguồn vốn xây dựng cơ bản sang cho Dự án cầu Thạch An với số vốn 20 tỷ đồng để hoàn thành Dự án theo kế hoạch. Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi cũng xin đảo nguồn vốn Dự án Khu tái định cư đập Cà Ninh, vốn đầu tư 12 tỷ đồng.

Ngoài ra, Dự án Đầu tư xây dựng kè chống sạt lở kết hợp tạo quỹ đất bờ Bắc sông Trà Khúc nằm trên địa bàn xã Tịnh Long và Tịnh Khê, TP. Quảng Ngãi 132 tỷ đồng; Dự án Đầu tư xây dựng kè chống sạt lở kết hợp tạo quỹ đất bờ Bắc sông Trà Khúc nằm trên địa bàn xã Tịnh An và Tịnh Long, TP. Quảng Ngãi 230 tỷ đồng cũng đang gặp vướng mắc về nguồn vốn. Ban QLDA ĐTXD các công trình giao thông tỉnh Quảng Ngãi cho biết, để có nguồn giải ngân cho công tác thi công và giải phóng mặt bằng của các dự án, Chủ đầu tư đề xuất đảo vốn, bố trí vốn để triển khai thực hiện.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, khai thác quỹ đất những năm trước là nguồn lực lớn cho nhiều địa phương đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng. Tuy nhiên, những khó khăn hiện nay cho thấy nguồn lực từ lĩnh vực này cần được nhận diện thực tế để cân đối hiệu quả các nguồn vốn. Đối với các dự án đã đầu tư và có kế hoạch bố trí vốn từ nguồn khai thác quỹ đất, giải pháp có thể là điều chỉnh và kéo dài thời hạn đầu tư.

Tin cùng chuyên mục