Kết nối cung cầu hàng Tết: Cần chất lượng, giá tốt

(BĐT) - TP.HCM và các tỉnh, thành phố thuộc Đông - Tây Nam Bộ đang đẩy mạnh kết nối cung cầu hàng hoá, nhất là trong dịp Tết, nhằm tạo thêm sức mạnh cho khâu sản xuất, phân phối và phục vụ người tiêu dùng.
Kết nối cung cầu hàng Tết: Cần chất lượng, giá tốt. Ảnh Internet
Kết nối cung cầu hàng Tết: Cần chất lượng, giá tốt. Ảnh Internet

Hiệu quả kết nối

Theo bà Lê Thị Bích Đào, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, nguồn cung hàng hóa, giá cả thị trường trong dịp Tết 2016 dự báo sẽ ổn định, lượng hàng cung ứng tăng khoảng 15 - 20% so với Tết Ất Mùi 2015. Về cơ bản, lượng hàng cung ứng cho thị trường Tết đã thực hiện xong, hàng hóa dồi dào, chất lượng của các mặt hàng thiết yếu ngày càng được tăng lên.

Theo đó, nguồn cung hàng hóa từ các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn ở TP.HCM chiếm 30 - 40% thị phần, nguồn cung rau, củ quả, thủy sản tại 3 chợ đầu mối chiếm 60 - 70%, còn các doanh nghiệp khác chiếm 10 - 20%. Tổng giá trị hàng hóa các doanh nghiệp cung ứng cho 2 tháng Tết là 16.208 tỷ đồng, tăng 462 tỷ đồng so với Tết 2015, trong đó hàng bình ổn chiếm 6.862 tỷ đồng.

Về nguồn hàng bình ổn, TP.HCM đã ký kết với doanh nghiệp các địa phương tổng cộng 947 hợp đồng cung ứng tiêu thụ hàng hóa với tổng số vốn lên đến 20.000 tỷ đồng. Đơn cử như Đồng Nai hiện có hàng trăm nghìn tấn trái cây đặc sản cùng với 1,5 triệu con heo, hơn 15 triệu con gia cầm đang nhắm vào tiêu thụ phần lớn tại thị trường TP.HCM, đặc biệt là trong dịp Tết Bính Thân 2016 trong thông qua kết nối cung cầu. Hoặc như tỉnh Ninh Thuận với các đặc sản như nho, táo, tỏi, dê, cừu… cũng tìm đường tiêu thụ tại thị trường lớn như TP.HCM.

Ông Lê Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM nhận định, các hợp đồng ký kết thông qua chương trình kết nối cung - cầu đang tạo động lực cho nhà sản xuất tìm được đầu ra cho sản phẩm ổn định, bền vững, từ đó mở rộng quy mô đầu tư, sản xuất.

Ngăn hàng kém, giá cao

Theo Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM, trong 11 tháng 2015, lực lượng quản lý thị trường đã xử lý 10.102 vụ vi phạm, tổng số tiền thu phạt hơn 85 tỷ đồng. Tình hình hàng lậu, hàng gian, hàng giả trên thị trường Thành phố tuy đã được kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ nhưng vẫn chưa thể bị đẩy lùi, nhiều mặt hàng kém chất lượng có nhu cầu cao trong mua sắm Tết vẫn còn tiềm ẩn và sẽ gia tăng trong dịp Tết.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, chương trình kết nối cung cầu và chương trình bình ổn thị trường của TP.HCM cần được tăng cường nhằm tạo thêm sức mạnh cho khâu sản xuất, phân phối và phục vụ người tiêu dùng. Đồng thời cần nhân rộng chương trình kết nối ra các địa phương cả nước nhằm tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trên thị trường và người tiêu dùng được hưởng lợi nhờ mua được hàng hóa chất lượng.

Mặt khác, Thành phố cần tập trung thực hiện chặt chẽ chuỗi cung ứng, kiểm soát về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm hàng hóa kỹ càng hơn trước khi đưa ra thị trường. Việc kiểm soát giá cũng quan trọng vì chỉ cần một mặt hàng khan hiếm ở đâu đó trên thị trường rất dễ nảy sinh hội chứng tâm lý “sốt hàng” và kéo theo các mặt hàng cũng tăng giá, gây bất ổn cho thị trường Tết.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Văn Khoa khẳng định, các cơ quan chức năng của Thành phố sẽ tập trung kiểm soát chặt về chất lượng và giá bán đối với các mặt hàng thiết yếu trong dịp Tết, làm tốt khâu giá bán, chất lượng hàng, không thể để tình trạng hàng bán chất lượng kém mà giá cao. Đặc biệt, TP.HCM cũng rất quan tâm đến công tác kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm. Đến thời điểm này, Thành phố có 246 địa điểm bán thực phẩm sạch theo tiêu chuẩn Vietgap.

Tin cùng chuyên mục