Khả năng vượt mục tiêu tăng trưởng rõ nét hơn

(BĐT) - Từ kết quả phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, dự kiến năm 2019 sẽ hoàn thành toàn diện, vượt mức các mục tiêu kế hoạch đề ra, là năm thứ 2 liên tiếp đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó có 5 chỉ tiêu vượt. 
Các tổ chức quốc tế có uy tín đều điều chỉnh tăng mức dự báo về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2019. Ảnh: Lê Tiên
Các tổ chức quốc tế có uy tín đều điều chỉnh tăng mức dự báo về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2019. Ảnh: Lê Tiên

Quan trọng hơn, không chỉ tăng trưởng về số lượng mà chất lượng được cải thiện rõ nét, vĩ mô được duy trì ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được cải thiện.

Nhiều con số kỷ lục

Tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2019 diễn ra ngày hôm qua (2/10), Thủ tướng Chính phủ khẳng định, tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2019 tốt hơn so với dự báo, nhiều chỉ tiêu tăng trưởng tốt hơn cùng kỳ năm 2018 trên tất cả các lĩnh vực.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho thấy nhiều con số tích cực, kỷ lục. GDP 9 tháng tăng 6,98%, mức tăng cao nhất trong vòng 9 năm qua. Lạm phát tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp, bình quân 9 tháng tăng 2,5%, mức tăng thấp nhất trong 3 năm qua. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 10,3%, đặc biệt khu vực ngoài Nhà nước chiếm tỷ trọng 45,3%, tăng 16,9%. Vốn FDI thực hiện cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, ước đạt 14,2 tỷ USD, tăng 7,3%. Xuất khẩu đạt trên 190 tỷ USD, tăng 8,2%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 16,4%. Xuất siêu ở mức kỷ lục, gần 6 tỷ USD. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới đạt kỷ lục với 102.000 doanh nghiệp, tổng vốn đăng ký là 1.290,8 nghìn tỷ đồng, tăng 5,9% về số doanh nghiệp và tăng 34% về số vốn đăng ký. Ngành chế biến, chế tạo tăng 11,37%, tiếp tục là động lực tăng trưởng chủ yếu của nền kinh tế trong quý III...

Các tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá cao Việt Nam tiếp tục là điểm sáng của kinh tế khu vực và toàn cầu. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam ở mức 6,8% năm 2019. Standard Chartered đánh giá Việt Nam có tốc độ tăng trưởng năm 2019 dự kiến đạt 6,9% và tốc độ này được kỳ vọng sẽ duy trì đến năm 2021. Citigroup Inc. đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam lên 6,9%, từ mức 6,7% trước đó. Tạp chí US News & World Report vừa xếp hạng Việt Nam đứng thứ 8 trong Top 20 quốc gia có nền kinh tế tốt nhất để đầu tư.

Tại cuộc họp Thường trực Tiểu ban Kinh tế - Xã hội của Đại hội Đảng XIII diễn ra ngày 1/10, Thủ tướng cũng chia sẻ, theo số liệu thống kê mới nhất, dự kiến cả năm tăng trưởng có khả năng đạt từ 6,9 - 7%.

Theo ông Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội, nền kinh tế đã duy trì đà tăng trưởng đều, ổn định từ quý I đến nay, không bị tác động nhiều bởi các yếu tố mùa vụ, tâm lý người tiêu dùng... Trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều biến động, kết quả đạt được cho thấy nền kinh tế của Việt Nam ngày càng tự chủ hơn, nền tảng vững chắc hơn. “Với tiềm lực, tiền đề 9 tháng như thế, từ nay đến cuối năm có nhiều cơ hội tăng trưởng tốt hơn, vì thường cuối năm các lĩnh vực đều có điều kiện để phát triển mạnh hơn, cả tiêu dùng trong nước và xuất khẩu”, ông Hoàng Văn Cường nhận định. 

Tuyệt đối không chủ quan

Trong bức tranh sáng thì những “điểm mờ” được lãnh đạo Chính phủ chỉ ra là sản xuất, kinh doanh một số lĩnh vực gặp khó khăn, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Vốn FDI đăng ký mới và tăng thêm giảm cho thấy chuyển dịch đầu tư sang Việt Nam do tác động của xung đột thương mại không như kỳ vọng. Giải ngân vốn đầu tư công chậm; một số dự án công nghiệp, giao thông trọng điểm tiếp tục chậm tiến độ, chưa xác định thời gian hoàn thành. Bên cạnh một số mặt hàng xuất khẩu tăng cao thì nhiều mặt hàng chủ lực giảm, nhất là nông sản do giá giảm mạnh…

“Tuyệt đối không được chủ quan trong 3 tháng cuối năm để bảo đảm hoàn thành toàn diện, vượt mức kế hoạch năm 2019, tạo tiền đề thuận lợi cho năm 2020”, Thủ tướng nêu rõ.

Ông Hoàng Văn Cường lưu ý, tác động từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể sẽ rõ nét hơn. Nếu không chủ động ứng phó, chiến tranh thương mại căng thẳng hơn nữa có thể dẫn đến cán cân thương mại với Trung Quốc càng bất lợi, khi xuất khẩu sang Trung Quốc có thể giảm, mà nhập khẩu từ quốc gia này không giảm theo, thậm chí tăng lên rất nhiều. Chúng ta có thể có lợi hơn đối với thị trường Mỹ, nhưng không cẩn trọng thì dòng hàng hóa từ Trung Quốc sẽ sang Việt Nam để xuất sang Mỹ, như đã xảy ra với sắt thép, gỗ ván ép. Điều này là rất nguy hại, không chỉ tác động xấu cho sản xuất trong nước mà còn ảnh hưởng đến quan hệ thương mại với Mỹ.

Ở góc độ khác, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang dẫn đến phá giá đồng tiền, cả USD và Nhân dân tệ đều có xu hướng hạ giá. Trong khi đó, tỷ lệ lạm phát của Việt Nam thời gian qua thấp chứng tỏ đồng tiền của Việt Nam đang giữ giá. Điều này sẽ gây bất lợi cho xuất khẩu. Tình thế này, theo ông Cường, nếu chạy theo xu hướng, phá giá VND thì sẽ ảnh hưởng đến ổn định vĩ mô. Trong khi đó, các nhà đầu tư đang hào hứng đầu tư vào Việt Nam vì có niềm tin vào sự ổn định vĩ mô. “Việc giữ mục tiêu ổn định là số 1 nhưng đồng thời có cách đối phó với việc phá giá đồng tiền. Đây là bài toán cần cân đong cẩn trọng”, ông Cường lưu ý.