Cả nước dự kiến còn 5.000 xã phường
Theo dự thảo Nghị quyết mới nhất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính, số lượng xã, phường trên cả nước giảm từ 10.035 xuống còn khoảng 5.000.
![]() |
Quảng trường trung tâm TP. Hà Tĩnh |
Thông tin này được đại diện Bộ Nội vụ cho biết chiều 1/4. Dự thảo được hoàn thiện để thể chế hóa chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và tạo cơ sở pháp lý cho việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp.
So với dự thảo ban đầu, tiêu chí sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã đã có điều chỉnh để phù hợp với chỉ đạo của cấp trên và tình hình thực tế. Theo đó, việc sắp xếp đơn vị hành chính các cấp sẽ dựa trên các tiêu chí về diện tích tự nhiên và quy mô dân số. Đồng thời, cơ quan chức năng sẽ xem xét các yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hóa, dân tộc; vị trí và điều kiện địa lý; quy mô và trình độ phát triển kinh tế xã hội; hạ tầng giao thông, công nghệ thông tin; cũng như đảm bảo quốc phòng, an ninh quốc gia và hội nhập quốc tế.
Đại diện Bộ Nội vụ nhấn mạnh rằng, việc sắp xếp đơn vị hành chính các cấp không chỉ đơn thuần là việc điều chỉnh địa giới hành chính và tinh gọn bộ máy, mà còn là sự điều chỉnh về không gian kinh tế, phân cấp, phân bổ và kết hợp các nguồn lực kinh tế. Mục tiêu lớn hơn là mở rộng không gian phát triển, tạo nền tảng và sức bật cho đất nước theo các mục tiêu và tầm nhìn chiến lược dài hạn, phù hợp với thực tiễn và xu hướng phát triển của thế giới.
Trước đó tại Đà Nẵng, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, đầu tháng 4 Trung ương sẽ họp và tính toán các phương án sắp xếp tinh gọn bộ máy. "Dự kiến ban đầu cả nước còn khoảng 34 tỉnh, thành phố trên cơ sở sắp xếp lại 63 tỉnh, thành hiện nay; kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện; sáp nhập còn khoảng 5.000 đơn vị hành chính cấp xã, phường", Tổng Bí thư nói.
Phương án sáp nhập xã phường mới nhất đã có sự thay đổi đáng kể so với dự kiến trước đó. Tuần trước, dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu sắp xếp 9.996 trên tổng số 10.035 đơn vị hành chính cấp xã để giảm xuống dưới 3.000.
Đầu tư gần 2.300 tỷ đồng mở rộng quốc lộ nối Bà Rịa lên cao tốc Phan Thiết
Đoạn Quốc lộ 55 từ ranh giới Bà Rịa - Vũng Tàu đến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết dài 49 km vừa được đề xuất bố trí vốn đầu tư mở rộng.
![]() |
Đoạn Quốc lộ 55 được đề xuất đầu tư nâng cấp |
Ngày 1/4, ông Huỳnh Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Bình Thuận cho biết, sau khi thống nhất kiến nghị của Tỉnh, Bộ Xây dựng đã báo cáo Thủ tướng xem xét, bố trí nguồn vốn để nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 55, từ ranh giới Bà Rịa - Vũng Tàu đến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết.
Đoạn tuyến được đề nghị đầu tư dài khoảng 49 km, rộng 12 m, 4 làn xe, tổng mức đầu tư gần 2.300 tỷ đồng. Nếu được chấp thuận, UBND tỉnh Bình Thuận sẽ triển khai thi công ngay trong năm nay, dự kiến hoàn thành vào năm 2026.
Quốc lộ 55 dài 233 km đi qua ba tỉnh: Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận và Lâm Đồng. Đây là trục ngang kết nối Quốc lộ 51 (Bà Rịa - Vũng Tàu) đến Quốc lộ 1, cao tốc Bắc - Nam (Bình Thuận) và Quốc lộ 20 (Lâm Đồng). Tuyến đường này cũng giữ vai trò kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía nam, khu vực ven biển Bình Thuận, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.
Những năm qua, 152 km Quốc lộ 55 qua Bình Thuận đã được nâng cấp nhưng so với nhu cầu thực tế hiện vẫn chưa đồng bộ. Trong đó, đoạn 49 km từ ranh giới Bà Rịa - Vũng Tàu đến Quốc lộ 1 và cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây (tại huyện Hàm Tân) mặt đường chỉ rộng 6 - 9 m, nhiều đoạn hư hỏng, xuống cấp, thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông.
Vietnam Airlines muốn đầu tư 93.000 tỷ mua 50 tàu thân hẹp
Vietnam Airlines dự kiến đầu tư 50 tàu thân hẹp, với giá trị khoảng 92.800 tỷ đồng, tức bằng 1,6 lần tổng giá trị tài sản của hãng này.
![]() |
Một tàu bay thân hẹp của Vietnam Airlines tại sân bay Đà Nẵng |
Thông tin trên được nêu trong văn bản của Bộ Tài chính gửi Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) để hướng dẫn về trình tự, thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư dự án mua tàu bay.
Dự án đầu tư 50 tàu bay thân hẹp của Vietnam Airlines có tổng giá trị dự kiến khoảng 92.800 tỷ đồng. Số tiền này tương đương 160% tổng tài sản của hãng hàng không gia quốc, căn cứ báo tài chính đến hết năm 2024.
Theo quy định hiện hành tại Luật số 69 về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, với dự án có mức đầu tư lớn hơn 35% tổng giá trị tài sản, doanh nghiệp cần xin ý kiến Bộ Tài chính trước khi đại diện tham gia biểu quyết tại đại hội đồng cổ đông và HĐQT. Tuy nhiên, Bộ cũng lưu ý Vietnam Airlines cần phải báo cáo Thủ tướng trước để xem xét cho ý kiến.
Nếu được Thủ tướng đồng ý về mặt chủ trương, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan, Vietnam Airlines mới thực hiện được thủ tục triển khai dự án. Đồng thời, doanh nghiệp này cần chịu trách nhiệm toàn diện, đảm bảo hiệu quả đầu tư và bảo toàn vốn nhà nước.
Hãng hàng không này đã có kế hoạch bổ sung đội tàu bay thân hẹp từ cách đây vài năm để phục vụ nhu cầu vận chuyển trong tương lai và thay thế những tàu A321 CEO cũ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động. Tuy nhiên, quá trình này cũng gặp vướng mắc do đại dịch và một số quy định hiện hành.
Năm 2030, nhu cầu đội bay thân rộng của Vietnam Airlines là 37 tàu, thân hẹp 95 và 5 ATR. Dự kiến đến năm 2035, hãng dự kiến cần 52 tàu thân rộng, 112 tàu thân hẹp. Hiện tại, đội bay của hãng hàng không quốc có khoảng 100 chiếc, trong đó có hơn 30 máy bay thân rộng.
Theo báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất vừa công bố, Vietnam Airlines đạt tổng doanh thu và thu nhập khác hơn 113.700 tỷ đồng năm ngoái. Lãi sau thuế hợp nhất gần 8.000 tỷ đồng, trong đó, công ty mẹ lãi 2.775 tỷ đồng. Hãng đạt kết quả này nhờ hoạt động kinh doanh phục hồi cùng với việc công ty con Pacific Airlines được các đối tác xoá nợ khoảng 4.700 tỷ đồng.
Năm ngoái, hãng vận chuyển 22,7 triệu lượt khách - tăng 8,8% và 314.700 tấn hàng hoá - tăng 40%.
Đề xuất công ty chứng khoán làm trung gian trên sàn giao dịch carbon
Công ty chứng khoán có hạ tầng phù hợp có thể cung cấp dịch vụ giao dịch hạn ngạch phát thải, tín chỉ carbon và thông báo với bên mua, bán sau khi khớp lệnh.
![]() |
Nhà đầu tư giao dịch tại công ty chứng khoán ở Quận 1 (TP.HCM). |
Tại tờ trình về dự thảo Nghị định sàn giao dịch carbon trong nước, Bộ Tài chính đề xuất các công ty chứng khoán làm trung gian hỗ trợ giao dịch. Tương tự chứng khoán, các khách hàng, nhà đầu tư sẽ đăng nhập, kết nối qua các công ty này, thay vì trực tiếp tới hệ thống giao dịch.
Mô hình trung gian hỗ trợ này giúp nâng cao tính an ninh, bảo mật. Khi một trung gian gặp sự cố mạng, các trung gian khác và hệ thống giao dịch không bị ảnh hưởng.
Thêm vào đó, công ty chứng khoán đều sẵn có hạ tầng công nghệ kết nối đến sở giao dịch chứng khoán, Trung tâm Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam, thuận lợi để hỗ trợ giao dịch.
Theo dự thảo, hàng hóa trên thị trường giao dịch carbon gồm hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon. Hai loại hàng hóa này phải được Bộ Nông nghiệp và Môi trường xác nhận, ghi nhận trên hệ thống đăng ký quốc gia trước khi được Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội đưa vào hệ thống giao dịch.
Với tín chỉ carbon, đối tượng giao dịch được mở rộng hơn, thêm các tổ chức thực hiện chương trình, dự án theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ trong nước và quốc tế. Tổ chức và cá nhân cũng có thể tham gia giao dịch nếu được Bộ Nông nghiệp và Môi trường xác nhận tư cách tham gia.
Để giao dịch, các cá nhân, tổ chức phải mở tài khoản tại công ty chứng khoán hỗ trợ giao dịch trên thị trường carbon. Giao dịch thực hiện theo phương thức thỏa thuận, được công ty chứng khoán thông báo kết quả cho các bên sau khi khớp lệnh. Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội cung cấp kết quả giao dịch cho Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam để thanh toán giao dịch qua ngân hàng.
Dự thảo cũng đề xuất Bộ Tài chính quyết định số lượng ngân hàng thương mại làm ngân hàng thanh toán cho thị trường carbon theo từng thời kỳ, tùy quy mô và nhu cầu thị trường, tránh lãng phí.
Đầu năm nay, Chính phủ đã duyệt Đề án thành lập và phát triển thị trường carbon tại Việt Nam, yêu cầu vận hành thí điểm sàn giao dịch carbon trong nước từ tháng 6 năm nay đến hết năm 2028, trước khi hoạt động chính thức từ năm 2029.
TP.HCM dự kiến hợp nhất Sở Giao thông công chánh và Sở Xây dựng
TP.HCM dự kiến hợp nhất hai sở giao thông công chánh với xây dựng, tái lập Sở Quy hoạch - Kiến trúc, đổi tên Sở Tài nguyên và Môi trường.
![]() |
Trụ sở Sở Giao thông công chánh TP.HCM |
Theo tờ trình của Sở Nội vụ, TP.HCM sẽ hợp nhất Sở Xây dựng và Sở Giao thông công chánh thành Sở Xây dựng, lập Sở Quy hoạch - Kiến trúc trên cơ sở tách chức năng quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng, kiến trúc từ Sở Xây dựng và đổi tên Sở Tài nguyên và Môi trường thành Sở Nông nghiệp và Môi trường.
Đề xuất này được thực hiện theo yêu cầu Thường trực Ban Bí thư hôm 28/3 nhằm bảo đảm tổng thể, đồng bộ, liên thông, tinh gọn, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả của các cơ quan, tổ chức, đơn vị tại địa phương.
Ngoài ra, việc tái lập Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Nội vụ căn cứ vào Nghị định 45 ngày 28/2 của Chính phủ cho phép TP.HCM và Hà Nội có Sở Quy hoạch - Kiến trúc để tham mưu, giúp UBND thành phố thực hiện chức năng quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng, kiến trúc.
Trước đó, ngày 20/2, tại Kỳ họp thứ 21, HĐND TP.HCM đã thông qua các nghị quyết lập Sở Xây dựng trên cơ sở hợp nhất Sở Xây dựng và Sở Quy hoạch - Kiến trúc; lập Sở Giao thông công chánh trên cơ sở tổ chức lại Sở Giao thông vận tải và tiếp nhận một số chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về hạ tầng kỹ thuật của Sở Xây dựng, tiếp nhận Văn phòng thường trực Ban An toàn giao thông thành phố; lập Sở Tài nguyên và Môi trường trên cơ sở hợp nhất Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Hiện các cơ quan mới đã thực hiện xong việc sắp xếp theo Nghị quyết của HĐND TP.HCM và đi vào hoạt động từ ngày 1/3.
Theo Sở Nội vụ, phương án sắp xếp cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP.HCM đã được Bộ Nội vụ thống nhất, bảo đảm phù hợp với tổ chức chính quyền đô thị của TP.HCM và không vượt khung số lượng cơ quan chuyên môn theo quy định của Chính phủ.
Đề xuất làm đường sắt nhẹ 5.200 tỷ đồng ở trung tâm Bình Dương
Dự án đường sắt nhẹ TP. Thủ Dầu Một dài 13 km, tổng mức đầu tư 5.200 tỷ đồng được nhà đầu tư Nhật Bản đề xuất triển khai nhằm kết nối hạ tầng đô thị xanh.
![]() |
Ga trung tâm thành phố mới dự kiến là điểm cuối của tuyến đường sắt nhẹ Thủ Dầu Một |
Theo báo cáo tiền khả thi Dự án phát triển tuyến đường sắt nhẹ (LRT) của Tập đoàn Tokyu (Nhật Bản), điểm đầu tuyến dự kiến ở Tòa nhà Becamex trên Đại lộ Bình Dương và điểm cuối ở Vòng xoay Thành phố mới Bình Dương. Toàn tuyến dài 13 km với 10 ga với tổng vốn đầu tư khoảng 5.200 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, tuyến LRT có vai trò quan trọng trong việc tạo ra mạng lưới vận chuyển kết nối với các tuyến Metro số 1, số 2 trong tương lai của Bình Dương. Khi đi vào hoạt động, tuyến đường sắt nhẹ này sẽ kết nối các khu vực trung tâm của đô thị để chuyển tiếp đến các nhà ga chính của tuyến metro.
Sở Xây dựng Bình Dương sẽ phối hợp tổ chuyên gia nghiên cứu của Tập đoàn Tokyu để hoàn thiện báo cáo khả thi của dự án. Sau đó, đơn vị này sẽ đề xuất phương án đầu tư phù hợp với UBND Tỉnh.
Theo đại diện Tập đoàn Tokyu, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản đã đồng ý tài trợ 100 triệu yên cho dự án khảo sát lập quy hoạch tổng thể phát triển vùng tỉnh về tăng trưởng xanh tại Bình Dương. Dự án nghiên cứu hệ thống giao thông LRT, khu công nghiệp xanh, kế hoạch năng lượng tái tạo, thành phố thông minh TOD tại Bình Dương.
Việt Nam áp thuế chống bán phá giá thép mạ Trung Quốc, Hàn Quốc
Từ 1/4, một số sản phẩm thép mạ xuất xứ Trung Quốc và Hàn Quốc chịu mức thuế chống bán phá giá tạm thời 15,67 - 37,13%.
![]() |
Việt Nam áp thuế chống bán phá giá thép mạ Trung Quốc, Hàn Quốc. Ảnh minh họa |
Thông tin này nêu tại Quyết định 914 của Bộ Công Thương về áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời với một số sản phẩm thép mạ (còn gọi là tôn mạ) từ Trung Quốc và Hàn Quốc.
Theo đó, mức thuế chống bán phá giá tạm thời được áp dụng cao nhất 37,13% với hàng từ Trung Quốc và 15,67% sản phẩm xuất xứ Hàn Quốc.
Đây là quyết định áp thuế chống bán phá giá thứ 2 với các mặt hàng thép, tính từ đầu năm nay. Trước đó, ngày 21/2, nhà điều hành cũng áp thuế này với thép cuộn cán nóng từ Ấn Độ và Trung Quốc, dựa trên đơn khởi kiện của Tập đoàn Hòa Phát và Formosa.
Quyết định áp thuế lần này được Bộ Công Thương đưa ra sau quá trình điều tra vụ việc theo yêu cầu của 5 công ty gồm Tập đoàn Hoa Sen, Nam Kim, Tôn Phương Nam, Tôn Đông Á và China Steel & Nippon Steel Việt Nam.
Bộ Công Thương cho biết, quá trình điều tra này được thực hiện theo quy định của Luật Quản lý ngoại thương. Họ đã phối hợp với các đơn vị liên quan xem xét, đánh giá tác động từ hành vi bán phá giá của hàng nhập khẩu với sản xuất trong nước. Mức độ bán phá giá các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc cũng được xem xét kỹ lưỡng.
Theo số liệu hải quan, đến tháng 3/2024, lượng nhập khẩu hàng bị điều tra trong 12 tháng đạt 454.000 tấn, tăng 91% so với cùng kỳ năm trước đó. Đặc biệt, sau khi Bộ Công Thương ra quyết định khởi xướng vụ việc vào tháng 6/2024, lượng nhập thép mạ từ Trung Quốc và Hàn Quốc vẫn tăng đáng kể. Cụ thể, trong 9 tháng cuối 2024, lượng nhập hàng bị điều tra xấp xỉ 382.000 tấn, tăng 20% so với cùng kỳ.
Do vậy, Bộ Công Thương xem xét áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời. Việc này nhằm ngăn chặn lượng nhập khẩu thép mạ gia tăng nhanh có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước thời gian tới.
Theo quy định, nhà điều hành tiếp tục làm việc với các bên liên quan để thu thập, xác minh thông tin và đưa ra kết luận cuối cùng. Việc này sẽ dựa trên cơ sở đánh giá tác động toàn diện của vụ việc.
Trong quá khứ, thuế chống bán phá giá với thép mạ từng được áp dụng từ tháng 9/2016 tới 5/2022.