![]() |
Phan Phạm Hà, cựu Tổng Giám đốc VEAM |
Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội vừa ban hành cáo trạng truy tố 7 bị can; trong đó có 4 bị can là cựu lãnh đạo Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) trong vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Tổng công ty.
Cụ thể, 7 bị can gồm: Phan Phạm Hà (sinh năm 1975, cựu Tổng Giám đốc VEAM), Nguyễn Thị Mai Hương (sinh năm 1979, cựu Kế toán trưởng kiêm Trưởng ban Tài chính - Kế toán VEAM), Thái Đức Minh (sinh năm 1983, cựu Trưởng ban Kinh doanh và phát triển thị trường VEAM), Nghiêm Trọng Thăng (sinh năm 1976, cựu Phó Chánh Văn phòng VEAM), Trần Tuấn Kiệt (sinh năm 1982, Giám đốc Công ty TNHH Phát triển dịch vụ và du lịch Mặt Trời Việt), Bùi Thanh Dũng (sinh năm 1978, trú xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh, Hà Nội; Quản lý nhà hàng San hô), Lê Thị Hiền (sinh năm 1988, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ thương mại Song Linh).
Trong số đó, 5 bị can: Phan Phạm Hà, Nguyễn Thị Mai Hương, Thái Đức Minh, Trần Tuấn Kiệt, Nghiêm Trọng Thăng bị Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại Điều 356, Bộ luật Hình sự.
Hai bị can Bùi Thanh Dũng và Lê Thị Hiền bị truy tố về tội “Mua bán trái phép hóa đơn” quy định tại Điều 203, Khoản 2, Bộ luật Hình sự.
Theo cáo trạng, từ tháng 1/2021 đến tháng 1/2024, Phan Phạm Hà đã lợi dụng chức vụ là Tổng Giám đốc VEAM để chỉ đạo Nguyễn Thị Mai Hương (cựu Kế toán trưởng kiêm Trưởng ban Tài chính - Kế toán), Thái Đức Minh (cựu Trưởng ban Kinh doanh và phát triển thị trường) và Nghiêm Trọng Thăng (cựu Phó Chánh Văn phòng) thực hiện việc hợp thức thanh toán chi phí kê tăng khống giá trị hợp đồng.
Các bị can trên đã sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng khống để đề nghị VEAM thanh toán lấy tiền hoàn ứng cho các khoản chi phí ngoại giao, dù theo quy định các khoản tiền này không được VEAM thanh toán. Cáo trạng xác định VEAM đã bị thiệt hại tổng hơn 3 tỷ đồng.
Cụ thể, theo chỉ đạo của Hà, Minh đã mua 67 tờ hóa đơn VAT dịch vụ ăn uống khống để thanh toán các khoản đã chi không đúng quy định. Khi Minh báo cáo, Hà chỉ đạo các phòng, ban của VEAM lập đề nghị thanh toán 64 tờ hóa đơn gây thiệt hại cho VEAM gần 1 tỷ đồng.
Đối với Hương, bị can này bị cáo buộc đã lập đề nghị, xét duyệt hồ sơ đề nghị VEAM thanh toán chi phí tiếp khách của Bộ Công Thương 736 triệu đồng. Hương xét duyệt thanh toán 14 tờ hóa đơn VAT khống dịch vụ ăn uống với giá trị 200 triệu đồng; sử dụng hóa đơn để hoàn ứng tiền cá nhân chi để ủng hộ kinh phí cho Công đoàn Vụ Kế hoạch - Tài chính 109 triệu đồng.
Còn Trần Tuấn Kiệt bị VKS xác định có hành vi hợp thức hồ sơ chào thầu để Công ty Mặt Trời Việt ký hợp đồng tổ chức hội nghị - sự kiện cho VEAM, kê khống giá trị hợp đồng để trả tiền chênh lệch gây thiệt hại cho VEAM gần 1,2 tỷ đồng.
Trong khi đó, Nghiêm Trọng Thăng đã hợp thức hồ sơ, lập đề nghị VEAM thanh toán chi phí tiếp khách của Bộ Công Thương; hợp thức hồ sơ chào thầu để Công ty Mặt Trời Việt ký hợp đồng tổ chức hội nghị - sự kiện cho VEAM…
Đến nay, theo cáo trạng, số tiền thiệt hại hơn 3 tỷ đồng trong vụ án đã được thu hồi toàn bộ.