Khắc phục tình trạng thất thoát, lãng phí tài sản công

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bộ Tài chính đang xây dựng 2 dự thảo nghị định hướng dẫn việc sắp xếp, xử lý, khai thác tài sản công để sửa đổi các quy định không còn phù hợp và thực thi Luật sửa đổi, bổ sung 9 luật về tài chính vừa được Quốc hội thông qua. Trong đó, các quy định mới về việc chuyển giao, cho thuê tài sản công được kiến nghị cần cân nhắc thận trọng để bảo đảm khả thi, công bằng, hiệu quả trong khai thác tài sản công.
Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công bổ sung hướng dẫn xử lý đối với tài sản gắn liền với đất khi chuyển giao về địa phương quản lý. Ảnh minh họa: Lê Tiên
Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công bổ sung hướng dẫn xử lý đối với tài sản gắn liền với đất khi chuyển giao về địa phương quản lý. Ảnh minh họa: Lê Tiên

Tại Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, nội dung đáng chú ý là bổ sung hướng dẫn thực hiện 2 hình thức xử lý tài sản công sau khi có quyết định thu hồi gồm: giao tổ chức phát triển quỹ đất phát triển, quản lý, khai thác theo quy định của pháp luật về đất đai; giao tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà của địa phương để quản lý, khai thác theo quy định của Chính phủ.

Bên cạnh đó, quy định về chuyển giao tài sản công về địa phương quản lý, xử lý bổ sung thêm các trường hợp về nhà, đất đã làm nhà ở trước và sau ngày 19/1/2007.

Trường hợp nhà, đất đã bố trí làm nhà ở trước 19/1/2007 thì thực hiện theo quy định của pháp luật về nhà ở và pháp luật khác có liên quan.

Trường hợp nhà, đất đã bố trí làm nhà ở kể từ ngày 19/1/2007 thì được quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật về nhà ở. Nếu Nhà nước không còn nhu cầu sử dụng thì thực hiện xử lý như sau: trường hợp được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai thì bán cho người đang sử dụng nhà, đất; việc xác định giá bán được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 95/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở; trường hợp không đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai thì cơ quan tài nguyên và môi trường trình UBND cùng cấp quyết định thu hồi đất của người đang sử dụng theo quy định của pháp luật về đất đai.

Tại Dự thảo Nghị định quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công là nhà, đất, một số nội dung sửa đổi đáng chú ý là: điều chuyển nhà, đất; xử lý nhà, đất sử dụng không đúng quy định.

Trong đó, về nội dung “Điều chuyển”, Dự thảo quy định: “Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ sau khi tiếp nhận được giữ lại tiếp tục sử dụng làm văn phòng làm việc. Trường hợp doanh nghiệp này không còn nhu cầu sử dụng vào mục đích làm văn phòng làm việc hoặc sử dụng không đúng mục đích thì Nhà nước thực hiện thu hồi theo quy định của pháp luật về đất đai”.

Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), quy định này cần xem xét ở các điểm sau: Trong trường hợp doanh nghiệp không sử dụng hết công suất nhà, đất thì có quyền được khai thác kinh doanh hay không? Mặt khác, theo quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017, đơn vị, tổ chức được phép khai thác kinh doanh tài sản công nếu không sử dụng hết công suất. Để bảo đảm tính minh bạch và hợp lý, VCCI đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc quy định theo hướng, doanh nghiệp được phép sử dụng nhà, đất vào mục đích kinh doanh nếu không sử dụng hết công suất.

Về xử lý nhà, đất sử dụng không đúng quy định, Dự thảo quy định việc xử lý cho trường hợp sử dụng toàn bộ cơ sở nhà, đất hoặc một phần cơ sở nhà, đất để cho mượn, cho thuê, hợp tác, kinh doanh, liên doanh, liên kết không đúng quy định hoặc các hình thức sử dụng khác không đúng quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, pháp luật khác có liên quan. Dự thảo quy định: “Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị nộp toàn bộ số tiền thu được từ việc sử dụng nhà, đất không đúng quy định (sau khi trừ các khoản thuế đã nộp cho số thu đó) vào ngân sách trung ương (đối với nhà, đất thuộc trung ương quản lý), vào ngân sách địa phương (đối với nhà, đất thuộc địa phương quản lý)”.

Theo VCCI, có nhiều tổ chức được Nhà nước giao đất để xây dựng trụ sở làm việc. Các tổ chức này không được Nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động thường xuyên, phải tự tìm kiếm nguồn kinh phí để duy trì hoạt động, trong đó có hoạt động là nhiệm vụ Nhà nước giao. Trên thực tế, các tổ chức này không sử dụng hết công suất trụ sở và đã cho thuê, thực hiện kinh doanh, liên doanh liên kết từ các cơ sở vật chất không sử dụng hết này để có nguồn kinh phí duy trì hoạt động. Pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công cho phép việc cho thuê, liên doanh, liên kết nếu không sử dụng hết công suất và cũng đã trao quyền tự chủ cho tổ chức trong việc quyết định sau khi có sự thống nhất với cơ quan có thẩm quyền. Hoạt động cho thuê, liên doanh liên kết này phù hợp với điều lệ hoạt động của tổ chức, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, tuy nhiên trong quá trình thực hiện chưa phù hợp về mặt thủ tục theo quy định của pháp luật quản lý, sử dụng tài sản công.

VCCI đề nghị, đối với các trường hợp này, Ban soạn thảo xem xét chỉ phải nộp số tiền sau khi trừ các khoản thuế đã nộp cho số thu đó và các chi phí hợp lý, hợp lệ để duy tu, vận hành tài sản đó.

PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng, tình trạng thất thoát, lãng phí tài sản công là vấn đề nổi cộm trong thời gian qua. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý, sử dụng tài sản công là cần thiết. Trong đó, quy định phân quyền cho địa phương quản lý tài sản công là phù hợp với thực trạng hiện nay. Tuy nhiên, điểm quan trọng nhất trong việc quản lý tài sản công, đặc biệt là nội dung cho thuê hoặc liên doanh liên kết sử dụng nhà, đất công cần được kiểm soát chặt chẽ, trong đó, cần quy định rõ về việc định giá thuê, đánh giá việc thực hiện việc cho thuê để tránh tình trạng trục lợi từ tài sản công.

Tin cùng chuyên mục