Để phát huy hiệu quả của việc thuê tư vấn, chủ đầu tư cũng phải nâng cao kiến thức về đấu thầu |
Lợi thì có lợi, nhưng… cũng rất nhiều vấn đề
Thực hiện công tác đấu thầu là một trong những hoạt động khá thường xuyên củacác BQLDA. Tuy nhiên, không phải với BQLDA nào nhân sự về lĩnh vực đấu thầu cũng đủ và tinh nhuệ. Chính vì vậy, hoạt động tư vấn đấu thầu hiện khá sôi động ở nước ta. Và trên thực tế, nếu BQLDA và đơn vị tư vấn hợp tác với nhau một cách minh bạch và hiệu quả, thì chất lượng công tác đấu thầu và hiệu quả của dự án cũng được nâng cao.
Một chuyên gia trong lĩnh vực đấu thầu cho biết, hoạt động tư vấn đấu thầu và tư vấn đầu tư nói thì chỉ ngắn gọn trong mấy chữ nhưng thực ra rất rộng, nên không phải phía chủ đầu tư hay BQLDA nào cũng có thể kham nổi. Để nâng cao tính chuyên nghiệp cũng như phát huy tối đa lợi ích, khi có những dự án, nhất là dự án lớn, các BQLDA thường thuê các đơn vị tư vấn đấu thầu và tư vấn đầu tư làm thay cho họ một số công đoạn.
Giám đốc BQLDA ở một tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long xin giấu tên cho rằng, hoạt động tư vấn đầu tư cũng muôn hình vạn trạng không kém tư vấn đấu thầu, trên thực tế, không phải BQLDA nào cũng đủ năng lực để đảm trách hết các công việc trong quá trình thay mặt chủ đầu tư thực hiện dự án. Và đối với các BQLDA, để nuôi đủ một đội ngũ làm tất tần tật các công việc này thì không xuể, nên việc thuê tư vấn bên ngoài là gần như đương nhiên, vừa tăng tính chuyên môn hóa cao, vừa giảm bớt gánh nặng lương bổng. Và khi thuê tư vấn, rõ ràng, những đóng góp từ phía đơn vị tư vấn mang lại cho các chủ đầu tư hay các BQLDA là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, mối quan hệ giữa chủ đầu tư và đơn vị tư vấn không phải lúc nào cũng “cơm lành, canh ngọt”. Thậm chí, nhiều chủ đầu tư cũng như BQLDA đã lên tiếng chỉ trích khi chất lượng của không ít đơn vị tư vấn hiện nay đang rơi vào tình trạng vàng thau lẫn lộn, “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ bị”.
Nhìn thẳng vào những tồn tại này, giám đốc của một BQLDA ở một huyện thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bức xúc cho rằng, “chất xám” của nhiều đơn vị tư vấn thực sự không nhiều, hay nói chính xác hơn là năng lực chuyên môn quá kém, khiến cho nhiều chủ đầu tư hay BQLDA khi thuê phải họ cũng “dở khóc dở cười”. Nói trắng ra, nhiều đơn vị tư vấn thực chất chẳng có gì, nhưng họ “nổ” tung trời. Dù lắm lúc không đáp ứng được yêu cầu của BQLDA, nhưng đôi khi vì đã lỡ ký kết hợp đồng với họ rồi nên phải đành chấp nhận.
“Họ dựa trên sự quen biết nhằm kiếm công trình, dự án để tư vấn, thiết kế. Kiếm được công trình, dự án rồi, có khi họ lại thuê những đơn vị tư vấn nhỏ khác làm, rất nguy hiểm. Tôi biết nhiều BQLDA khi đơn vị tư vấn làm trễ so với kế hoạch nhưng họ cũng đành phải phê duyệt vì không còn thời gian, đến khi thi công phải khắc phục và sửa chữa “tùm lum”, vô cùng tốn kém và mệt mỏi” - vị giám đốc BQLDA tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết thêm.
Giám đốc một BQLDA khác cũng xin giấu tên cho hay, bất kỳ ai cũng có thể mở một công ty tư vấn khi đáp ứng đủ điều kiện. Thậm chí, có những công ty tư vấn là sân sau của nhà thầu này, chủ đầu tư kia, hay của một vị đương chức nọ. Nói một cách nôm na, các đơn vị tư vấn họ có rất nhiều “dây mơ, rễ má”. Do đó, đòi hỏi các chủ đầu tư, nhất là các BQLDA sử dụng nguồn vốn của Nhà nước phải có nhiều kinh nghiệm và hết sức minh bạch trong lựa chọn đơn vị tư vấn.
Nhiều BQLDA “tự lực cánh sinh”
Thực tế cho thấy, không phải BQLDA hay chủ đầu tư nào cũng lựa chọn phương án thuê ngoài các đơn vị tư vấn đấu thầu và tư vấn đầu tư. Bởi, việc “tự lực cánh sinh” của nhiều chủ đầu tư cũng như các BQLDA không những tự chủ về mọi phương diện, tiết kiệm được tài chính, mà hiệu quả và tính chuyên nghiệp hóa vẫn rất cao. Điều quan trọng nữa là họ đã tự loại trừ được những khó khăn và rắc rối phát sinh không đáng có.
Ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng ban Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Tây Ninh, kiêm Trưởng ban Ban Quản lý Dự án GMS cho biết, lâu nay, Ban không thuê bất cứ đơn vị tư vấn đấu thầu hay tư vấn đầu tư nào khi triển khai các dự án. Lý do là vì Ban đã có một Trung tâm Quản lý dự án để làm tất cả các công việc đó. Với nhân sự khoảng 10 người, Trung tâm đã luôn làm tốt phận sự của mình và phát huy tối đa hiệu quả, cắt giảm những chi phí thuê ngoài, tăng cường tính chủ động trong công việc. Phương châm của Ban là nâng cao năng lực của đội ngũ chuyên môn để lấy đó làm lợi thế.
Việc “tự lực cánh sinh” có khi được nhiều BQLDA xác định ngay từ đầu, nhưng cũng có không ít trường hợp khi “ăn” phải trái đắng từ phía đơn vị tư vấn họ mới nghĩ tới. Một chủ đầu tư cay đắng nhìn nhận, muốn gì thì muốn nhưng trước tiên chủ đầu tư và các BQLDA phải tự nâng cao năng lực chuyên môn của mình. Có như vậy, khi thuê tư vấn làm thuê những phần việc cho mình họ mới không “qua mặt” mình được. Nếu không, chưa biết họ sẽ vẽ vời hay lèo lái thế nào đối với dự án của mình, lúc đó hậu quả sẽ khôn lường.
Qua ghi nhận từ thực tế của phóng viên, nhiều BQLDA cho rằng, luật đã quy định hết sức cụ thể, vấn đề là chúng ta vận dụng nó như thế nào để mang lại hiệu quả cho xã hội. Trong quá trình thực hiện bài viết này, phóng viên cũng đã liên hệ nhiều nơi để tìm hiểu thêm thông tin, nhưng đa phần đều từ chối, những BQLDA đồng ý trả lời thì không chịu nêu tên. Phải thừa nhận rằng, đấu thầu hiện nay là một lĩnh vực rất nóng và rất nhạy cảm. Vì vậy, bản thân các BQLDA không phải ai cũng muốn nói về những vấn đề nhạy cảm này, nhất là khi bình luận về “đội quân” tư vấn.
Ông Bùi Huy Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc, nguyên Trưởng Ban A huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh
Từng có thời gian làm công tác đấu thầu lâu năm ở địa phương, tôi cho rằng, thực tế hiện nay, đa số ở cấp xã, huyện, việc thuê tư vấn bộc lộ quá nhiều vấn đề. Thứ nhất, do trình độ và năng lực của các chủ đầu tư ở địa phương còn nhiều hạn chế nên dẫn đến việc từ thuê tư vấn đến “khoán trắng” cho tư vấn rất hay xảy ra. Tư vấn đấu thầu từ chỗ hỗ trợ chủ đầu tư thì phóng tay “làm thay” toàn bộ phần việc của chủ đầu tư. Những chủ đầu tư này vì thiếu trình độ và nhận thức nên nhắm mắt cho qua, mặc kệ cho tư vấn thích soạn hồ sơ mời thầu như thế nào, bán hồ sơ mời thầu ra sao, chấm hồ sơ dự thầu có chuẩn không!? Chính vì yếu nên không thể kiểm soát nổi cách tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật. Đây là một lỗ hổng lớn dẫn đến thiếu minh bạch và hiệu quả trong đấu thầu ở cấp địa phương. Để giải quyết được việc thuê tư vấn đấu thầu, tôi cho rằng, các cấp chính quyền phải đặc biệt coi trọng việc nâng cao trình độ, nhận thức của đội ngũ cán bộ, viên chức được giao phụ trách công tác đấu thầu. Tránh nhất tình trạng thuê tư vấn rồi mặc kệ tư vấn tự tung tự tác dẫn đến thất thoát ngân sách lớn.
Là một đơn vị quản lý nhiều dự án trên địa bàn TP.HCM, bản thân chúng tôi là những người thực sự có kiến thức, chuyên môn sâu về đấu thầu. Tuy nhiên, vì biên chế có hạn, và công tác đấu thầu lại mang tính thời vụ, nên việc thuê tư vấn bên ngoài để hỗ trợ công tác đấu thầu là việc tất yếu. Qua việc thuê tư vấn đấu thầu bên ngoài tại những gói thầu mà đơn vị tôi nhận thấy, đội ngũ tư vấn đấu thầu có vai trò cực kỳ quan trọng đối với toàn bộ công tác lựa chọn nhà thầu. Tư vấn đấu thầu có sự chuyên nghiệp, có thời gian và có đội ngũ nhân lực phù hợp với từng gói thầu sẽ bổ khuyết và hỗ trợ chủ đầu tư rất nhiều. Ở đơn vị chúng tôi, các gói thầu khi lập tổ chuyên gia, nhân sự của đơn vị luôn có mặt cùng với tư vấn để vừa cùng xây dựng kế hoạch làm việc, vừa kiểm soát được chất lượng hỗ trợ của tư vấn. Rõ ràng, trong đấu thầu, sự tham gia của càng nhiều chất xám, càng nhiều chuyên gia thì hồ sơ được lập càng chuẩn. Và việc đánh giá hồ sơ dự thầu của các nhà thầu cũng sẽ chuẩn mực, để làm sao lựa chọn được nhà thầu đủ năng lực nhất. Chúng tôi cho rằng, để việc thuê tư vấn đấu thầu thực sự hiệu quả, bản thân các chủ đầu tư phải không ngừng nâng cao kiến thức, hiểu biết về đấu thầu.