Năm 2015, dự phòng ăn mòn lợi nhuận khiến SCB chỉ lãi ròng vỏn vẹn 80 tỷ đồng |
Kỳ vọng thu hồi nợ
Thị trường bất động sản hồi phục - niềm hy vọng cho phát mãi tài sản, xử lý nợ xấu - chưa được bao lâu lại chịu tiêu cực từ Dự thảo sửa đổi Thông tư 36 của Ngân hàng Nhà nước.
Tuy nhiên, không vì thế mà các nhà băng không kỳ vọng vào việc thu hồi nợ sẽ tiến triển tốt hơn trong năm 2016 và năm tiếp theo. Lãnh đạo Eximbank cho biết, trong năm qua, Ngân hàng đã bán cho VAMC khoảng 2.000 tỷ đồng nợ xấu và sẽ tiếp tục bán hơn 1.000 tỷ đồng trong năm nay. Song song với đó, Eximbank sẽ đẩy mạnh xử lý thu hồi nợ, với mục tiêu thu hồi khoảng 2.500 tỷ đồng nợ xấu trong năm 2016.
Tân CEO Eximbank ông Lê Văn Quyết cho biết, hoạt động của Eximbank hiện nay cũng có khó khăn, nhưng với quyết tâm minh bạch, đưa Ngân hàng từng bước vào quỹ đạo mới, đòi hỏi trước hết là trích dự phòng đẩy đủ và đẩy mạnh xử lý nợ xấu. Tất nhiên, để có thể xử lý được nợ xấu, cần có thời gian và phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, trong đó có diễn biến thị trường.
Đại diện ACB, SCB cũng cho hay, trong năm qua đã nỗ lực xử lý được khoản nợ xấu không nhỏ, với hơn 2.000 tỷ đồng tại ACB và hơn 1.500 tỷ dồng tại SCB. Theo lãnh đạo các ngân hàng này, tuy khâu phát mãi tài sản vẫn ách tắc, nhưng so với 2 năm trước, tình hình xử lý, thu hồi nợ xấu đã được cải thiện. Mục tiêu xử lý, thu hồi nợ xấu trong năm nay được hai ngân hàng đặt ra cao hơn năm trước.
Thông tin vừa được Vụ Dự báo Thống kê, NHNN công bố trong Báo cáo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh đối với các TCTD và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam quý II/2016 cũng cho thấy, khoảng 80 - 90% TCTD đánh giá tỷ lệ nợ xấu tiếp tục xu hướng giảm trong quý I, II/2016. Trong đó 91,2% tổ TCTD tin tưởng tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng ở mức dưới 3%, chỉ có một vài TCTD thuộc nhóm các công ty tài chính và cho thuê tài chính nhận định tỷ lệ nợ xấu của đơn vị mình còn ở mức trên 3%. Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN TP. HCM cũng cho rằng, nợ xấu của hệ thống ngân hàng trên địa bàn đã về dưới 3% trong tháng 9/2015 và nhiều ngân hàng ở mức thấp, chỉ có khối công ty tài chính cao.
Kinh tế trưởng, Giám đốc Khối nghiên cứu Dragon Capital, ông Lê Anh Tuấn cũng đưa ra nhận định, mặc dù con số nợ xấu thực tế có thể cao hơn 3%, nhưng cũng phải nhìn nhận rằng, những năm gần đây, các NHTM xử lý nợ xấu khá nhiều. Điều này một phần là nhờ sự phục hồi của thị trường bất động sản.
Không bán được nợ thì dùng... dự phòng!
Nợ xấu của ngành ngân hàng đã được kiểm soát về mức dưới 3% nhờ nỗ lực bán nợ cho VAMC của các ngân hàng. Số lượng nợ xấu mà VAMC đã gom lại từ các ngân hàng đã lên tới khoảng 200.000 tỷ đồng (tương đương 10 tỷ USD). Dù bán nợ cho VAMC, các ngân hàng phải trích dự phòng 20% mỗi năm cho trái phiếu đặc biệt nhận lại, song trách nhiệm xử lý nợ vẫn thuộc về nhà băng.
Nếu sau 5 năm, khoản nợ xấu đó chưa được xử lý, khoản nợ xấu đó sẽ quay về ngân hàng và nhà băng phải trả lại trái phiếu đặc biệt cho VAMC. Vì thế, không ít người cho rằng, khả năng nợ xấu quay lại ngân hàng sau 5 năm bán cho VAMC là rất lớn. Bởi quá trình xử lý nợ xấu hiện nay còn nhiều khó khăn.
Tỷ lệ nợ xấu VAMC xử lý được chỉ mới đạt khoảng 10 - 15% khiến không ít người lo ngại rằng, khả năng nợ xấu qua lại hệ thống ngân hàng sau 5 năm là rất lớn. Trong khi, Việt Nam chưa thể thành lập được thị trường mua – bán nợ để thu hút vốn ngoại tham gia mua – bán các tài sản thế chấp.
Thế nhưng, theo ông Lê Anh Tuấn, nỗi lo lớn nhất đối với ngân hàng hiện nay không phải là nợ xấu quay về sau 5 năm bán cho VAMC, mà là có đủ khả năng để trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu hay không. Bởi khi ngân hàng đã bán nợ cho VAMC, mỗi năm, ngân hàng phải trích lập dự phòng 20% cho trái phiếu đặc biệt nhận lại từ VAMC hoặc khoản dự phòng này thấp nhất cũng là 10%. Vì thế, sau 5 năm, khoản dự phòng cho món nợ xấu đó đã đủ 100% và xem như xóa sạch được nợ xấu.
Áp lực dự phòng sẽ càng lớn đối với các nhà băng nhỏ, yếu kém, nợ xấu cao, lợi nhuận thấp.
Điều này cũng được lãnh đạo Eximbank lý giải, dự phòng như của để dành cho tương lai và tùy thuộc vào việc xử lý nợ xấu của ngân hàng mà khoản để dành đó còn lại nhiều hay ít sau khi đã xử lý, thu hồi nợ. Vì sau 5 năm, nếu khoản nợ xấu đã bán cho VAMC được ngân hàng xử lý tận gốc thì phần dự phòng đã trích sẽ được hoàn nhập vào lợi nhuận. Tất nhiên, về mặt bản chất, bán nợ xấu cho VAMC, không có nghĩa các ngân hàng đã xử lý xong khoản nợ, nhưng về mặt lý thuyết, sổ sách đã được làm sạch, loại khoản nợ xấu đó ra khỏi bảng cân đối kế toán khiến tổng tài sản ngân hàng sụt giảm. Nói cách khác, về cơ bản, mỗi năm ngân hàng chỉ xử lý được 20% nợ xấu từ nguồn dự phòng rủi ro nên việc phải chấp nhận hy sinh lợi nhuận trích dự phòng là khó tránh.
Năm qua, nhiều ngân hàng sụt giảm mạnh lợi nhuận so với chỉ tiêu đưa ra do phải mạnh tay trích dự phòng. Dù có những hoạt động kinh doanh có những khởi sắc đột biến, nhưng chi phí dự phòng rủi ro đã bào mòn 95% lợi nhuận năm 2015 của SCB. Kết quả, lãi ròng chỉ đạt vỏn vẹn 80 tỷ đồng, giảm 11% so với năm trước.
Hay tại Sacombank, Eximbank, OCB, VPBank, ACB dự phòng tăng mạnh năm qua khiến lợi nhuận ảnh hưởng. Nhưng với hoạt động ngân hàng an toàn luôn được đặt lên hàng đầu, đòi hỏi phải dự phòng đầy đủ, nhất là khi nợ xấu bán cho VAMC lớn. Cùng với việc mạnh tay trích dự phòng, các nhà băng đang nỗ lực thu hồi nợ xấu.
Tuy nhiên, để có thể giải quyết được bài toán nợ xấu nhanh, kể cả khi thị trường bất động sản ấm lên, theo TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, cả con nợ và chủ nợ đều phải hy sinh. Tức giá bán đối với các tài sản có nhu cầu phát mãi sớm trong bối cảnh thị trường hiện nay sẽ khó có thể kỳ vọng được mức giá trước đây nên cả khách hàng và ngân hàng cũng phải chấp nhận lỗ. Mức giá bán chỉ còn lại 50 - 60% so với mức định giá tại thời điểm cho vay, thậm chí là thấp hơn.