Không sáng tạo sẽ bị bỏ lại phía sau

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sự phát triển của công nghệ đã và đang tạo nên những thay đổi chưa từng có trong cách thức làm báo hiện nay. 
Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ buộc các tòa soạn thay đổi tư duy về cách thức làm báo
Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ buộc các tòa soạn thay đổi tư duy về cách thức làm báo

Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Lê Quốc Minh, Phó Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) cho rằng, trong xu hướng phát triển đó, sáng tạo để thu hút độc giả là điều cần thiết, song phải giữ được cách thức làm báo tử tế và chuyên nghiệp. 

Sáng tạo là đòi hỏi với báo chí trong mọi giai đoạn phát triển, theo ông, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ tạo cơ hội và thách thức như thế nào với sáng tạo báo chí?

Báo chí vốn được coi là hình mẫu về sự sáng tạo trong xã hội. Báo chí luôn đi đầu về mặt ngôn từ, hình thức thiết kế, cách thức quảng cáo và đặc biệt là việc áp dụng công nghệ hiện đại, từ in ấn cho đến phát thanh - truyền hình và sau này là các công nghệ kỹ thuật số. Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ cũng tạo ra những sân chơi mới mẻ, giúp cho bất kỳ ai cũng có thể xây dựng một kênh nội dung của riêng mình, dù là các doanh nghiệp mạnh về tài chính hay các cá nhân với nguồn kinh phí hạn hẹp. Xưa kia, để sản xuất một tờ báo in hay một chương trình phát thanh, truyền hình, cần có một bộ máy nhân sự chuyên nghiệp với những thiết bị phức tạp, chưa kể là một hệ thống phát hành bài bản. Giờ đây, một cá nhân với chiếc điện thoại thông minh có giá vừa phải, cùng với một số ứng dụng mobile có thể sản xuất bất kỳ nội dung gì, lại dễ dàng lan tỏa thông qua các mạng xã hội.

Bên cạnh đó, công nghệ phát triển quá nhanh khiến cho các cơ quan báo chí không kịp thay đổi chiến lược hoặc không biết nên đi theo công nghệ nào. Hôm nay quyết định áp dụng công nghệ này thì 6 tháng sau có thể nó đã không còn phù hợp. Trong vài năm vừa qua, TTXVN mua bản quyền cuốn sách “Những đổi mới sáng tạo trong báo chí” của Mạng lưới Truyền thông toàn cầu (FIPP) để xuất bản tiếng Việt, và số nào cũng đề cập đến những xu hướng công nghệ mới. Tuy nhiên, trong khi gợi mở những cách thức sáng tạo mà báo chí có thể áp dụng để thu hút người dùng và đa dạng hóa nguồn thu, các tác giả cũng cảnh báo nên thận trọng với những thứ hào nhoáng mà chưa chắc chắn về hiệu quả.

Đứng trước những xu hướng công nghệ mới, các cơ quan báo chí thường có hai cách ứng xử. Một là mạnh dạn chọn lựa công nghệ để thử nghiệm, chấp nhận rủi ro. Hai là có thái độ quan sát và chờ xem những tờ báo khác đạt hiệu quả ra sao. Đương nhiên, không phải cứ lao vào thử nghiệm hết công nghệ này đến công nghệ khác là hay, bởi sẽ vô cùng tốn kém nếu lựa chọn sai. Nhưng nếu cứ đi theo chiến lược an toàn quá thì mãi mãi là người đi sau.

Không sáng tạo sẽ bị bỏ lại phía sau ảnh 1
Ông Lê Quốc Minh
Trong xu hướng phát triển sáng tạo dựa trên công nghệ, theo ông, báo chí Việt Nam đã và đang thay đổi như thế nào?

Xét về các công nghệ cơ bản để làm báo digital, có thể nói nhiều cơ quan báo chí Việt Nam áp dụng khá nhanh. Tôi còn nhớ vào đầu những năm 2000, tìm kiếm một hệ thống quản trị nội dung (CMS) cho báo điện tử hiệu quả là cả một chặng đường gian nan. Nhưng khoảng 5 - 7 năm trở lại đây, bất kỳ tòa soạn nào cũng có thể đầu tư một hệ thống tương đối tốt, với các phiên bản web và mobile khá nuột nà.

Chục năm về trước, khi tôi bắt đầu đi nói chuyện về báo chí mobile, nhiều người còn ngỡ ngàng, nhưng bây giờ các phóng viên sử dụng thành thạo thiết bị di động để chụp ảnh, quay video, thậm chí làm các phóng sự video phức tạp với chất lượng khá cao. Máy bay không người lái hay máy quay 360 độ cũng trở thành những thiết bị phổ biến. Trong lĩnh vực phát thanh - truyền hình, Việt Nam cũng chẳng hề thua kém các quốc gia tân tiến trên thế giới, xét cả về thiết bị lẫn quy trình tác nghiệp cũng như những ứng dụng mới mẻ, hấp dẫn, tăng sự tương tác với khán thính giả.

Tuy nhiên, việc áp dụng những công nghệ làm báo hiện đại như vậy mới chỉ tập trung ở một số cơ quan báo chí mà thôi. Rất nhiều tờ báo có website nhưng nội dung chẳng khác nào một bài báo in đặt trên nền tảng Internet. Kể cả cái gọi là đa phương tiện thì thực ra là ghép hữu cơ nội dung văn bản với một số hình ảnh và video. Cách thức tác nghiệp ở một số nơi vẫn còn đơn giản lắm.

Ngay cả với các cơ quan báo chí trung ương hoặc ở các thành phố lớn thì công nghệ báo chí cũng chỉ mới dừng ở mức cơ bản. Hãy nhìn vào cách làm nội dung trên các báo điện tử thì sẽ thấy là chúng ta còn thua thế giới nhiều lắm. Đương nhiên không phải sản phẩm báo chí nào cũng đòi hỏi sự cầu kỳ, tích hợp đa phương tiện hay đòi hỏi các tính năng tương tác với độc giả. Sử dụng công nghệ làm báo hiện đại không dừng lại ở một số bài long-form, mega-story, một số hình ảnh hay video từ trên không hay vài sản phẩm báo chí đặc biệt.

Tôi không tin có nhiều tòa soạn báo điện tử ở Việt Nam thực sự có một chiến lược rõ ràng về việc áp dụng các công nghệ làm báo hiện đại ra sao. Trong khi đó, trên thế giới người ta thử nghiệm từ thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR) cho đến các thiết bị điều khiển bằng giọng nói, không ít cơ quan báo chí đã áp dụng trí tuệ nhân tạo để viết tin như hãng AP (Mỹ), Yonhap (Hàn Quốc), sử dụng người dẫn chương trình ảo như Tân Hoa Xã (Trung Quốc), Kyodo (Nhật Bản). Xu hướng báo chí dữ liệu cũng được triển khai mạnh mẽ ở nhiều nơi và ngày càng phức tạp hơn, ví dụ như ở Reuters (Anh) hay Washington Post (Mỹ).

Một cá nhân với một số ứng dụng mobile có thể dễ dàng tạo dựng một kênh nội dung cho riêng mình

Với mọi sự thay đổi, cuộc đua thu hút lượt đọc (view) dường như đang cuốn nhiều tờ báo, nhiều phóng viên vào cách làm báo có phần dễ dãi hơn. Nhiều bài báo bị chỉ trích là "vô thưởng, vô phạt", thậm chí tạo định hướng không tốt trong xu hướng đọc hiện nay. Vậy theo ông, làm thế nào để vừa thu hút độc giả lại vừa giữ được cách làm báo tử tế?

Thực tế cho thấy viết bài chạy theo “view” là hoàn toàn sai lầm, bởi những nội dung thu hút lượng truy cập cao thường là về những chủ đề gây sốc, thu hút sự chú ý tức thời. Những người làm báo điện tử thì càng dễ bị cuốn theo thuật toán của các ông lớn công nghệ, chạy theo “từ khóa hot” hay còn gọi là “trending keywords”. Một số tờ báo còn coi lượng truy cập là tiêu chí để đánh giá hiệu quả của phóng viên. Đáp ứng sự quan tâm của độc giả thì không có gì sai, nhưng không phải vấn đề nào có ý nghĩa với xã hội thì độc giả cũng quan tâm. Và trong nhiều trường hợp, báo chí phải đánh động sự quan tâm của độc giả chứ không phải là chạy theo mối quan tâm có sẵn.

Cũng chính vì lối làm báo chạy theo lượng truy cập mà báo chí bị suy giảm chất lượng, suy giảm niềm tin trong công chúng. Một bộ phận người dùng thậm chí cho rằng lên mạng xã hội là có đầy đủ thông tin và họ không cần báo chí chính thống nữa, bởi vì trên báo chí cũng chẳng có gì hay ho, cũng là những chuyện tầm phào mà họ có thể tìm kiếm ở nơi khác.

Muốn giành lại niềm tin của độc giả, khán thính giả thì báo chí chẳng có cách nào khác là phải đầu tư vào nội dung chất lượng cao. Báo chí không chỉ có trách nhiệm đưa thông tin tới độc giả mà còn phải là nơi cung cấp kiến thức, nội dung mang tính giải trí lành mạnh, là nơi chỉ có thông tin trung thực và đúng đắn, những bài viết chuyên sâu giúp người dùng định hướng được cho công việc và cuộc sống của họ.

Làm báo tử tế phải đồng nghĩa với làm báo chuyên nghiệp và vẫn phải đảm bảo tiêu chí hấp dẫn. Nhưng chắc chắn nó không tương đồng với việc thu hút lượng truy cập cao. Có thể một số bài phóng sự, bài phân tích hay sẽ có nhiều người đọc, nhưng không thể đua với loại nội dung gây sốc. Báo chí không đua nổi với mạng xã hội bằng những nội dung kiểu này, vì thế nên quay trở về với sở trường của mình.

Ông dự báo như thế nào về xu hướng báo chí tại Việt Nam trong thời gian tới?

Báo chí không chỉ có trách nhiệm đưa thông tin tới độc giả mà còn phải là nơi cung cấp kiến thức, nội dung mang tính giải trí lành mạnh, là nơi chỉ có thông tin trung thực và đúng đắn, những bài viết chuyên sâu giúp người dùng định hướng được cho công việc và cuộc sống của họ.
Báo chí Việt Nam hiện nay gặp rất nhiều khó khăn xét từ góc độ kinh tế báo chí. Cần phải thêm thời gian để nhiều cơ quan báo chí ở Việt Nam thừa nhận không thể duy trì tư duy làm báo kiểu cũ được nữa. Đại dịch Covid-19 vừa qua sẽ là chất xúc tác thúc đẩy quá trình này diễn ra nhanh hơn, khi mà nguồn thu quảng cáo càng bị giảm sút và nguồn ngân sách cũng không thể tiếp tục chi trả cho những nội dung không hiệu quả. Trong thời gian tới, có thể sẽ tiếp tục diễn ra xu hướng “củng cố - sáp nhập”, không phải chỉ do quy hoạch báo chí mà thực tế nhiều đơn vị báo chí hoạt động không hiệu quả sẽ phải thu hẹp hoặc thậm chí ngừng hoạt động. Trong khi đó, một số cơ quan báo chí lớn sẽ chủ động đầu tư nhiều hơn vào đổi mới sáng tạo để trở thành những tập đoàn báo chí đa phương tiện. Ngân sách nhà nước dành cho báo chí nên được đầu tư tập trung hơn và cũng dựa vào tính hiệu quả của cơ quan báo chí đó.

Tin cùng chuyên mục