Khung pháp lý về thanh toán không dùng tiền mặt: Cần sớm có luật

(BĐT) - Ngân hàng Nhà nước tiếp tục lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt. Trong đó, một số nội dung về tính pháp lý cho hoạt động của doanh nghiệp trong lĩnh vực này vẫn gây nhiều băn khoăn. Đây cũng là những nội dung được đặc biệt quan tâm tại Hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp về Dự thảo Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt vừa diễn ra tại Hà Nội.
Thanh toán không dùng tiền mặt là một trong những giải pháp nhằm tạo lập các giao dịch minh bạch, thuận lợi, an toàn và giảm chi phí. Ảnh: Lê Tiên
Thanh toán không dùng tiền mặt là một trong những giải pháp nhằm tạo lập các giao dịch minh bạch, thuận lợi, an toàn và giảm chi phí. Ảnh: Lê Tiên

Điều kiện kinh doanh phải cụ thể, rõ ràng

Theo bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), thanh toán không dùng tiền mặt là một trong những giải pháp Chính phủ ưu tiên thúc đẩy nhằm tạo lập các giao dịch minh bạch, thuận lợi, an toàn và giảm chi phí.

Nghị định 101/2012/NĐ-CP cùng với các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo nền tảng cơ sở pháp lý cho hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế. Sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ và sự xuất hiện của các mô hình, ý tưởng kinh doanh mới với nhiều sản phẩm, dịch vụ mới dẫn tới nhu cầu phát triển các phương thức thanh toán mới. Do vậy, sửa đổi các quy định về thanh toán không dùng tiền mặt nhằm thúc đẩy sự phát triển các phương tiện, dịch vụ, phương thức thanh toán điện tử trên nền tảng công nghệ là cần thiết.

Về Dự thảo, bà Thảo đề xuất xem xét một số nội dung. Thứ nhất là Dự thảo đưa ra nhiều quy định có thể coi là điều kiện kinh doanh mới như đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thanh toán không qua tài khoản hay đại lý thanh toán. Đây là các ngành nghề kinh doanh chưa nằm trong danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo Luật Đầu tư, do đó Ban soạn thảo cần có sự cân nhắc khi xây dựng quy định cho đồng bộ, thống nhất. Nhất là khi Dự án sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư 2014 sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 5/2020.

Bên cạnh đó, nhiều điều kiện kinh doanh được quy định chung chung, thiếu cụ thể, chưa rõ ràng và khó tiên liệu; một số nội dung được quy định mang tính nghiệp vụ ngân hàng hơn là mang bản chất của điều kiện kinh doanh. Chẳng hạn như quy định: “Phải xây dựng các cơ chế quản lý rủi ro, trích lập dự phòng, có biện pháp đánh giá, kiểm soát, phòng ngừa rủi ro và tuân thủ theo các quy định pháp luật về hoạt động giao dịch điện tử…” là nghiệp vụ hoạt động, không phải điều kiện kinh doanh. 

Cần sớm nâng cấp thành luật

Từ góc nhìn khác, theo Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico, việc tiếp tục ban hành quy định về thanh toán không dùng tiền mặt dưới hình thức Nghị định là không hợp lý, chỉ nên coi là giải pháp tạm thời bởi một số lý do.

Trước hết, việc hạn chế thanh toán bằng tiền mặt, gồm cả việc hạn chế sử dụng ngoại hối, tức là hạn chế quyền của công dân thì phải được quy định cụ thể trong luật.

Bên cạnh đó, đây là vấn đề trên liên quan trực tiếp đến nước ngoài, do đó, việc quy định bằng văn bản dưới luật là không bảo đảm cơ sở pháp lý cần thiết.

Ngoài ra, nếu giao dịch dân sự vi phạm các điều cấm trong pháp lệnh và nghị định thì sẽ không bị vô hiệu như trước đây. Hiện nay giao dịch dân sự chỉ vi phạm điều cấm của luật thì mới bị vô hiệu theo quy định tại Điểm c, Khoản 1, Điều 117 Bộ Luật Dân sự 2015 về “Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự”.

Cũng theo ông Đức, trong trường hợp xây dựng Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt như một giải pháp tạm thời thì cần xem xét gộp nghị định này với Nghị định 222/2013/NĐ-CP về thanh toán bằng tiền mặt. Ông Đức nhấn mạnh, cần xây dựng 1 văn bản chung về thanh toán vì 2 nghị định này giống nhau về đối tượng áp dụng, gồm 3 nhóm chỉnh là: Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến thanh toán. Đặc biệt, Nghị định số 222/2013/NĐ-CP về thanh toán bằng tiền mặt gồm có 14 điều, nhưng các nội dung trọng tâm, chủ yếu lại là quy định về việc thanh toán không dùng tiền mặt.

Tin cùng chuyên mục