Kiểm soát chặt tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ngành ngân hàng tiếp tục thực hiện các giải pháp gia hạn nợ, chưa chuyển nhóm nợ để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi, đồng thời, bắt đầu xem xét hỗ trợ lãi suất 2% cho một số nhóm doanh nghiệp. Những giải pháp này là cần thiết để giúp doanh nghiệp nhanh chóng quay trở lại nhịp sản xuất, kinh doanh, song có ý kiến cho rằng, cần giám sát chặt chẽ chất lượng tài sản ngân hàng và có lộ trình tiến - lùi trong việc thực hiện các giải pháp hỗ trợ.
Năm 2022, dòng vốn ngân hàng tiếp tục được ưu tiên cho sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là những lĩnh vực khó khăn do dịch như du lịch, vận tải, lưu trú. Ảnh: Tiên Giang
Năm 2022, dòng vốn ngân hàng tiếp tục được ưu tiên cho sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là những lĩnh vực khó khăn do dịch như du lịch, vận tải, lưu trú. Ảnh: Tiên Giang

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022. Theo đó, một trong những nhóm mục tiêu và nhiệm vụ chủ yếu của ngành ngân hàng là tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tín dụng tiêu dùng với mức lãi suất hợp lý, bảo đảm an toàn vốn vay và tuân thủ quy định pháp luật, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; không nới lỏng các điều kiện cấp tín dụng; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Theo Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú, năm 2022, dòng vốn ngân hàng tiếp tục được ưu tiên cho sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là những lĩnh vực khó khăn do dịch như du lịch, vận tải, lưu trú. Đặc biệt, ngành ngân hàng chuẩn bị sẵn sàng triển khai gói hỗ trợ lãi suất của Chính phủ.

“NHNN đang và tiếp tục kiểm soát chặt chẽ hơn việc cấp tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán… Sắp tới đây có thể sẽ tổ chức một số hội nghị chuyên đề về kiểm soát rủi ro với cho vay các lĩnh vực này nhằm mục đích vừa cảnh báo, vừa định hướng vừa tăng cường kiểm tra, giám sát dòng tiền”, ông Đào Minh Tú cho biết.

Số liệu từ NHNN cho biết, tăng trưởng tín dụng lĩnh vực bất động sản có xu hướng giảm từ trên 26% năm 2018 xuống 11,89% năm 2020, thấp hơn tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế. Theo số liệu mới nhất, đến cuối tháng 11/2021, tín dụng bất động sản chỉ tăng khoảng 12% so với năm trước, thấp hơn tăng trưởng tín dụng chung. Tỷ trọng tín dụng bất động sản hiện chiếm khoảng 18 - 20% trong tổng dư nợ của nền kinh tế.

Về chính sách hỗ trợ lãi suất, theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, gói hỗ trợ lãi suất khoảng 40 nghìn tỷ đồng với mức hỗ trợ 2%/năm dự kiến triển khai trong hai năm 2022 - 2023, tương đương với quy mô dư nợ khoảng 1 triệu tỷ đồng. Các trường hợp được hỗ trợ bao gồm: doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi và các trường hợp vay cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân thuê và thuê mua.

Từ diễn biến kinh tế vĩ mô và các chính sách hỗ trợ kinh tế của Việt Nam, bà Dorsati Madani, Chuyên gia kinh tế cao cấp Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho rằng, khu vực tài chính đang có rủi ro gia tăng, nếu có vấn đề trong lĩnh vực tài chính, các lĩnh vực khác có thể chịu tác động tiêu cực và ảnh hưởng bất lợi tới quá trình phục hồi kinh tế bền vững.

Do đó, theo bà Dorsati Madani, trước hết, cần tăng tính minh bạch về tác động của cú sốc dịch bệnh bắt đầu từ tháng 4/2021 đối với nợ xấu và hệ thống ngân hàng, nợ xấu và chất lượng tài sản của ngân hàng cần được theo dõi chặt chẽ. Hơn nữa, bất kỳ chính sách nào cũng cần bảo đảm tuân thủ các thông lệ lành mạnh về quản lý rủi ro tín dụng. Các biện pháp giãn thời gian trả nợ nên được sử dụng để cung cấp tín dụng cho các doanh nghiệp và hộ gia đình kinh doanh tốt nhưng đang bị đại dịch gây ảnh hưởng tạm thời nhằm đảm bảo bền vững cho nền kinh tế và duy trì ổn định tài chính, chứ không nên khuyến khích lĩnh vực có thể chấp nhận hạ thấp chuẩn cho vay.

Bên cạnh đó, các nhà hoạch định chính sách nên thông qua và công bố chiến lược gỡ bỏ dần các biện pháp hỗ trợ ngay khi hoàn cảnh cho phép. Bảo đảm các ngân hàng chuẩn bị sẵn sàng để triển khai chiến lược này, nhằm giữ kỷ cương và quản lý rủi ro và tài chính lành mạnh.

Đồng thời, các nhà hoạch định chính sách cần tiến hành biện pháp bảo đảm ngân hàng sẵn sàng triển khai xử lý nợ xấu sớm và hiệu quả. Những biện pháp đó bao gồm thiết lập và tăng cường cơ chế tái cơ cấu khoản vay chung, thu hồi theo pháp luật thông qua cưỡng chế tài sản thế chấp, xóa nợ, bán nợ. Mặt khác, cần tăng cường giám sát cẩn trọng nhằm bảo đảm phát hiện sớm các ngân hàng có vấn đề và kiện toàn khung giải pháp để xử lý, có thể bao gồm một số biện pháp như tái cơ cấu ngân hàng, tách riêng tài sản, sáp nhập, mua lại, ứng cứu và thanh lý.

Tin cùng chuyên mục