Kiểm soát chặt việc sử dụng vốn sai mục đích

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ước tính đến cuối tháng 6, tăng trưởng tín dụng lĩnh vực bất động sản đạt 5,5%, dư nợ tín dụng chứng khoán chiếm 0,48% tổng dư nợ của nền kinh tế. Ngân hàng Nhà nước khẳng định đang kiểm soát tốt tín dụng chảy vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro và tiếp tục yêu cầu các tổ chức tín dụng đánh giá thận trọng các dòng vốn này.
Tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực bất động sản những năm gần đây có xu hướng chậm lại rõ rệt. Ảnh: Lê Tiên
Tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực bất động sản những năm gần đây có xu hướng chậm lại rõ rệt. Ảnh: Lê Tiên

Về công tác điều hành tín dụng, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, căn cứ mục tiêu tăng trưởng kinh tế và lạm phát do Quốc hội và Chính phủ đề ra, NHNN xây dựng chỉ tiêu định hướng tăng trưởng tín dụng toàn ngành năm 2021 khoảng 12%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.

NHNN đã thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng (TCTD), bảo đảm tăng trưởng tín dụng đi đôi với chất lượng tín dụng, hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh để hỗ trợ đà phục hồi kinh tế, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Đến ngày 15/6/2021, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 5,1% so với cuối năm 2020, tăng 15,29% so với cùng kỳ năm 2020.

Trên cơ sở mục tiêu của Quốc hội, Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ theo định hướng chủ động, linh hoạt trên cơ sở theo dõi sát diễn biến, dự báo kinh tế vĩ mô và thị trường nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu năm 2021 bình quân khoảng 4%, hỗ trợ ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần phục hồi tăng trưởng kinh tế, bảo đảm thanh khoản, duy trì ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối. Theo đó, sẽ tiếp tục điều hành tín dụng theo chỉ tiêu định hướng, gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung vào lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên. Về tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, NHNN luôn kiểm soát chặt tín dụng vào lĩnh vực bất động sản, các dự án BOT, BT giao thông, chứng khoán.

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế thuộc NHNN, từ đầu năm đến nay, cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên. Đến cuối tháng 6, tín dụng nông nghiệp, nông thôn ước tăng 4,8%; tín dụng dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 3,9%; tín dụng phục vụ xuất khẩu tăng 9%; tín dụng dành cho công nghiệp hỗ trợ tăng 6,94% và dành cho doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 14,5%. Tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát chặt chẽ, phù hợp với định hướng của NHNN.

Mức tăng trưởng tín dụng bất động sản khoảng 5,5% trong 6 tháng đầu năm, thấp hơn mức tăng trưởng chung toàn ngành. Trong tháng 3 và 4/2021, giá bất động sản tăng đột biến trên diện rộng, đặc biệt là giá đất nền. Tuy nhiên, sau khi Chính phủ có chỉ đạo quyết liệt, NHNN đưa ra phân tích, cảnh báo rủi ro tiềm ẩn trong đầu tư bất động sản, giá đất nền tại một số địa phương hiện giảm tương đối nhiều.

Bên cạnh đó, việc một số địa phương thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ là công khai quy hoạch các dự án cũng góp phần xử lý cơ bản hiện tượng “sốt đất” ở nhiều khu vực. Trong khoảng 3 năm trở lại đây, tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực này có xu hướng chậm lại rõ rệt, từ mức tăng khoảng 26,76% năm 2018 giảm xuống 21% năm 2019 và 11,89% năm 2020.

Với mức tăng tín dụng bất động sản và chứng khoán hiện tại, NHNN cho biết đang kiểm soát tốt nhưng vẫn yêu cầu các TCTD đánh giá lại, kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng tín dụng trong từng lĩnh vực.

Về chứng khoán, tính đến hết tháng 6/2021, tín dụng lĩnh vực này dự kiến đạt 46.700 tỷ đồng, tương ứng khoảng 0,48% tổng dư nợ của nền kinh tế. Ông Nguyễn Tuấn Anh cho rằng, chứng khoán là lĩnh vực mà nhiều cơ quan quản lý, người dân quan tâm, đặc biệt khi thời gian qua thị trường này biến động liên tục nên cần tập trung kiểm tra, kiểm soát. Thời gian tới, NHNN sẽ có các giải pháp giám sát chặt chẽ hoạt động cho vay, đặc biệt hạn chế việc lách luật để cho vay lĩnh vực này, sử dụng vốn sai mục đích, tăng cường giám sát các TCTD, người vay, mục đích vay…

Tin cùng chuyên mục