Minh bạch thông tin các ngân hàng thương mại là một phần quy định cần tuân thủ để đáp ứng tiêu chuẩn của Hiệp ước Basel II. Ảnh: Lê Tiên |
Cần bỏ việc phân bổ tín dụng cho “con cưng”
Tăng trưởng tín dụng trên 30%, tỷ lệ nợ xấu hơn 17% là những con số của năm 2012 và vẫn luôn ám ảnh giới ngân hàng trong suốt những năm qua. Ở góc độ lạc quan, việc quyết liệt thực hiện 2 đề án tái cơ cấu cùng với những con số khả quan - tăng trưởng tín dụng 14% và nợ xấu xấp xỉ 2% của năm 2018 - làm tăng niềm tin là tình trạng gian khó của hệ thống ngân hàng sẽ không lặp lại.
Nhiều năm công tác trong ngành ngân hàng, chuyên gia Phạm Xuân Hòe nêu một số kiến nghị để hệ thống ngân hàng phát triển bền vững trong thời gian tới. Trước hết, Chính phủ cần sớm có nghị định về ổn định tài chính - ngân hàng với việc chú trọng các công cụ kiểm soát rủi ro.
Một điểm quan trọng khác là cần đổi mới triệt để cơ chế phân bổ tín dụng theo cơ chế thị trường với tiêu chí hiệu quả là trên hết. “Tín dụng ngân hàng và đầu tư công không thể phân bổ mãi cho các “con cưng”, nguồn gốc dẫn đến tình trạng nhiều dự án thua lỗ nặng nề gây thiệt hại cho cả hệ thống ngân hàng và nền kinh tế”, ông Hòe nói.
Bên cạnh đó, thực thi nghiêm túc bộ công cụ chính sách để đảm bảo an toàn, phân tích các chỉ số an toàn hệ thống một cách thường xuyên và từng bước công khai trên thị trường.
Đồng thời, cần có sự phối hợp giữa các chính sách kiểm soát chung các thị trường, chẳng hạn, kiểm soát tín dụng phải gắn với kiểm soát thị trường bất động sản, kiểm soát bảo hiểm. “Việc kiểm soát chặt chẽ, chi li những nội dung này, từ đó đưa ra đánh giá tổng thể sẽ có hiệu quả hơn”, ông Hòe nhấn mạnh.
Giám sát từ sự minh bạch
Các biện pháp kiểm soát thị trường tài chính - ngân hàng đã được thực hiện trong nhiều năm qua, song cách thức công khai minh bạch kết quả của việc thực thi các chính sách này chưa đạt kỳ vọng của giới quan sát và nghiên cứu.
Theo TS. Vũ Hùng Phương thuộc Đại học Kinh tế Quốc dân, trước hết cần tổ chức thực hiện tốt công tác thống kê báo cáo tại ngân hàng theo hướng đảm bảo mọi thông tin hoạt động của ngân hàng được theo dõi, quản lý trên hệ thống và giới nghiên cứu có thể tiếp cận. Đồng thời, đảm bảo công tác thống kê báo cáo được thực hiện trung thực và theo đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Đồng tình với quan điểm này, TS. Lê Thanh Tâm, Phó Trưởng Bộ môn Ngân hàng thương mại thuộc Viện Ngân hàng - Tài chính cho rằng, minh bạch thông tin là một phần quy định cần tuân thủ để đáp ứng tiêu chuẩn của Hiệp ước Basel II mà Việt Nam đang có lộ trình áp dụng cho nhiều ngân hàng thương mại.
Tuy nhiên, theo bà Tâm, các nhà nghiên cứu và quan sát gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm bộ dữ liệu đầy đủ về hệ thống ngân hàng. Do đó, việc đưa ra chính sách khuyến nghị hoặc đề xuất với Ngân hàng Nhà nước là khó trúng đích.
“So với các ngành và lĩnh vực khác, tài chính - ngân hàng là lĩnh vực khó tiếp cận thông tin nhất. Ai có người quen làm việc trong lĩnh vực ngân hàng đều thấy, đến cuối giờ chiều mỗi ngày giao dịch, một đồng vào hay một đồng ra khỏi hệ thống đều được ghi lại đầy đủ. Thế nhưng, kết quả thực tế từ những số liệu vào - ra này vẫn luôn là điều rất khó tiếp cận”, bà Tâm nhấn mạnh.
Liên quan đến việc công khai thông tin hoạt động của các ngân hàng, một động thái đáng chú ý là yêu cầu toàn bộ các ngân hàng thương mại niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chính thức vào năm 2020. Nội dung này được nêu tại Đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025” vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.