Cơ quan kiểm toán sẽ kiểm tra việc xây dựng và ban hành giá các loại dịch vụ trong công tác phòng, chống Covid-19, nhất là giá dịch vụ xét nghiệm. Ảnh: Lê Tiên |
Bộ Tài chính cho biết, năm 2021, đã tập trung huy động được nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch gần 145 nghìn tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước, 19.247 tỷ đồng đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp, người dân trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, các quốc gia, tổ chức, doanh nghiệp và người dân trong và ngoài nước đã viện trợ, tài trợ, đóng góp và hỗ trợ nhiều trang thiết bị, vật tư y tế, kit xét nghiệm..., đặc biệt là vắc xin phòng Covid-19.
Tuy nhiên, trong tổ chức thực hiện còn một số tồn tại, hạn chế. Đó là, kinh phí giải ngân cho công tác mua vật tư, trang thiết bị y tế còn chậm, còn xảy ra một số sai phạm trong công tác đấu thầu mua sắm. Một số địa phương còn gặp nhiều khó khăn trong công tác đảm bảo nguồn kinh phí cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, việc phân định nguồn lực của Trung ương và địa phương chưa thực sự rõ ràng.
Theo GS. TS. Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, ngành y tế đã gặp khá nhiều khó khăn trong sử dụng, thanh toán, quyết toán các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó, vướng mắc lớn nhất là cơ chế mua sắm thuốc, vật tư y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 do nguồn cung một số vật tư, trang thiết bị khan hiếm; giá hàng hóa tăng cao nên các địa phương rất khó khăn khi mua sắm vì không có giá tham khảo phù hợp, rất dễ bị quy kết là tiêu cực, tham nhũng.
Bên cạnh đó, việc áp dụng tiêu chuẩn, định mức sử dụng đối với các tài sản nhận viện trợ, tài trợ cũng không dễ dàng. Theo đó, quy định hiện hành không áp dụng tiêu chuẩn, định mức sử dụng đối với các tài sản nhận viện trợ, tài trợ của các tổ chức, cá nhân và sau khi hết dịch xử lý theo quy định của pháp luật về tài sản công. Vì vậy thời gian qua, căn cứ diễn biến dịch, Bộ Y tế đã thực hiện việc điều chuyển tài sản đã xuất cấp từ địa phương này sang địa phương khác để kịp thời phục vụ công tác chống dịch và điều trị bệnh nhân Covid-19. Hoạt động này tạo ra khối lượng công việc lớn cho Bộ Y tế và các đơn vị, địa phương do phải thực hiện thủ tục điều chuyển tài sản trong trường hợp vượt quá định mức.
Bên cạnh đó, việc theo dõi, hạch toán nguồn lực hỗ trợ cũng gặp trở ngại. Trong quá trình tiếp nhận và phân bổ nguồn lực hỗ trợ, có một số đơn vị, tổ chức, cá nhân hỗ trợ bằng hiện vật nhưng không có thông tin về giá trị hàng hóa tài trợ.
Bà Nguyễn Thị Phú Hà, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho biết, đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có ý kiến yêu cầu KTNN điều chỉnh, hoàn thiện Kế hoạch kiểm toán năm 2022, bổ sung các cuộc kiểm toán liên quan, trong đó có việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19. KTNN đã tiếp thu, bổ sung các nội dung này.
Từ góc độ cơ quan kiểm toán, Phó Tổng KTNN Vũ Văn Họa cho biết, từ 16/2 đến 31/3 năm nay, KTNN sẽ kiểm toán việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phòng chống Covid-19 tại 32 tỉnh, thành phố và các cơ quan, đơn vị thuộc các ngành Y tế, Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Nhà nước…
Theo đó, nội dung kiểm toán tập trung vào việc huy động các nguồn lực phòng, chống dịch. Nguồn lực phòng chống Covid-19 đến từ ngân sách trung ương và địa phương, kinh phí và quỹ của các cơ sở y tế; nguồn viện trợ, tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, nguồn thu từ dịch vụ xét nghiệm...
Cơ quan kiểm toán cũng kiểm tra việc xây dựng và ban hành giá các loại dịch vụ trong công tác phòng chống dịch, nhất là giá các dịch vụ xét nghiệm; các vướng mắc khi thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh thông thường và khám chữa bệnh cho người bệnh Covid-19.
Việc kiểm toán lần này không bao gồm việc mua sắm thuốc, hóa chất, sinh phẩm, kit xét nghiệm tại tất cả đơn vị. Bởi các nội dung đó, theo ông Họa, sẽ do Thanh tra Chính phủ thực hiện, cơ quan kiểm toán chỉ tổng hợp số liệu theo báo cáo. Báo cáo kiểm toán sẽ được phát hành trước 31/5/2022, nhằm kịp thời báo cáo Quốc hội tại kỳ họp giữa năm.