Căng thẳng đối với hệ thống ngân hàng - tài chính có thể đã giảm bớt, song các rủi ro vĩ mô vẫn còn trong năm 2024. Ảnh: Ngọc Thắng |
Sau năm 2022 với nhiều chấn động trong lĩnh vực ngân hàng và thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), thị trường tài chính Việt Nam năm 2023 có những điểm gì đáng chú ý, thưa ông?
Thị trường tài chính năm 2023 phản ánh đúng diễn biến của nền kinh tế trong nước với tác động của diễn biến kinh tế - tài chính thế giới. Từ cuối năm 2022 và cả năm 2023 đã xuất hiện sự khác biệt về cách thức điều hành chính sách tài chính của các nước. Cụ thể, về chính sách tiền tệ, Việt Nam và một số nước châu Á có xu hướng đi ngược với các nước phát triển.
TS. Nguyễn Minh Cường |
Sự khác biệt về định hướng điều hành chính sách tiền tệ đã tạo ra khoảng cách lớn về lãi suất dẫn đến biến động tỷ giá giữa các đồng tiền, từ đó tác động ngược lại với toàn bộ thị trường tài chính. Đặc biệt, nhiều đồng tiền giảm giá so với USD, trong đó có VND.
Với Việt Nam, một điểm đáng chú ý khác là thị trường TPDN chưa hết bất ổn khiến kênh huy động vốn quan trọng này bị gián đoạn. Đặc biệt, TPDN bất động sản phát hành riêng lẻ gần như đóng băng sau giai đoạn sôi động của năm 2022.
Sự gián đoạn của thị trường TPDN làm gia tăng áp lực cho thị trường ngân hàng trong việc cung cấp vốn cho doanh nghiệp (DN). Điều đáng ngại là tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam đã ở mức gần 130% - con số quá lớn theo cảnh báo của Ngân hàng Thế giới (WB) và ADB - có thể gây rủi ro về kỳ hạn do nguồn vốn huy động ngắn hạn từ kênh tín dụng lại phải cung cấp vốn trung và dài hạn. Trong khi đó, nợ xấu của hệ thống ngân hàng đang tăng, đã có lúc tác động bất lợi đến thanh khoản khiến dư địa giảm lãi suất không còn.
Sau giai đoạn thiếu hụt thanh khoản cuối năm 2022, hệ thống ngân hàng lại ở tình trạng thừa thanh khoản trong năm 2023 do nền kinh tế không hấp thụ được vốn, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải dùng một số biện pháp nghiệp vụ để hút tiền về trong hệ thống, giảm sức ép chênh lệch lãi suất giữa VND và USD.
Nhìn chung, hệ thống ngân hàng và chính sách tiền tệ năm 2023 hầu như hết dư địa, nhưng lại được trao cho quá nhiều nhiệm vụ và rơi vào tình trạng quá tải. Thị trường TPDN vẫn chưa thật sự phục hồi nên không hỗ trợ được nhiều cho nền kinh tế, dẫn đến sức ép lại càng dồn lên hệ thống ngân hàng. Bên cạnh đó, chính sách tài khóa vẫn còn dư địa thì lại rụt rè như việc cắt giảm thuế VAT xuống 8% thực hiện nhỏ giọt 6 tháng một lần và không phải với tất cả các mặt hàng; giải ngân đầu tư công còn chậm.
Bức tranh tổng thể thị trường tài chính năm 2023 cho thấy có sự tắc nghẽn về vốn trong hệ thống ngân hàng vì sức hấp thụ vốn của nền kinh tế yếu dù lãi suất đã giảm. Trong khi đó, yếu tố kích thích để khai thông vốn là chính sách tài khóa lại vận hành khá rụt rè.
Nhiều giải pháp đang được thực hiện để khơi thông dòng vốn cho DN, ông đánh giá như thế nào về những giải pháp này?
Để gỡ nút thắt cho thị trường tài chính và từng bộ phận cấu thành thị trường này, cần tháo các điểm nghẽn của toàn bộ nền kinh tế để DN có cơ hội phát triển sản xuất kinh doanh. Khi DN hoạt động tốt, việc huy động vốn trên thị trường vốn sẽ dễ dàng hơn, từ đó giảm áp lực cho hệ thống ngân hàng, góp phần củng cố an toàn cho cả hệ thống tài chính.
Yếu tố quan trọng thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của DN là sự cải thiện từ thị trường. Giải pháp khả thi trước hết là kích cầu nội địa, trong đó bao gồm việc đẩy mạnh thực hiện chính sách tài khóa sâu rộng hơn nữa, thúc đẩy giải ngân đầu tư công để kích cầu, đồng thời cải thiện thể chế. Trong khi dư địa chính sách tiền tệ không còn nhiều, dư địa thị trường vốn hạn hẹp thì việc đẩy mạnh kích cầu, đặc biệt là kích cầu từ đầu tư công và cải thiện thể chế là khả thi. Nếu làm tốt điều này sẽ hỗ trợ DN và nền kinh tế phục hồi tốt, từ đó tác động tích cực trở lại với thị trường tài chính.
Sau những biến động của năm 2022 và năm 2023, theo ông, thị trường tài chính Việt Nam năm 2024 sẽ có những điểm nào đáng chú ý?
Thị trường tài chính toàn cầu nói chung và thị trường tài chính Việt Nam nói riêng có thể “dễ thở” hơn trong năm 2024 bởi gần như các ngân hàng trung ương sẽ không tăng lãi suất. Có thể nói, câu chuyện tăng lãi suất đã qua. Vấn đề hiện nay là liệu Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có giảm lãi suất kịp thời hay không. Lần “chậm chân” của Fed cách đây 2 năm đã gây ra hậu quả nặng nề. Khi đó, Fed dự báo không chuẩn về lạm phát với nhận định “lạm phát cao chỉ là tạm thời”, nhưng khi lạm phát tăng quá nhanh thì Fed trở tay không kịp.
Có ý kiến bi quan về khả năng nền kinh tế khổng lồ Mỹ tiếp tục lao dốc do các đợt tăng lãi suất và rơi vào suy thoái do Fed không kịp thời giảm lãi suất. Dù vậy, đây là bài toán không dễ dàng với Fed, bởi ám ảnh lạm phát cao vẫn còn trong khi rủi ro suy thoái kinh tế cũng rất đáng lo ngại.
Phân tích trên cho thấy căng thẳng đối với hệ thống ngân hàng - tài chính có thể đã giảm bớt, song các rủi ro vĩ mô vẫn còn trong năm 2024, kể cả rủi ro lạm phát tăng cao.
Về thị trường ngân hàng, nếu kinh tế thế giới năm 2024 phục hồi chậm, thương mại toàn cầu tiếp tục giảm, triển vọng kinh doanh của DN tiếp tục khó khăn, sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tăng tín dụng ngân hàng. Ngoài ra, chất lượng tài sản của ngân hàng đang suy giảm với nợ xấu gia tăng, đặc biệt là khối nợ xấu từ TPDN, làm tăng chi phí dự phòng, từ đó giảm lợi nhuận ngân hàng. Đồng thời, nợ xấu là một rủi ro lớn, là yếu tố làm giảm dư địa cung ứng tín dụng cho nền kinh tế.
Năm 2024, thị trường TPDN có thể sẽ ghi nhận một số kết quả tích cực từ việc thực hiện cải cách trong thời gian qua. Theo đó, thông tin về DN phát hành minh bạch hơn, giới đầu tư “trưởng thành” và có sự chọn lọc hàng hóa tốt hơn. Tuy nhiên, những món nợ trái phiếu được gia hạn trong năm 2023 sẽ là mối lo cho năm 2024-2025, tác động bất lợi đến hoạt động của thị trường tài chính.
Trong điều kiện đó, việc cần làm là tiếp tục cải cách thể chế mạnh mẽ hơn nữa để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và đẩy mạnh sự vận hành hiệu quả của các cấu phần trong thị trường tài chính, từ đó giảm áp lực cung cấp vốn của hệ thống ngân hàng và phát huy vai trò của các kênh dẫn vốn khác.
Cải cách thể chế được xác định là trọng tâm cải cách và là một trong những đột phá chiến lược để phát triển đất nước. Ông nhận xét gì về công tác này trong thời gian qua?
Trong 3 năm qua, do tác động của dịch Covid-19, bất ổn địa chính trị, các nền kinh tế chỉ xoay quanh các biện pháp chính sách đối phó ngắn hạn. Tại Việt Nam, cũng có tình trạng một số quyết sách "đuổi theo" diễn biến thị trường phải sửa đổi, có nghị định được ban hành và có hiệu lực chưa được 1 năm đã phải sửa đổi. Đó là chưa kể một số chính sách được thực hiện chậm trễ, khiến kết quả không như mong đợi.
Đã đến lúc từ bỏ tư duy chính sách ngắn hạn để xác lập tầm nhìn dài hạn trong xây dựng chính sách và hiệu quả trong phản ứng chính sách. Các quốc gia cần dần quay lại với các ưu tiên toàn diện trung và dài hạn, đặc biệt là cải cách thể chế, cải tổ cơ cấu.
Đã đến lúc chấp nhận tình trạng bất bình thường mới của kinh tế thế giới. Theo đó, tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể chậm lại trong những năm tới, lạm phát dai dẳng và lãi suất duy trì ở mức cao. Chủ nghĩa bảo hộ thương mại gia tăng, rủi ro địa chính trị và địa kinh tế sẽ tiếp tục chia cắt nền kinh tế thế giới. Thiên tai, dịch bệnh dẫn tới những cú sốc sẽ trở nên thường xuyên hơn và khó lường hơn.
Trong bối cảnh “bất bình thường mới” này, nếu chính sách chỉ chạy theo phản ứng ngắn hạn sẽ mất định hướng, kém hiệu quả và không nhất quán. Phải tiếp tục kiên định và đẩy nhanh hơn nữa những nỗ lực cải cách trong trung và dài hạn để tăng cường khả năng kết nối giữa việc ban hành và thực hiện chính sách. Trên thực tế, rất nhiều chính sách ứng phó ngắn hạn mặc dù được ban hành rất nhanh nhưng lại không thực hiện được mục tiêu đề ra.
Ví dụ, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tháng 1/2022, trong đó gói hỗ trợ lãi suất 2%, gói phát triển cơ sở hạ tầng và nhà ở xã hội đều giải ngân rất chậm. Nguyên nhân chính là cơ chế thực hiện không hiệu quả mà việc này lại liên quan đến cải cách thể chế trong trung và dài hạn. Rào cản thể chế khiến các nỗ lực cải cách quan trọng không phát huy hiệu quả như mục tiêu ban đầu.
Với thị trường tài chính, những bất cập về thể chế khiến các thị trường vốn khác chưa phát triển đủ mạnh để chia sẻ gánh nặng với hệ thống ngân hàng. Trên thị trường tiền tệ, lãi suất đã hạ nhưng DN vẫn khó hấp thụ được vốn tín dụng vì vướng các vấn đề thể chế.
Mặc dù Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ về cải cách thể chế nhưng dường như trong 3 năm đối mặt với dịch bệnh và các biến động địa chính trị lớn, ưu tiên cải cách thể chế trung và dài hạn phần nào bị gạt sang một bên, thay vào đó là các chính sách ứng phó ngắn hạn.
Nhìn rộng ra thế giới, từ sau Thế chiến thứ hai chỉ có vài nền kinh tế đang phát triển trở thành các nền kinh tế phát triển như Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông. Sự thành công của các nền kinh tế này không hẳn là do mô hình phát triển kinh tế ưu việt, cũng không do sự hỗ trợ kinh tế của Mỹ và phương Tây trong chiến tranh lạnh hay do có năng lực tốt hơn các nước khác. Cốt lõi và quan trọng nhất là họ đã thành công trong cải cách thể chế. Đây cũng là mấu chốt quyết định sự phát triển, thành công hay thất bại của mọi nền kinh tế.
Với Việt Nam cần thúc đẩy nhanh hơn nữa những nỗ lực cải cách trong trung và dài hạn, nhằm mục đích tăng cường kết nối giữa việc ban hành và thực hiện chính sách, từ đó giúp nền kinh tế ứng phó nhanh và hiệu quả với các cú sốc đang dần trở nên thường xuyên hơn.