Kinh nghiệm quốc tế về giải quyết kiến nghị đấu thầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nhiều nước trên thế giới lựa chọn mô hình giải quyết kiến nghị và tranh chấp trong đấu thầu thông qua cơ quan hành chính độc lập vì mô hình này có nhiều ưu điểm. Cơ chế giải quyết kiến nghị về đấu thầu thông qua tòa án là cách thức cuối cùng mà các bên lựa chọn.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Một chuyên gia đấu thầu quốc tế cho biết, đặc điểm chính của cơ quan giải quyết kiến nghị trong đấu thầu mà nhiều nước lựa chọn là độc lập. Mô hình này có ưu thế là thời gian xử lý kiến nghị ngắn hơn, đơn giản hơn so với quy trình tại tòa án. Nếu phải tổ chức điều trần thì cũng đơn giản hơn so với tại tòa án. Đây là cơ quan chuyên trách nên những người trực tiếp giải quyết kiến nghị có trình độ chuyên môn, kiến thức về đấu thầu cũng như lĩnh vực đang có kiến nghị cao và sâu hơn so với tòa án. Đặc biệt, hoạt động của cơ quan này có tính độc lập hơn hẳn chủ đầu tư (không có quyền lợi trực tiếp hoặc gián tiếp như chủ đầu tư).

Ngoài ra, trong cơ cấu tổ chức của cơ quan này, ngoài bộ phận thường trực đóng vai trò thư ký hỗ trợ quá trình giải quyết kiến nghị, thành viên chính thức trực tiếp xử lý kiến nghị thường không phải công chức nhà nước mà là các chuyên gia có chuyên môn về đấu thầu và nhiều lĩnh vực khác nhau. Tùy thuộc nội dung của kiến nghị mà người đứng đầu cơ quan thành lập tổ chuyên gia cho phù hợp.

Trên thế giới, một số nước như Singapore có Tòa án chuyên xử lý kiến nghị trong đấu thầu (Government Procurement Adjudication Tribunal - GPAT), Canada có Tòa án Thương mại quốc tế Canada (CITT) là cơ quan bán tư pháp độc lập, Đức có các tòa án hành chính chuyên trách về đấu thầu (Vergabekammern - Public Procurement Tribunals) với sự phân cấp thành tòa án liên bang và tòa án bang/khu vực (chia theo phạm vi gói thầu cấp liên bang hay bang/khu vực), Đan Mạch có Hội đồng Kiến nghị trong đấu thầu (Camplaints Board for Public Procurement - CBPP) hoặc Cơ quan Quản lý cạnh tranh Đan Mạch (Danish Competition Authority - DAC)…

Đối với hoạt động của các cơ quan này, mỗi nước có mô hình hoạt động riêng, tùy theo đặc thù của từng quốc gia. Chẳng hạn, Mỹ có cơ quan hành chính độc lập giải quyết kiến nghị là Văn phòng trách nhiệm giải trình của Chính phủ (GAO), được thành lập năm 1921 với tiền thân là Tổng kiểm toán Chính phủ. Đây là cơ quan độc lập trực thuộc Quốc hội Hoa Kỳ, có nhiệm vụ hỗ trợ quốc hội nước này tăng cường chức năng giám sát các hoạt động của Chính phủ, đảm bảo minh bạch và phục vụ tốt nhất các mục tiêu đã xác định. Ngoài ra, GAO hoạt động như một diễn đàn khách quan, công bằng và độc lập để đưa ra các giải pháp xử lý kiến nghị của nhà thầu. Theo quy định, GAO được phép đưa ra 2 loại quy trình giải quyết kiến nghị bao gồm quy trình thông thường và quy trình khẩn cấp. Thời gian qua, GAO được đánh giá cao về quy trình giải quyết kiến nghị tiết kiệm chi phí, thời gian.

Còn ở Nhật Bản, hệ thống giải quyết kiến nghị trong đấu thầu là CHANS (The Government Procurement Challenge System), được thành lập từ tháng 12/1995. Đây là một trong những nỗ lực của Chính phủ Nhật Bản nhằm thay đổi tình hình hoạt động đấu thầu trong nước ở thời kỳ đóng cửa, khi mà đa số các gói thầu chỉ áp dụng hình thức chỉ định thầu và đấu thầu hạn chế, rất dễ nảy sinh hiện tượng thông thầu. Thêm vào đó, việc gia nhập Hiệp định Mua sắm chính phủ (GPA) của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) buộc Nhật Bản phải thay đổi cơ chế trong hệ thống đấu thầu để trở nên phù hợp với các nước thành viên nói riêng và GPA nói chung. Mục tiêu của CHANS là hỗ trợ một cách tốt hơn quy trình đấu thầu của Chính phủ Nhật Bản theo hướng minh bạch, công bằng và cạnh tranh trên nguyên tắc không phân biệt đối xử nhà thầu nội địa với nhà thầu nước ngoài.

Một mô hình khác mà Việt Nam có thể tham khảo là Hội đồng Trọng tài đấu thầu (Public Procurement Arbitration Board - PPAB) ở Hungary. Đây là đơn vị có thẩm quyền giải quyết các khiếu nại, tranh chấp, kiến nghị liên quan đến đấu thầu, trực thuộc Cơ quan Quản lý đấu thầu (Public Procurement Authority) - cơ quan chuyên trách về đấu thầu được thành lập bởi Quốc hội Hungary. Trong Hội đồng, các ủy viên được phân vào các nhóm nhỏ gọi là ban công tác gồm 3 thành viên theo các chuyên môn/lĩnh vực nhất định để giải quyết kiến nghị. Các thành viên này được phân công trực tiếp bởi Chủ tịch PPAB và 2 trong 3 thành viên phải vượt qua bài kiểm tra năng lực luật sư, và người có năng lực cao nhất sẽ là trưởng ban. Quyết định của ban này sẽ được thông qua theo quy tắc số đông.

Tin cùng chuyên mục