Xây dựng, thực hiện cam kết về kinh doanh liêm chính là yêu cầu cần thiết để phát triển bền vững, tạo lợi thế cạnh tranh đối với doanh nghiệp |
Doanh nghiệp - nạn nhân và tác nhân của tham nhũng
Tham nhũng trong khu vực tư ở Việt Nam đang nổi lên như một thách thức lớn, cản trở đến những đóng góp quan trọng của khu vực này đối với nền kinh tế. Loại hình phổ biến nhất của tham nhũng trong khu vực tư là hành vi hối lộ trong các hoạt động kinh doanh và thương mại.
Theo Phong vũ biểu Tham nhũng Việt Nam 2019 của Tổ chức Hướng tới minh bạch), 54% người dân được khảo sát cho rằng doanh nghiệp lớn và các nhóm lợi ích đang chi phối các chính sách và quyết định của Chính phủ vì lợi ích riêng.
Đây cũng chính là một thách thức cần tìm cách tháo gỡ. Trong môi trường tiềm ẩn rủi ro tham nhũng cao như ở Việt Nam, quan điểm cho rằng hối lộ là một phần “không thể tránh khỏi” trong hoạt động kinh doanh khá phổ biến, dẫn đến việc doanh nghiệp chấp nhận chi trả các khoản chi phí không chính thức.
Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), năm 2018 còn 7,1% doanh nghiệp phải trả 10% doanh thu cho các loại chi phí không chính thức (tỷ lệ này là 9,1% năm 2016 và 9,8% năm 2017).
Rủi ro tham nhũng là một trở ngại đáng kể trong hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp. Việc biếu tặng và nhận quà riêng và/hoặc các lợi ích khác giữa các doanh nghiệp tư nhân với tư nhân, giữa các doanh nghiệp tư nhân với các cơ quan nhà nước được nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam coi là một thực tế trong môi trường kinh doanh.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cho biết từng nhận quà biếu từ các nhà cung cấp, trong đó 81% nhận quà vào các ngày không phải ngày lễ của Việt Nam. Ngoài ra, 62% doanh nghiệp được khảo sát cho biết họ có tính đến việc phải đài thọ chi phí để cán bộ nhà nước ra nước ngoài tham dự các sự kiện của công ty.
Doanh nghiệp vẫn thường gặp phải hiện tượng nhũng nhiễu khi giải quyết các thủ tục hành chính. Theo VCCI, năm 2018, 58,2% doanh nghiệp cho biết họ gặp nhũng nhiễu khi làm thủ tục hành chính. Báo cáo Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Việt Nam năm 2018 do VCCI thực hiện cũng chỉ ra rằng vẫn có đến 54% doanh nghiệp được khảo sát cho biết phải trả chi phí bôi trơn để xin giấy phép.
Tỷ lệ doanh nghiệp thừa nhận từng bị yêu cầu chi tiền lót tay hay cung cấp các dạng lợi ích phi chính thức khi làm việc với cán bộ hải quan hoặc thanh tra thuế vẫn còn đáng kể, lần lượt là 35% và 32% (theo Báo cáo “Khảo sát liêm chính kinh doanh trong các khu công nghệ cao ở Việt Nam” do Tổ chức Hướng tới minh bạch thực hiện năm 2018). Như vậy, từ là nạn nhân, doanh nghiệp cũng đã lót tay, chi trả các khoản không chính thức và họ trở thành tác nhân gây ra tham nhũng.
Đẩy mạnh cam kết và nỗ lực chống tham nhũng
Kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ nhờ đóng góp lớn của khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Với sự gia tăng của nguồn vốn FDI, yêu cầu về liêm chính kinh doanh cũng ngày càng tăng do các chi nhánh của các công ty FDI ở Việt Nam phải áp dụng các chương trình chống tham nhũng, hối lộ được đề ra bởi các công ty mẹ. Áp lực này cũng bắt đầu tác động lên các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang các nước với quy định về phòng, chống tham nhũng (PCTN) ngày càng khắt khe như Hoa Kỳ và châu Âu.
Việt Nam đã và đang đẩy mạnh cam kết và nỗ lực chống tham nhũng. Bên cạnh việc triệt phá các đại án tham nhũng, Đảng và Nhà nước đã cải thiện dần khung pháp lý về PCTN. Việt Nam đã thông qua Luật PCTN mới vào tháng 11 năm 2018. Luật này đã mở rộng phạm vi điều chỉnh sang cả khu vực tư nhân. Đáng chú ý, để giải quyết tình trạng “tham nhũng vặt”, ngày 24/9/2019 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 10/CT-TTg về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.
Gần đây, thực tiễn kinh doanh của nhiều doanh nghiệp đã chỉ ra rằng, việc doanh nghiệp đặt giá trị liêm chính và đạo đức kinh doanh lên hàng đầu đã nhận được sự quan tâm và đánh giá cao của các bên liên quan như nhà đầu tư hay khách hàng. Một số doanh nghiệp chia sẻ rằng, sau khi họ từ chối đưa hối lộ, chính doanh nghiệp của họ lại nhận được sự tôn trọng hơn từ đối tác và các giao dịch lần sau lại trở nên suôn sẻ hơn. Ngoài ra, kinh doanh liêm chính còn giúp giảm chi phí bôi trơn, tạo điều kiện để doanh nghiệp thâm nhập thị trường quốc tế.
Người tiêu dùng tại Việt Nam cũng ngày càng quan tâm hơn tới tính liêm chính của doanh nghiệp: 76% người dân Việt Nam (theo Phong vũ biểu Tham nhũng Việt Nam 2019 thực hiện bởi Tổ chức Hướng tới minh bạch) sẵn sàng trả chi phí cao hơn cho sản phẩm của doanh nghiệp có tiếng làm ăn trong sạch và liêm chính (tăng từ 48% vào năm 2013).
Vì vậy, việc các công ty xây dựng và thể hiện rõ ràng các cam kết về kinh doanh liêm chính và nói không với hối lộ và chi phí bôi trơn là hướng đi đúng đắn và chiến lược để kinh doanh bền vững.
Cần xây dựng tư duy và thực hành kinh doanh liêm chính
Kinh doanh có đạo đức và liêm chính đã trở thành một tiêu chuẩn được công nhận toàn cầu, nhằm xây dựng niềm tin của nhà đầu tư, đối tác kinh doanh và nhân viên. Cùng với những đòi hỏi của thời cuộc, việc cải thiện và thực hiện những biện pháp cụ thể để biến liêm chính trở thành một chuẩn mực thay vì là ngoại lệ trong hoạt động kinh doanh sẽ dần trở thành một yêu cầu tất yếu đối với Nhà nước và doanh nghiệp ở Việt Nam.
Vì vậy, ngay từ lúc này, doanh nghiệp cần nhận thức rõ ràng về vấn đề liêm chính trong kinh doanh cũng như chủ động xây dựng, thực hiện và giám sát việc thực hiện một chương trình PCTN trong nội bộ doanh nghiệp mình. Thực hiện theo quy định của pháp luật, thậm chí đi trước các quy định hiện hành bằng việc xây dựng một chương trình PCTN nội bộ, sẽ là một yêu cầu thiết yếu để tăng trưởng bền vững, tạo lợi thế cạnh tranh, đặc biệt đối với các doanh nghiệp Việt Nam đang trong quá trình phát triển và hướng tới thị trường khu vực cũng như toàn cầu.
Mặc dù vẫn cần nhiều nỗ lực và hành động cụ thể hơn nữa để nâng giá trị liêm chính trong kinh doanh ở Việt Nam, nhưng Tổ chức Hướng tới minh bạch nhận thấy sự chuyển biến gần đây (cả về khung pháp lý và thực tiễn) là những bước đi đúng hướng. Việt Nam đang dần dần bước vào một kỷ nguyên mới về liêm chính trong kinh doanh.