Trong 11 tháng đầu năm 2015, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng đạt 13,98%, tăng đáng kể so với mức 10% cùng kỳ năm ngoái |
Trong 11 tháng đầu năm 2015, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng đạt 13,98%, tăng đáng kể so với mức 10% cùng kỳ năm ngoái. Ông Nguyễn Đức Long, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, tăng trưởng tín dụng năm 2015 có thể đạt 18%.
Chính sự cải thiện mạnh mẽ của tín dụng, một số ngân hàng thương mại đã bắt đầu tăng lãi suất huy động tại các kỳ hạn ngắn, với mức tăng 0,2 - 0,5%/năm. Hiện mặt bằng lãi suất huy động VND phổ biến ở mức 0,8 - 1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,5 - 5,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,4 - 6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,4 - 7,2%/năm. Lãi suất huy động USD bằng mức trần do Ngân hàng Nhà nước quy định là 0%/năm đối với tiền gửi của tổ chức và 0,25%/năm đối với tiền gửi của dân cư.
Trong năm nay, huy động vốn của nhiều ngân hàng tăng trưởng chậm hơn so với tăng trưởng tín dụng. Cụ thể, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) huy động vốn tính đến cuối tháng 9/2015 lần lượt tăng 4%; 12,8%; 9,5%; 10,5% so với đầu năm 2015. Trong khi đó, dư nợ tín dụng của các nhà băng này lại tăng khá cao, lần lượt tăng 13%, 13,8%, 12,8% và 13,5%. Điều này đã tạo sức ép lên huy động tiết kiệm của ngân hàng để đảm bảo thanh khoản.
Báo cáo thị trường nợ mới đây của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Quân đội (MBS) cho biết, lãi suất liên ngân hàng đã tăng ở các kỳ hạn qua đêm đến 1 tháng trong 2 tuần cuối tháng 11/2015, do nhu cầu nguồn cầu vốn ngắn hạn tăng, mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã bơm thanh khoản mạnh mẽ vào hệ thống. Tuy nhiên, thanh khoản của hệ thống ngân hàng nhìn chung vẫn dồi dào thể hiện qua mức lãi suất kỳ hạn qua đêm được duy trì ở mức hợp lý.
Tuy lạm phát ở mức thấp và người gửi tiền vẫn được hưởng lãi suất thực dương, song theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, áp lực tỷ giá tăng cao khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vừa tăng lãi suất đồng USD thêm 0,25% thì khả năng lãi suất cũng sẽ khó tránh biến động nhẹ.
Đồng quan điểm, ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty Đầu tư và Kinh doanh Vàng Việt Nam (VGB) cho rằng, việc Fed tăng lãi suất không chỉ tác động đến vàng, mà còn đến các loại hàng hóa khác và với cả lãi suất tiết kiệm VND.
Xu hướng dịch chuyển tiết kiệm qua các kênh đầu tư khác, trong đó có ngoại tệ, bất động sản… là khó tránh. Thực tế cho thấy, mặc dù lãi suất tiền gửi tiết kiệm USD đã được Ngân hàng Nhà nước đưa về mức bằng 0%/năm đối với tổ chức và 0,25%/năm áp dụng cho cá nhân, song tiết kiệm ngoại tệ vẫn tăng trong 11 tháng đầu năm nay. Cụ thể, vốn huy động bằng nội tệ của các ngân hàng trên địa bàn TP.HCM theo báo cáo của UBND TP.HCM đến cuối tháng 11/2015 đạt 1.270.000 tỷ đồng, chiếm 84% tổng vốn huy động, tăng 12,18% so với cuối 2014; vốn huy động bằng ngoại tệ đạt 235.100 tỷ đồng, chiếm 16% tổng vốn huy động, tăng 11,05% so với cuối 2014.
Mặc dù cho biết, lãi suất sẽ tiếp tục ổn định, song lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định, lãi suất chưa thể giảm tiếp. Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng từng khẳng định, cơ quan điều hành chưa có kế hoạch giảm trần lãi suất cho vay. Trước đó, mặt bằng cho vay ngắn hạn giảm về mức 7 - 9%, trung và dài hạn vẫn trên 10% và một số doanh nghiệp nhỏ vẫn phải vay với mức 11 - 12%. Vì vậy, lãi suất tái tăng sẽ là nỗi lo không nhỏ cho những người có nhu cầu vay vốn.