Lãi suất huy động tăng, thì lãi suất cho vay khó giảm. |
Trong cuộc gặp giữa Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp mới đây, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, dù khó khăn, nhưng ngành ngân hàng vẫn phấn đấu giảm khoảng 1% lãi suất trong năm nay. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, để giảm lãi suất, NHNN cần tiếp tục chính sách nới lỏng tiền tệ.
Trong năm 2014 - 2015, chính sách điều hành của NHNN ít có những điều chỉnh liên quan để hạ lãi suất, trong đó chủ yếu kêu gọi ngân hàng thương mại cắt giảm chi phí để hạ lãi suất cho doanh nghiệp.
Trước đó, nhiều ý kiến cho rằng, muốn giảm lãi suất, NHNN phải nới lỏng tiền tệ thông qua các lựa chọn như hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc hoặc tái tạo vốn qua kênh trái phiếu đặc biệt của VAMC.
Một chuyên gia tài chính nhận định, trong năm nay, NHNN sẽ chỉ tiếp tục động viên ngân hàng thương mại giảm lãi suất, chứ không điều chỉnh trực tiếp bằng văn bản, vì hiện tại, các ngân hàng thương mại vẫn đối mặt nhiều khó khăn. Nếu buộc giảm lãi suất, NHNN sẽ phải hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc, giảm lượng trái phiếu chính phủ, tăng tái cấp vốn, cấp bù lãi suất, vì dòng vốn huy động của ngân hàng không chỉ chảy vào tín dụng, mà còn được giữ lại một phần để giải quyết các nhu cầu nội tại.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, lãi suất huy động tăng, thì lãi suất cho vay khó giảm, thậm chí giữ nguyên cũng khó. Lãi suất huy động sẽ tăng để đảm bảo thanh khoản cho tín dụng, cạnh tranh với thị trường trái phiếu chính phủ và diễn biến lạm phát.
Ngân hàng BIDV dự báo, lãi suất VND liên ngân hàng tháng 6/2016 sẽ có xu hướng tăng trở lại, do NHNN đang tạm dừng hoạt động bơm tiền ra thị trường thông qua kênh ngoại hối. Mới đây, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng chủ động cân đối nguồn vốn và sử dụng vốn để đảm bảo thanh khoản, ổn định lãi suất huy động, có điều kiện giảm lãi suất cho vay; chú trọng quản lý rủi ro thanh khoản, rủi ro chênh lệch kỳ hạn và loại tiền, đảm bảo an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng; rà soát và cân đối khả năng tài chính để áp dụng mức lãi suất cho vay hợp lý trên cơ sở lãi suất huy động và mức độ rủi ro của khoản vay. Đồng thời, Thống đốc yêu cầu kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng phù hợp với khả năng huy động vốn và theo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đã được NHNN thông báo, đảm bảo tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong tiếp cận vốn tín dụng; kiểm soát chặt chẽ các khoản cho vay đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro…
Trong thời gian qua, một số ngân hàng đã giảm lãi suất đầu ra như BIDV, VietinBank, Vietcombank, Agribank…, với mức giảm lãi suất cho vay 0,5 - 1% đối với những khách hàng tốt. Nhưng đi cùng với động thái cố gắng giảm lãi suất là lợi nhuận của ngân hàng cũng bị bớt xén theo.
Tuy nhiên, không phải ngân hàng nào cũng có đủ tiềm lực để hưởng ứng chủ trương giảm lãi suất. Trên thực tế, số ngân hàng giảm lãi suất chỉ mới chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Theo tính toán, lãi suất cho vay của các ngân hàng là 7-11%/năm (bình quân 8,5%/năm), trong khi giá vốn đầu vào đã lên tới trung bình 7,8%/năm (gồm lãi suất huy động 4,9%/năm, dự phòng rủi ro 1,22%, dự phòng thanh khoản 0,5%, chi phí quản lý 1,75%).
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, hiện nay, yếu tố quan trọng nhất để giảm lãi suất không nằm ở phía ngân hàng, mà nằm ở Chính phủ. Nếu Chính phủ tiếp tục phát hành trái phiếu với lãi suất cao như hiện nay, chắc chắn lãi suất không thể giảm. Số liệu cho thấy tính đến hết tháng 5/2016, Kho bạc Nhà nước đã huy động thành công trên 147.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ qua đấu thầu. Còn theo số liệu của NHNN, trong 5 tháng đầu năm, tín dụng chỉ tăng 4%, trong khi tổng phương tiện thanh toán tăng gần 6%. Điều này cho thấy, các ngân hàng đang đổ mạnh tiền vào trái phiếu chính phủ, trong khi tín dụng tăng khá chậm.
Chuyên gia kinh tế - tài chính, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, để việc giảm lãi suất khả thi, trước mắt, NHNN cần cho các ngân hàng vay tái cấp vốn với lãi suất thấp, cho vay trái phiếu đặc biệt VAMC…