Lãi suất dự báo tăng trong năm 2022

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sau khi một số ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất huy động, nhiều ý kiến cho rằng, lãi suất huy động có thể tiếp tục xu hướng đi lên trong thời gian tới song mức tăng không lớn bởi thanh khoản của các tổ chức tín dụng vẫn rất dồi dào. Lãi suất cho vay có thể giữ ổn định nhờ các chính sách điều hành và hỗ trợ từ Chính phủ.
Nhiều chuyên gia dự báo, lãi suất cho vay có thể tăng trong thời gian tới, nhưng mức tăng không lớn bởi thanh khoản của các ngân hàng hiện vẫn rất dồi dào. Ảnh: Lê Tiên
Nhiều chuyên gia dự báo, lãi suất cho vay có thể tăng trong thời gian tới, nhưng mức tăng không lớn bởi thanh khoản của các ngân hàng hiện vẫn rất dồi dào. Ảnh: Lê Tiên

Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa tăng lãi suất huy động tại một số kỳ hạn. Cụ thể, lãi suất cao nhất tại BIDV dành cho phân khúc khách hàng doanh nghiệp đồng loạt điều chỉnh tăng 0,1 điểm % lên mức 4,8%/năm dành cho các kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên đến 60 tháng.

Ngân hàng Eximbank cũng áp dụng biểu lãi suất huy động từ ngày 1/12 với mức tăng thêm từ 0,1 - 0,3%/năm ở nhiều kỳ hạn ngắn. Cụ thể, tăng cao nhất là lãi suất gửi tại quầy kỳ hạn 4 tháng và 5 tháng, lần lượt là 3,7%/năm và 3,8%/năm, tăng 0,3 điểm % so với tháng trước.

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank) cũng tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm từ 0,1 - 0,2%. Lãi suất gửi tiết kiệm online ở một số kỳ hạn tại VPBank đã tăng 0,4 - 0,8 điểm %/năm. Cụ thể, khi gửi tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng theo phương thức online với số tiền gửi từ 50 triệu đồng trở lên, khách hàng được hưởng lãi suất là 4%/năm, cao hơn so với mức 3,2%/năm trước đó.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết luôn giữ quan điểm ổn định lãi suất điều hành, năm nay mặt bằng lãi suất của tổ chức tín dụng giảm so với cuối năm 2020. Sau 3 lần điều chỉnh giảm trong năm 2020 với tổng mức giảm 1,5 - 3 điểm phần trăm, NHNN giữ nguyên các mức lãi suất điều hành ở mức thấp. NHNN luôn chú trọng duy trì thanh khoản dồi dào trên thị trường tiền tệ, tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp. Đồng thời, NHNN đã chỉ đạo tổ chức tín dụng chủ động cân đối khả năng tài chính, triệt để tiết giảm chi phí hoạt động, tập trung mọi nguồn lực để giảm lãi suất cho vay.

Ông Phạm Thanh Hà, Phó Thống đốc NHNN cho biết, NHNN đã có 3 lần giảm lãi suất điều hành và phát tín hiệu điều hành lãi suất theo hướng đi xuống. Hiện, lãi suất huy động giảm 1,5 điểm %, còn lãi suất cho vay giảm 1,77 điểm % so với đầu năm 2020.

Lãi suất cho vay bình quân của ngân hàng thương mại trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 7,6 - 9,5%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng VND đối với một số ngành, lĩnh vực ưu tiên ở mức 4,4%/năm, thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định của NHNN (4,5%/năm)

Theo thống kê của Công ty Chứng khoán VNDirect, tính đến đầu tháng 11, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 3 tháng không đổi so với cuối năm 2020. Trong khi đó, lãi suất kỳ hạn 12 tháng giảm từ khoảng 5,6% vào cuối năm 2020 xuống còn 5,53%/năm. Nhóm nghiên cứu của VNDirect dự báo, lãi suất cho vay có thể sẽ tăng trở lại trong năm sau do một số lý do như nhu cầu huy động vốn tăng do tín dụng tăng, áp lực lạm phát trong năm 2022, sự cạnh tranh từ các kênh đầu tư hấp dẫn như bất động sản và chứng khoán. Dự báo, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng tại các ngân hàng thương mại sẽ tăng lên mức 5,9 - 6,1%/năm vào cuối năm 2022, tuy nhiên vẫn thấp hơn mức 6,8%/năm trước giai đoạn dịch bệnh Covid-19.

Về lãi suất cho vay, Nhóm nghiên cứu của VNDirect cho rằng, với các chính sách hỗ trợ từ NHNN, các chương trình ưu đãi lãi suất cho các đối tượng ưu tiên đang triển khai, các gói cấp bù lãi suất đang được tính toán, lãi suất cho vay có thể giảm tiếp 0,1 - 0,3% trong thời gian tới.

Chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, với lãi suất tiết kiệm đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm, rủi ro về lạm phát kỳ vọng có thể khiến dòng tiền chuyển dịch từ kênh gửi tiết kiệm sang các kênh đầu tư khác. “Nếu lạm phát tăng, NHNN có thể phải sử dụng công cụ tiền tệ để kiềm chế lạm phát. Điều này sẽ làm lãi suất cho vay có thể tăng trong thời gian tới. Tuy nhiên, mức tăng không lớn bởi thanh khoản của các ngân hàng hiện vẫn rất dồi dào", ông Hiếu nói.

Từ góc độ khác, chuyên gia kinh tế Trương Văn Phước cho rằng, nên tiếp tục giảm lãi suất điều hành để giảm mặt bằng lãi suất nói chung. Theo ông Phước, với mức lạm phát vẫn thấp và có khả năng dưới 3% vào cuối năm 2021, có thể giảm lãi suất điều hành của NHNN ít nhất 1%, mở rộng và nới lỏng điều kiện cho vay tái chiết khấu, tái cấp vốn. Nhờ đó mà đưa lãi suất cho vay thương mại bình quân giảm xuống.

Tin cùng chuyên mục