Lãi suất huy động đồng loạt tăng, và dự báo tiếp tục tăng

Nhiều ngân hàng tăng lãi suất huy động trong những ngày qua khiến thị trường có những xao động nhất định. Dự báo, lãi suất huy động có thể tiếp tục tăng tại một số ngân hàng nhỏ.
6 tháng đầu năm, huy động vốn của hệ thống ngân hàng tăng 9%, tăng trưởng tín dụng nền kinh tế dưới 7%
6 tháng đầu năm, huy động vốn của hệ thống ngân hàng tăng 9%, tăng trưởng tín dụng nền kinh tế dưới 7%

Ngân hàng đẩy mạnh huy động vốn trung và dài hạn

Báo cáo tình kinh tế tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2016 của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGS) vừa công bố cho biết, từ 14/6/2016 tại một số ngân hàng thương mại nhỏ, lãi suất huy động kỳ hạn dài tăng đến 0,7 điểm phần trăm so với cuối năm 2015. 

VPBank vừa áp dụng biểu lãi suất huy động mới, tăng 0,3%/năm ở các kỳ hạn 5 - 12 tháng. Theo đó, lãi suất huy động kỳ hạn 5 tháng là 5,5%/năm, 6 tháng là 6,5%/năm, 7 tháng là 6,6%/năm, 8 - 11 tháng là 6,7%/năm, kỳ hạn 12, 13 và 15 tháng có lãi suất 6,9%/năm. Lãi suất cao nhất là 7,4%/năm với kỳ hạn 36 tháng.

VIB cũng điều chỉnh lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng từ 4,75%/năm lên 4,9%/năm. Eximbank áp dụng mức lãi suất huy động tăng thêm mức 0,1%/năm ở kỳ hạn 7 tháng, lên 5,5%/năm; kỳ hạn 15 và 18 tháng tăng từ 5,7%/năm lên 5,8%/năm. VietCapitalBank đồng loạt tăng lãi suất các sản phẩm tiền gửi, với mức tối đa là 7,7%/năm.

Đại diện nhóm ngân hàng có vốn của Nhà nước trong lần tăng lãi suất này là Vietcombank điều chỉnh lãi suất huy động từ 5%/năm lên 5,1%/năm đối với kỳ hạn 3 tháng; từ 5,4%/năm lên 5,5%/năm đối với kỳ hạn 6 và 9 tháng.

Tại NCB, từ đầu năm đến nay đã có 3 lần điều chỉnh lãi suất huy động, đưa mức lãi suất cao nhất từ 7,5%/năm lên mức cao nhất thị trường hiện nay là 8%/năm cho kỳ hạn 24 tháng.

Nguyên nhân lãi suất huy động tăng, theo UBGS, chủ yếu do các ngân hàng thương mại đẩy mạnh huy động vốn trung và dài hạn nhằm cân đối nguồn vốn trước các quy định sửa đổi của Thông tư 06/2016/TT-NHNN. Cụ thể, quy định về tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn giảm từ 60% xuống 50% kể từ ngày 1/1/2017 và xuống 40% kể từ ngày 1/1/2018 khiến nhu cầu vốn trung và dài hạn tăng lên đáng kể trong bối cảnh tín dụng trung và dài hạn ngày càng chiếm tỷ trọng lớn.

Nhiều ngân hàng đã tăng lãi suất huy động 3 lần kể từ đầu năm

Dự báo lãi suất 6 tháng cuối năm

Trung tâm Nghiên cứu kinh tế, Maritime Bank cho rằng, áp lực tăng lãi suất không nhiều nhờ thanh khoản dồi dào và định hướng chính sách ổn định lãi suất của Chính phủ.

Phó tổng giám đốc phụ trách khối tiền tệ của một ngân hàng thương mại cổ phần cho biết, thanh khoản hệ thống hiện khá dồi dào nhờ huy động tăng gần 9% sau 6 tháng, trong khi tính đến ngày 24/6, tăng trưởng tín dụng nền kinh tế ở mức 6,82% so với cuối năm 2015. Bên cạnh đó, dòng tiền lớn bơm ra từ hoạt động mua ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước giúp củng cố tình trạng thanh khoản tốt của hệ thống ngân hàng.

“Mặt bằng lãi suất có thể ổn định trong quý III/2016 khi chưa có thay đổi lớn về trạng thái thanh khoản của hệ thống ngân hàng. Lãi suất huy động trên thị trường 1 ổn định, trong khi lãi suất cho vay tại nhiều ngân hàng có cơ hội giảm nhẹ nhằm thúc đẩy tín dụng. Lãi suất kỳ hạn ngắn trên thị trường 2 chủ yếu ở dưới mức 4%/năm”, một lãnh đạo cao cấp của Maritime Bank nhận định.

UBGS dự báo, lãi suất huy động có thể tiếp tục tăng tại một số ngân hàng nhỏ, đặc biệt là lãi suất huy động trung và dài hạn. Tuy nhiên, thanh khoản toàn hệ thống ngân hàng hiện đang dồi dào sẽ hỗ trợ cho nhu cầu tín dụng tăng cao vào cuối năm.

“Ngoài ra, mục tiêu giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp vẫn có cơ sở triển khai trong trường hợp không có các cú sốc lớn từ bên ngoài, đồng thời lạm phát và tỷ giá trong tầm kiểm soát. Bên cạnh đó, các ngân hàng sẽ phải nỗ lực tiết giảm chi phí hoạt động để hỗ trợ chủ trương này”, UBGS nhấn mạnh.

Tuy nhiên, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, yếu tố có thể gây áp lực lớn nhất lên lãi suất của hệ thống ngân hàng trong nửa cuối năm là tốc độ tăng của lạm phát. Lạm phát tổng thể tăng cao ở nửa đầu năm 2016 chủ yếu do giá các mặt hàng thuộc diện Nhà nước quản lý được điều chỉnh mạnh. Dự báo, lạm phát cả năm 2016 sẽ sát mức mục tiêu 5% của Quốc hội. Lạm phát có thể tác động đến lãi suất trái phiếu Chính phủ, từ đó ảnh hưởng đến mặt bằng lãi suất nói chung. Ngoài ra, các yếu tố quốc tế tạo rủi ro bất định xuất hiện cuối tháng 6 dù chưa ảnh hưởng đáng kể tới lãi suất trong nước nhưng cũng là vấn đề cần đặc biệt lưu tâm.        

Tin cùng chuyên mục