Lãi suất huy động tiếp tục xu hướng đi lên

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Từ đầu tháng 12 đến nay, ít nhất có 6 ngân hàng đã tăng nhẹ lãi suất tiền gửi. Xu hướng tăng lãi suất huy động bắt đầu từ nhiều tháng qua và dự báo sẽ tiếp diễn do các ngân hàng cần lượng tiền đáng kể để đáp ứng nhu cầu giải ngân vốn vào giai đoạn cuối năm. Bên cạnh đó, nợ xấu vẫn ở mức cao và đồng USD tiếp tục tăng giá cũng ảnh hưởng đến xu hướng lãi suất tiền đồng.
Lãi suất huy động của các nhóm ngân hàng (%/năm) - Nguồn: NHNN, Bloomberg, MBS Research
Lãi suất huy động của các nhóm ngân hàng (%/năm) - Nguồn: NHNN, Bloomberg, MBS Research

Ngày 9/12, Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank) công bố tăng lãi suất huy động 0,2 điểm % với một số kỳ hạn ngắn. Ngân hàng này tiếp tục áp dụng lãi suất đặc biệt lên đến 7,5%/năm với khoản tiền gửi 200 tỷ đồng kỳ hạn từ 13 tháng trở lên. Trước đó, từ đầu tháng 12, có ít nhất 5 ngân hàng đã tăng lãi suất huy động, gồm: MSB, GPBank, TPBank, ABBank và IVB, với mức tăng phổ biến từ 0,1 - 0,3 điểm %/năm.

Một số ngân hàng cung ứng các sản phẩm tiền gửi khác với mức lãi suất cao để thu hút dòng vốn qua kênh tiết kiệm. Chẳng hạn, Ngân hàng Bản Việt vừa công bố sản phẩm chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn từ 18 tháng đến 36 tháng, trong đó, với kỳ hạn 36 tháng, rút lãi cuối kỳ, lãi suất ở mức 7,1%/năm.

Xu hướng tăng lãi suất huy động đã diễn ra từ giữa tháng 4 đến nay song mức tăng khá thấp. Hiện nay, lãi suất huy động phổ biến ở mức 4,6 - 4,8% tại các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước và 5,2 - 6,3% ở các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân.

Tại báo cáo nghiên cứu vừa công bố, Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho rằng, lãi suất huy động bắt đầu tăng rõ nét trong tháng 11 với 16 ngân hàng, bao gồm cả những ngân hàng lớn như Agribank, Techcombank và MB, với mức tăng từ 0,1 - 0,7%/năm. Xu hướng tăng dự kiến sẽ tiếp diễn tới cuối năm nay trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng tín dụng đang nhanh hơn tốc độ huy động vốn. Bên cạnh đó, nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống đến cuối tháng 9 năm nay đã tăng 4,55% so với cuối năm 2023, gần bằng mức cuối năm 2023 và tăng gấp đôi so với mức 2% của năm 2022. Đây là một trong những yếu tố góp phần thúc đẩy các ngân hàng tiếp tục điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi nhằm thu hút vốn mới, qua đó bảo đảm thanh khoản. MBS dự báo lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại lớn sẽ có thể nhích thêm 20 điểm cơ bản, dao động quanh mức 5,1 - 5,2% vào cuối năm 2024.

Về động lực tăng lãi suất từ tăng trưởng tín dụng, số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến ngày 7/12, tăng trưởng tín dụng đạt mức 12,5% so với đầu năm. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhận định, mức tăng trưởng tín dụng đến nay tích cực hơn nhiều con số 9% của cùng kỳ năm ngoái. Đến nay, tổng dư nợ nền kinh tế khoảng 15,3 triệu tỷ đồng; huy động vốn đạt được khoảng 14,8 triệu tỷ đồng và tốc độ tăng của dư nợ đang cao hơn huy động vốn.

Lý giải về đà giải ngân vốn tín dụng mạnh mẽ trong những tháng gần đây, ông Đào Minh Tú cho rằng, đó là nhờ nền kinh tế đã và đang có nhiều thuận lợi, đạt được nhiều thành tựu trên tất cả các lĩnh vực như xuất khẩu tăng trưởng cao, nhiều doanh nghiệp đã khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, môi trường đầu tư chung thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, sự điều hành tích cực, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương và đặc biệt là của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ từ kinh tế ngành đến kinh tế vĩ mô, chính sách tài khóa, tiền tệ có sự hài hòa giúp cho doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, vay vốn, tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho rằng, tăng trưởng tín dụng năm nay có thể đạt được mức 15%.

PGS. TS. Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, với đà tăng trưởng tín dụng tích cực và để hoàn thành chỉ tiêu của cả năm nay, các ngân hàng chắc chắn cần nguồn vốn lớn nên việc tăng lãi suất huy động là dễ hiểu. Ở chiều ngược lại, dù cơ quan chức năng mong muốn giảm mặt bằng lãi suất bằng việc bơm tiền trên thị trường mở để hỗ trợ thanh khoản, song không dễ thực hiện. Một trong những áp lực đáng kể là tỷ giá USD/VND hiện vẫn lớn, tính từ đầu năm đến nay, USD đã tăng giá khoảng 4,2% so với VND. Do đó, ông Huân cho rằng, từ nay đến cuối năm, lãi suất vẫn có thể trong xu hướng tăng nhẹ. Sang năm 2025, diễn biến lãi suất chịu tác động đáng kể từ biến động tỷ giá USD/VND cùng với động thái điều hành chính sách tiền tệ cụ thể của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).

Tin cùng chuyên mục