Lãi suất tăng tập trung vào các khoản tiết kiệm kỳ hạn dài |
Lãi suất kỳ hạn trên 13 tháng tại nhiều ngân hàng đã đẩy lên trên 8%/năm (khá cao so với mức 5-7%/năm các kỳ hạn ngắn). Tuy nhiên, theo phản ánh của các ngân hàng, mức lãi suất này là “có điều kiện” chứ chưa phải lãi suất đại trà cho mọi khoản tiền gửi.
Chẳng hạn, tại Eximbank, lãi suất 8%/năm chỉ áp dụng cho khách hàng có khoản tiền gửi từ 10 tỷ đồng trở lên, với kỳ hạn 36 tháng. Còn OCB và SeABank cũng quy định khách phải gửi từ 10 tỷ đồng trở lên mới có lãi suất 8%/năm cho kỳ hạn 13 tháng, nhưng lãi suất thông thường cho các kỳ hạn dài chỉ từ 6,7 – 6,95%/năm. Tương tự như vậy, VietA Bank sẵn sàng chi trả lãi suất 8,38%/năm cho kỳ hạn 13 tháng, nhưng chỉ áp dụng với khoản tiền từ 100 tỷ đồng trở lên.
Mức 8,38%/năm là mức suất huy động cao nhất thị trường được ghi nhận tính đến ngày 3/3.
Nếu nhìn chung, mặt bằng lãi suất tại hầu hết các ngân hàng có điều chỉnh tăng nhẹ những ngày sau Tết thêm khoảng từ 0,1-0,5%/năm trên hầu hết các kỳ hạn, trong đó chú trọng kỳ hạn dài. Tất nhiên, nếu tính cả chi phí khuyến mãi, quà tặng khá “nặng tay” thì lãi suất thực đã được điều chỉnh cao hơn những con số công bố.
Chẳng hạn tại VIB, ngoài lãi suất tiết kiệm, nhà băng này vừa đưa ra chương trình “Khám phá Sơn Đoòng hè 2016 miễn phí cùng VIB”, với 10 chuyến du lịch thám hiểm dành cho khách hàng gửi tiết kiệm, vay vốn và chủ thẻ tín dụng VIB MasterCard.
Trước đó không lâu, Viet Capital Bank đã đưa chương trình khuyến mại bằng hình thức cộng trực tiếp lãi suất cho người gửi tiền. Cụ thể, lãi suất gửi tiết kiệm Online tại Viet Capital Bank cộng thêm 0,1%/năm đối với kỳ hạn 1 và 2 tháng, mức lãi suất mới là 5,45%/năm; đối với các kỳ hạn 3-5 tháng, khách hàng được ưu đãi cộng thêm 0,05%/năm. Đặc biệt, đối với kỳ hạn từ 06 tháng trở lên, khách hàng được công thêm 0,3%/năm lãi suất, lãi suất tối đa lên đến 7,5%/năm.
Thời gian ngắn vừa qua, Viet Capital Bank cũng là một trong những ngân hàng đã không dưới 3 lần tăng lãi suất.
Lãi suất tăng sẽ tập trung vào kỳ hạn dài
Ông Godfrey Swain, Giám đốc Khối Ngân hàng bán lẻ VIB khi giải thích về lý do tăng lãi suất huy động đã cho rằng, đây là xu hướng chung, các “ngân hàng bạn” tăng lên, đòi hỏi VIB phải có những động thái tương tự. Tuy nhiên, ông Godfrey Swain vẫn cho rằng, mặt bằng lãi suất năm nay tiếp tục ổn định hoặc nếu có tăng chỉ ở mức nhẹ, khó có thể đột biến.
Tuy nhiên, vẫn có những dự báo khác. Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính-ngân hàng nhận định, việc tăng lãi suất kỳ hạn dài vừa qua của một số ngân hàng là nhằm cơ cấu lại nguồn vốn, đặc biệt là ngân hàng có tỷ trọng vốn trung dài hạn thấp (từ 1 năm trở lên). Yêu cầu này càng cấp bách do Dự thảo sửa đổi Thông tư 36 đưa ra thông điệp siết lại việc sử dụng ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 60% xuống 40%. Do đó, TS. Hiếu nhận định rằng, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn dài sẽ còn được các ngân hàng nâng nhẹ trong thời gian tới.
Một câu hỏi đang được đặt ra là việc điều chỉnh lãi suất đầu vào liệu có làm tăng mặt bằng lãi suất cho vay thời gian tới hay không? Theo ông Từ Tiến Phát, Phó tổng giám đốc ACB, mặt bằng lãi suất cho vay khó có thể điều chỉnh ngay khi chi phí đầu vào tăng.
Còn theo ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB, thông thường lãi suất huy động tăng tạo áp lực đến lãi suất vay. Cấu trúc giá thành của ngân hàng gồm chi phí vốn, chi phí hoạt động và chi phí quản lý rủi ro. Nhưng các ngân hàng đang siết chi phí hoạt động, thấp hơn rất nhiều so với trước đây, chi phí rủi ro giảm nhiều do nợ xấu giảm nên dù tăng lãi suất huy động vẫn giữ được lãi suất đầu ra. Các ngân hàng cạnh tranh rất cao để có thể cho doanh nghiệp vay.