Vinamilk là một trong những doanh nghiệp Việt thành công khi đầu tư ra nước ngoài với sản phẩm hiện đã xuất khẩu đến 50 quốc gia, vùng lãnh thổ. Ảnh: Hoài Tâm |
Thành công không dành cho tất cả
Năm 2013, Vinamilk mua 70% cổ phần nhà máy sữa Driftwood (Mỹ). Sau thời gian tiếp quản và đầu tư thêm 10 triệu USD, Vinamilk đã chính thức nắm 100% quyền sở hữu tại nhà máy này. Sau 5 năm sở hữu, năm 2018, tổng doanh thu của Driftwood đạt hơn 116,2 triệu USD.
Đó là một cột mốc đáng nhớ trong hành trình vươn ra thị trường quốc tế của Vinamilk. Bên cạnh nhà máy ở Mỹ, Vinamilk còn đầu tư xây dựng nhà máy sữa Angkor tại Campuchia (do Vinamilk sở hữu 100%), hay nắm 22,8% cổ phần tại nhà máy sữa Miraka (New Zealand) và một số công ty tại Ba Lan. Đến nay, các dự án này đều mang lại nguồn lực tốt cho hãng sữa này.
Ông Võ Trung Hiếu, Giám đốc kinh doanh quốc tế của Vinamilk cho biết, sản phẩm của doanh nghiệp này đã xuất khẩu thành công đến 50 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có những quốc gia yêu cầu rất cao về chất lượng trong sản phẩm dinh dưỡng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, Mỹ, Australia, New Zealand...
Chia sẻ về quá trình chinh phục những thị trường khó tính nêu trên, ông Hiếu nói, thực tế là Vinamilk phải giải quyết được một số khó khăn nhất định. Đó là, làm sao để vượt qua các nghi ngại của người tiêu dùng đối với sản phẩm sữa đến từ đất nước chưa khẳng định lợi thế về chăn nuôi bò sữa và công nghiệp chế biến. Bên cạnh đó, sự bất ổn của tình hình thế giới, ảnh hưởng của cuộc chiến tranh thương mại Trung - Mỹ cũng có thể gây khó cho hoạt động kinh doanh ở nước ngoài và cần các định hướng giải quyết phù hợp. Mặt khác, sự đồng hành của đối tác địa phương cũng là yếu tố quan trọng tạo nên sự thành công trong các chiến lược kinh doanh của Vinamilk.
Về chiến lược củng cố và phát triển thị trường nước ngoài, theo ông Hiếu, đó là phát triển bền vững, đồng đều ở tất cả khu vực sẽ giúp phòng ngừa các rủi ro ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả hoạt động, do đó 2018 là năm Vinamilk thực hiện chuyển hướng đầu tư mạnh mẽ vào các khu vực khác.
Thành công điển hình là sự gia tăng thêm thị trường tại 3 quốc gia mới, phủ hầu hết các quốc gia trong Đông Á và Đông Nam Á. Doanh số xuất khẩu các khu vực khác ngoài thị trường truyền thống tăng trưởng ấn tượng, riêng châu Phi và châu Đại Dương tăng trưởng ghi nhận đến ba con số.
“Ở các nhóm thị trường mới này, Vinamilk liên tục đẩy mạnh, củng cố sự hiện diện và tập trung hơn nữa bằng việc đầu tư vào các hoạt động nghiên cứu thị trường để phù hợp văn hóa địa phương, tung các sản phẩm thế mạnh, mở rộng hệ thống phân phối và truyền thông thương hiệu đa dạng”, ông Hiếu nói.
Với Viettel, thị trường nước ngoài đầu tiên của tập đoàn viễn thông này là Campuchia. Sau 10 năm đầu tư, Metfone - thương hiệu của Viettel ở Campuchia có doanh thu lũy kế hơn 2,2 tỷ USD.
Đến hết 2018, Metfone đã giúp Viettel hoàn vốn qua cổ tức gần 250 triệu USD, gấp gần 6 lần vốn đầu tư. Thị trường này đã hoàn vốn sau 4 năm kinh doanh. Sau khi Metfone thành công, Viettel tiếp tục mở rộng đầu tư sang Lào và tiếp tục gặt hái thành công, sau đó lại vươn xa hơn sang châu Phi, Mỹ la tinh…
Đó là hai trong số nhiều câu chuyện thành công của doanh nghiệp Việt làm ăn trên thị trường nước ngoài. Trong khi đó, có không ít doanh nghiệp đã mạnh dạn dấn bước mở rộng thị trường nhưng chưa ghi nhận kết quả tích cực.
Quan sát hoạt động này của các doanh nghiệp Việt trong nhiều năm qua, GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Đầu tư nước ngoài (VAFIE) nhận xét: “Kể cả doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân đều có thể thành công hoặc thất bại trong các chiến lược xuất ngoại”.
Ông Mại phân tích hai trường hợp, theo đó, Viettel là điển hình thành công với lựa chọn thị trường phù hợp, chiến lược kinh doanh tốt. Doanh nghiệp này đã xác định phân khúc thị trường bình dân, vừa đầu tư vừa hỗ trợ cho chính quyền địa phương trong việc xây dựng kết cấu hạ tầng, hỗ trợ giá cả dịch vụ cho người nghèo. Trong khi đó, cũng là doanh nghiệp nhà nước đầu tư ra nước ngoài nhưng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) hầu như chưa ghi nhận thành công, mặc dù họ rất mạnh về tiềm lực công nghệ, tài chính, con người.
“Như vậy, đầu tư nói chung, mà đặc biệt là đầu tư ra nước ngoài lại càng phải chú trọng việc lựa chọn thị trường, thế mạnh, xác định từng bước đi phù hợp và quan trọng hơn cả là quản trị kinh doanh hiệu quả”, ông Mại nói.
Về các doanh nghiệp tư nhân, vị Chủ tịch VAFIE nhận xét, Hoàng Anh Gia Lai là bài học điển hình về việc nghiên cứu thị trường và xác định thời điểm đầu tư với những rủi ro tương ứng. “Doanh nghiệp này từng chìm nổi với thị trường nước ngoài, họ thậm chí đã vướng nợ nần vì các dự án đầu tư táo bạo này. Trong những thất bại của họ, có thể, do sai lầm từ việc lựa chọn sản phẩm như mía đường, cao su và mở rộng sản xuất mà không dự báo được thị trường. Đây là những điều căn bản mà kinh doanh ở đâu cũng phải lường trước”, ông Mại bình luận.
Nội lực và chọn lọc
Xét theo lĩnh vực đầu tư, hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ dẫn đầu về vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài với tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm là 67,8 triệu USD, chiếm 56,5% tổng vốn đầu tư. Đứng thứ hai là lĩnh vực ngân hàng với 36 triệu USD và chiếm 30% tổng vốn đầu tư. Bán buôn, bán lẻ đứng vị trí thứ ba với 10,7 triệu USD, chiếm 8,9% tổng vốn đầu tư, còn lại là các dự án thuộc các lĩnh vực khác.
Như vậy, lũy kế đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài khoảng hơn 22 tỷ USD với hàng trăm dự án đã được cấp phép.
Theo ông Nguyễn Mại, xu hướng tăng nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam là tích cực, cho thấy nội lực của doanh nghiệp Việt và khả năng hiện thực hoá kỳ vọng mở rộng thị phần, ghi danh trên bản đồ hàng hoá và dịch vụ thế giới.
Tuy nhiên, nhìn rộng hơn về vấn đề này, ông Mại cho rằng, đã đến lúc cần chú trọng kiểm soát các dự án đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam, bởi hoạt động này có ảnh hưởng đến nguồn ngoại tệ của quốc gia, việc làm cho người lao động Việt Nam và quan hệ ngoại giao với các quốc gia.
“Vì lý do đó, nhiều nước có quy định cụ thể về lượng ngoại tệ một doanh nghiệp được phép mang ra nước ngoài. Hơn hết, bài toán đầu tư ra nước ngoài không chỉ tính đến lợi nhuận của doanh nghiệp, mà phải làm rõ lợi ích cho quốc gia về cả mặt kinh tế, lao động và quan hệ ngoại giao. Do đó, nên khuyến khích đầu tư ra nước ngoài song cũng cần có các quy định mang tính nút chặn để kiểm soát đầu tư ra nước ngoài về các mặt nêu trên. Đồng thời, đây là cách để chọn lọc các dự án làm ăn hiệu quả chân chính, để vừa phát triển sản phẩm và thị trường, vừa làm rạng danh đất nước”, ông Mại nhấn mạnh.