Ảnh Internet |
CPI 6 tháng tăng 3,29% so với cùng kỳ năm trước
Giá cả thị trường trong 6 tháng đầu năm biến động theo hướng tăng tương đối cao trong 2 tháng đầu năm, giảm nhẹ trong tháng 3 và tăng trở lại trong 3 tháng tiếp theo. So với tháng trước, CPI tháng 1 tăng 0,51%, tháng 2 tăng 0,73%, tháng 3 giảm 0,27%, tháng 4 tăng 0,08%, tháng 5 tăng 0,55%, tháng 6 tăng 0,61% và tăng 2,22% so với tháng 12/2017. Như vậy, trong 6 tháng đầu năm, CPI tăng trung bình 0,37%/tháng, 6 tháng đầu năm 2018 tăng 3,29% so với cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân của mức tăng CPI khá cao này, theo ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, là do các địa phương điều chỉnh giá dịch vụ y tế và thực hiện lộ trình tăng học phí; giá nhiên liệu trên thị trường thế giới trong 6 tháng đầu năm tăng khá mạnh làm giá xăng dầu 6 tháng tăng 13,95%; giá các mặt hàng lương thực tăng 4,29% do giá gạo tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán và tăng theo giá gạo xuất khẩu; giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 9,09%...
Cùng với đó, lạm phát cơ bản tháng 6/2018 tăng 0,1% so với tháng 5 và tăng 1,37% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng đầu năm 2018 tăng 1,35% so với cùng kỳ năm 2017.
Tiến sĩ Lê Quốc Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin thương mại và công nghiệp thuộc Bộ Công Thương cho rằng, tình hình kinh tế thế giới đã có tác động nhiều tới lạm phát của Việt Nam trong nửa đầu năm 2018. Theo ông Phương, kinh tế thế giới có xu hướng khởi sắc, đặc biệt là kinh tế Mỹ phục hồi và tăng trưởng, kinh tế Trung Quốc thoát hạ cánh cứng, kinh tế châu Âu thoát khỏi khủng hoảng. Chính vì vậy, tăng trưởng kinh tế kéo theo nhu cầu hàng hóa tăng cao, dẫn tới giá cả hàng hóa cũng tăng lên.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng cho rằng, biến động giá 6 tháng đầu năm tương đối sát với kịch bản dự báo. “Với sự quyết tâm và chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo điều hành giá, ngay từ đầu năm và hàng tháng đều có kịch bản, rà soát sau mỗi tháng và cập nhật các biến động để tham mưu điều chỉnh chính sách kịp thời, do vậy CPI vẫn trong tầm kiểm soát” - ông Long cho hay.
Hai kịch bản cho lạm phát
Dự báo về lạm phát trong 6 tháng cuối năm, TS. Nguyễn Đức Độ thuộc Viện Kinh tế Tài chính cho rằng, “đỉnh” của lạm phát sẽ rơi vào tháng 7/2018 và sau đó sẽ giảm xuống trong những tháng cuối năm. Nguyên nhân là giai đoạn cuối năm 2017, Chính phủ đã điều chỉnh mạnh giá dịch vụ y tế và chỉ số lạm phát đối với loại dịch vụ này sẽ giảm mạnh nếu không điều chỉnh vào cuối năm nay.
TS. Nguyễn Đức Độ đưa ra hai kịch bản cho lạm phát 6 tháng cuối năm. Trong đó, kịch bản thứ nhất nhiều khả năng sẽ xảy ra là giá dầu và giá thịt lợn không tiếp tục tăng mà chỉ neo ở mức cao như hiện nay, lạm phát tổng thể tăng trung bình 0,14%/tháng thì lạm phát sẽ giảm xuống mức 3,1% vào cuối năm nay, đồng thời lạm phát cả năm 2018 sẽ ở mức 3,4 - 3,5%.
Kịch bản thứ hai được TS. Độ đưa ra là, nếu giá dầu và giá thịt lợn tiếp tục tăng mạnh và lạm phát tổng thể tăng trung bình 0,37%/tháng thì lạm phát cả năm 2018 sẽ ở mức 3,8 - 3,9%. “Kịch bản này cho thấy, mục tiêu kiểm soát lạm phát vẫn có thể đạt được, nếu giá dầu tăng lên đến 80 - 90 USD/thùng và giá lợn hơi lên mức 50.000 - 60.000 đồng/kg”, ông Nguyễn Đức Độ phân tích.
Đồng quan điểm, bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá thuộc Tổng cục Thống kê nhận định, giá thực phẩm, đặc biệt là giá thịt lợn, sẽ tác động đáng kể lên chỉ số giá tiêu dùng 6 tháng cuối năm. Bên cạnh đó, các yếu tố khác như giá xăng dầu và thiên tai cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với lạm phát từ nay đến cuối năm 2018.
Mặc dù vậy, theo bà Đỗ Thị Ngọc, mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2018 dưới 4% mà Chính phủ đề ra là có thể thực hiện được. Đây cũng là nhận định được nhiều chuyên gia kinh tế bày tỏ đồng tình.