TS. Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính, Học viện Tài chính. |
CPI tháng 5 tăng 0,55% so với tháng trước, mức cao nhất kể từ năm 2012. Trước đó, nhiều chuyên gia cho rằng, CPI tăng cao trong quý I/2018 chỉ là diễn biến mang tính thời vụ. Ông đánh giá thế nào về diễn biến này, thưa ông?
Lạm phát cơ bản trong tháng 5 chỉ ở mức 0,11%, thấp hơn rất nhiều mức tăng CPI chung là 0,55%. Điều này cho thấy, tổng cầu chưa có gì đột biến và việc CPI tăng mạnh trong tháng 5 có tác động của một số yếu tố mang tính nhất thời. Chẳng hạn, giá dầu tăng trong 3 tuần đầu tháng 5 đã khiến lạm phát tổng thể cao hơn, nhưng trong mấy ngày qua, giá dầu lại đang giảm mạnh. Và yếu tố này sẽ có tác động kìm hãm đà tăng của CPI trong tháng 6 tới.
Ông từng dự báo lạm phát năm nay có thể thấp hơn nhiều mục tiêu 4% Quốc hội thông qua. Tuy nhiên, với tình hình giá xăng dầu, thực phẩm liên tiếp tăng như vừa qua, liệu mục tiêu kiềm chế lạm phát có thể đạt được?
Trong trung và dài hạn, lạm phát tổng thể sẽ xoay quanh mức lạm phát cơ bản. Với lạm phát cơ bản trong 12 tháng qua chỉ ở mức 1,37%, cách khá xa so với mức 4%, tôi tin mục tiêu kiềm chế lạm phát là khả thi. Giá dầu tăng, rồi giá dầu lại giảm. Với giá thực phẩm cũng vậy. Nếu nó tăng mạnh, thì sau một thời gian ngắn nguồn cung sẽ tăng theo và lại kéo giá xuống. Khi tổng cầu trong nước không quá mạnh như trong giai đoạn 2006 - 2011, giá thực phẩm sẽ khó tăng mạnh đến mức đột biến. Giá dầu thế giới cũng sẽ khó tăng liên tục khi nguồn cung dầu đá phiến của Mỹ vẫn đang rất dồi dào.
Trong những tháng cuối năm, giá dịch vụ y tế, giáo dục, một trong những nguyên nhân đẩy CPI tháng 5, sẽ không tăng. Tuy nhiên, nếu đề xuất tăng thuế môi trường đối với xăng dầu được thông qua, áp lực lạm phát có lẽ còn lớn hơn nữa?
Việc tăng thuế môi trường hay không hoàn toàn là quyết định chủ quan của Chính phủ. Bởi vậy, Chính phủ sẽ phải cân nhắc để đạt được mục tiêu lạm phát đã đặt ra.
Theo ông, việc Ngân hàng Nhà nước bơm một lượng tiền lớn ra thị trường có làm gia tăng áp lực lên lạm phát?
Lượng tiền Ngân hàng Nhà nước bơm ra chủ yếu ảnh hưởng đến lãi suất TPCP, mức độ ảnh hưởng đến lãi suất huy động và cho vay của các NHTM ít hơn nhiều. Do vậy, mức độ tác động đến tổng cầu trong nền kinh tế cũng không quá lớn. Mức lãi suất hiện nay, theo tôi, vẫn hơi cao, nên vẫn có tác động kiềm chế lạm phát.
Chính phủ cần những giải pháp gì để kiểm soát lạm phát đạt mục tiêu 4%, thưa ông?
Tôi nghĩ, các chính sách hiện nay là đủ để kiểm soát lạm phát dưới mức 4%. Còn nếu cẩn thận hơn, Chính phủ có thể tăng sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu trong trường hợp giá xăng dầu thế giới tăng trở lại.