Mặt bằng lãi suất khó có thể giảm thêm trong thời gian tới |
Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2016 đã tăng 0,57% so với tháng 2 và tăng 1,69% so với cùng kỳ năm 2015. Theo đó, sau 3 tháng đầu năm, chỉ số CPI đã tăng 0,99%.
Các chuyên gia kinh tế chia sẻ, trong nền kinh tế thị trường, lạm phát là nền tảng để ngân hàng trung ương điều hành chính sách tiền tệ và xác lập lãi suất một cách phù hợp.
Khi lạm phát thấp lãi suất sẽ được hạ tương ứng nhưng khi lạm phát được dự đoán tăng, lãi suất sẽ có xu hướng tăng. Điều này là xuất phát từ mối quan hệ giữa lãi suất thực và lãi suất danh nghĩa, để duy trì lãi suất thực không đổi, tỷ lệ lạm phát tăng đòi hỏi lãi suất danh nghĩa phải tăng lên tương ứng.
“Mặt khác, khi người dân dự đoán lạm phát tăng, chẳng hạn lạm phát kỳ vọng trong năm 2016 dự kiến tăng từ 3-5%, họ sẽ dành phần tiết kiệm của mình cho việc dự trữ hàng hoá hoặc những dạng thức tài sản khác như vàng, ngoại tệ hoặc bất động sản. Tất cả những điều này làm giảm cung quỹ cho vay và gây áp lực tăng lãi suất trên thị trường. Bên cạnh đó, lãi suất trái phiếu chính phủ vẫn ở mức cao thì lãi suất huy động và cho vay không thể hạ được, theo đó, cơ hội hạ lãi suất lại trở nên xa vời”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận định.
Chẳng hạn, ngày 21/3, Vietcombank đã tăng đáng kể lãi suất ở các kỳ hạn dài như tăng lên 6,5%/năm tại kỳ hạn 24-60 tháng, vốn đứng im trong khoảng một năm ở mức 6,2%/năm. Tại BIDV, mức lãi suất cao nhất 6,8%/năm trước đây được nâng lên 7,2%/năm tại kỳ hạn 36 tháng; với kỳ hạn 364 ngày và 12 tháng, mức áp dụng là 6,8%/năm; còn kỳ hạn 3 tháng, BIDV áp dụng mức lãi suất 5,5%/năm. Tương tự, lãi suất kỳ hạn từ 3-5 tháng là 5,5%/năm được VietinBank áp dụng trong hệ thống và mức cao nhất tham khảo trên biểu VietinBank công bố hiện là 7%/năm kỳ hạn trên 36 tháng.
Trong khi đó, Báo cáo tình hình hoạt động ngân hàng trên địa bàn Hà Nội cũng cho biết một thông tin đáng chú ý, dự kiến đến ngày 31/3/2016, tổng nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn đạt 1.482.180 tỷ đồng, tăng 0,5% so với thời điểm 31/12/2105, tăng 21,86% so với cùng kỳ năm 2015, nhưng tổng dư nợ tín dụng của các TCTD trên địa bàn lại tăng cao hơn huy động. Cụ thể, cho vay đạt 1.251.903 tỷ đồng, tăng 1,15% so với 31/12/2015, tăng 21,68% so với cùng kỳ năm 2015 (tháng 1/2016 tăng nhẹ 0,2%, tháng 2/2016 tăng 0,7%).
TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế từng nhận định, thực tế thanh khoản luôn là vấn đề của các hệ thống ngân hàng Việt Nam, đặc biệt sau khi Chính phủ cho phép phát hành trái phiếu ngắn hạn trở lại thì thanh khoản ngân hàng sẽ có nhiều vấn đề hơn nữa. Tất nhiên, những ngân hàng lớn thì không quá khó khăn nhưng các ngân hàng nhỏ không chỉ “căng” mà phải nói là “chật vật” về thanh khoản. Điều này thể hiện ngay trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, có những ngân hàng nhỏ “trần mình” lo thanh khoản.
Bên cạnh đó, đường cong lãi suất trái phiếu chính phủ đang có chiều hướng đi lên. Chỉ số CDS (đo lường rủi ro của trái phiếu chính phủ) cũng đang tăng lên thể hiện vấn đề là ngay cả người mua trái phiếu chính phủ cũng không yên tâm về thâm hụt ngân sách đang gia tăng. Và đương nhiên, hai chỉ số này khiến các ngân hàng luôn cảnh giác về thanh khoản nên lãi suất có chiều hướng tăng chút ít cả trong huy động lẫn cho vay. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp đang le lói tia hy vọng tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng để mở rộng đầu tư nhưng nếu lãi suất tăng thêm 1-2% sẽ khiến doanh nghiệp “bỏ chạy” hết. Đây là bài toán lớn về chính sách tiền tệ vào thời điểm này.
Ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC (Việt Nam) nêu quan điểm, mặt bằng lãi suất khó có khả năng giảm thêm trong thời gian sắp tới với cầu kinh tế tăng lên cộng thêm Bộ Tài chính cần huy động nhiều vốn để đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, khi lãi suất USD tăng lên thì mặt bằng lãi suất VND cũng cần được nâng lên ở mức đủ hấp dẫn để khuyến khích người dân giữ và gửi tiết kiệm bằng tiền đồng.
“Ngân hàng có thể đã giải quyết được một số vấn đề lớn, quan trọng. Nhưng nhìn sâu vào bên trong, dễ nhận thấy thực lực của hệ thống còn rất yếu, với nhiều ngân hàng yếu kém. Nợ xấu của toàn hệ thống còn nhiều và đó là lý do khiến câu chuyện lãi suất huy động và cho vay mãi không xử lý xuống thấp được, ngay cả khi lạm phát đã xuống rất thấp. Lãi suất cao thì doanh nghiệp đang yếu khó mạnh lên được”, TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nói.