![]() |
Năm 2025, ngân hàng sẽ đẩy mạnh cho vay các lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế, tăng cấp vốn cho các dự án BOT, nhà ở xã hội và khoa học công nghệ. Ảnh: Lê Tiên |
Bên cạnh đó, năng lực tài chính của các nhà băng sẽ được cải thiện nếu tiến độ xử lý nợ xấu được đẩy nhanh qua việc luật hóa quy định xử lý nợ xấu, thực hiện việc tăng vốn cho các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước, tiến tới xóa bỏ hạn mức tín dụng cho các ngân hàng.
Tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các ngân hàng thương mại ngày 11/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: “Năm 2025 là năm tăng tốc để về đích, phấn đấu tăng trưởng kinh tế từ 8% trở lên, tạo đà tạo thế tạo lực tăng trưởng hai con số trong giai đoạn tiếp theo. Đây là năm có nhiều thách thức song cũng có không ít thời cơ, thuận lợi. Vì vậy ngành ngân hàng cần phát huy tiềm năng, biến thuận lợi thành xung lực, động lực phát triển đất nước”.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Ngân hàng HDBank cho biết, năm 2025, ngân hàng này tăng cung cấp nguồn vốn cho các khu vực truyền thống và chiếm tỷ trọng chính trong tổng dư nợ như khu vực nông nghiệp nông thôn, vùng sâu vùng xa, doanh nghiệp vừa và nhỏ, chuỗi cung ứng, bất động sản công nghiệp, nhà ở xã hội, tài chính vi mô.
Mặt khác, HDBank triển khai các chương trình tăng tốc, bứt phá qua việc hỗ trợ thúc đẩy và cung cấp nguồn vốn cho doanh nghiệp trong những chương trình nâng cao năng suất lao động và ứng dụng công nghệ như AI, Bigdata, Blockchain. Tham gia tài trợ các dự án đầu tư công, hạ tầng giao thông, logistics...
Để thúc đẩy tăng trưởng hơn nữa, HDBank kiến nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục giữ ổn định mặt bằng lãi suất, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn, hỗ trợ lãi suất cho các chương trình đầu tư nhà ở xã hội, tín dụng cho người lao động. Đồng thời, cần thúc đẩy phát triển thị trường vốn, giảm áp lực lên nguồn vốn vay ngân hàng.
Theo ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch TPBank, tăng trưởng tín dụng 16% - tương đương với mức thêm 2,5 triệu tỷ đồng dư nợ đưa ra nền kinh tế - là một nhiệm vụ khó khăn, nặng nề, đặt trên vai của các ngân hàng thương mại, song có cơ sở thực tế để hoàn thành nhiệm vụ này.
Trước hết là niềm tin vào đà tăng tốc của nền kinh tế từ nền tảng tích cực năm 2024. Bên cạnh đó, ngành ngân hàng đã và đang quyết tâm cải tiến cách thức cấp hạn mức tín dụng dựa trên năng lực hoạt động của từng nhà băng với các tiêu chí cụ thể. TPBank (một ngân hàng được xếp loại A) được điều chỉnh 2 lần, tổng dư nợ tăng trưởng đạt được là 20,25%.
![]() |
Việc giữ ổn định mặt bằng lãi suất, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn là yếu tố quan trọng để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng. Ảnh: Tiên Giang |
Ông Phú cho biết, năm 2025, TPBank đặt ra một số mục tiêu nhất định để thúc đẩy tăng trưởng. Đó là thúc đẩy cho vay nhà ở xã hội với mức cam kết 5 nghìn tỷ đồng, đẩy mạnh tham gia tín dụng xanh từ con số 7.378 tỷ đồng đã giải ngân năm 2024, đẩy mạnh cấp vốn cho các dự án BOT.
“Với mong muốn góp phần để đất nước có 3.000 km cao tốc trong năm nay, Ngân hàng đã tham gia nhiều dự án như cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo; hợp đồng tín dụng 2.400 tỷ đồng cho Dự án BOT cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng sẽ giải ngân trong tuần này. Để đẩy mạnh giải ngân vốn tín dụng cho nền kinh tế, cần giảm dần và tiến tới xóa bỏ việc điều hành phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng”, ông Phú nói.
Phát biểu tại Hội nghị, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định, để kinh tế tăng tốc, bứt phá, tăng trưởng tín dụng có vai trò vô cùng quan trọng. Năm 2025, NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng khoảng 16% và có điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế. "NHNN sẽ theo sát diễn biến, nếu lạm phát được kiểm soát ở mức thấp thì điều chỉnh tăng chỉ tiêu này và ngược lại. Chính sách tín dụng sẽ tập trung vào các động lực tăng trưởng kinh tế, khai thác các động lực như tín dụng tiêu dùng, tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ...", bà Hồng cho biết thêm.
Theo Thống đốc NHNN, với tín dụng nhà ở xã hội, cần nhiều nguồn lực, đặc biệt là từ ngân sách nhà nước. Để tháo gỡ và thúc đẩy tín dụng nhà ở xã hội, NHNN mong muốn Bộ Xây dựng phối hợp địa phương đánh giá tổng thể nhu cầu về nhà ở, trong đó gồm cả nhu cầu sở hữu và thuê, mua, để tín dụng ngân hàng đi vào trọng tâm. Bên cạnh đó, ngành ngân hàng cũng quyết liệt triển khai tín dụng cho dự án BOT và BT.
Về vấn đề lãi suất và tỷ giá, nhấn mạnh đây là nhiệm vụ rất thách thức, bà Hồng cho rằng, các NHTM cần rà soát, tiết giảm chi phí để cố gắng giảm lãi suất. Trong điều hành, NHNN có kênh đưa tiền ra để bảo đảm các ngân hàng không gặp khó khăn trong nguồn vốn... Về tỷ giá, NHNN theo dõi sát, điều hành linh hoạt theo diễn biến thị trường.
Tại Hội nghị, Thủ tướng nêu một số nhóm giải pháp cần tập trung triển khai trong thời gian tới. Theo đó, ngành ngân hàng cần tiết giảm chi phí hoạt động, hy sinh một phần lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay hỗ trợ nền kinh tế, người dân, doanh nghiệp, tạo sinh kế cho nhân dân. Bên cạnh đó, cần tích cực triển khai gói tín dụng ưu đãi cho nhà ở xã hội, qua đó góp phần xóa nhà tạm, nhà dột nát, nghiên cứu các gói vay ưu đãi về nhà ở xã hội cho những người trẻ có nhu cầu an cư, lạc nghiệp.
Đáng chú ý, để góp phần giải quyết nợ xấu và tăng nguồn lực tài chính cho các ngân hàng, từ đó khơi thông dòng chảy tín dụng trong hệ thống, Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc trực tiếp chỉ đạo, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẩn trương xây dựng hồ sơ, trình Quốc hội trong kỳ họp tháng 5 tới để luật hóa Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Đồng thời, sửa đổi quy định liên quan tăng vốn cho các ngân hàng thương mại nhà nước để bảo đảm cạnh tranh lành mạnh với các ngân hàng thương mại cổ phần.