Dư địa giảm lãi suất là rất hẹp |
Số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho thấy, so với cuối năm 2015, lãi suất huy động hiện đã tăng 0,7%; lãi suất cho vay nhích thêm 0,2-0,5%/năm so với cuối năm trước. Có thể nói, động thái tăng lãi suất của các ngân hàng tại thời điểm này gây nhiều bất ngờ.
Thứ nhất, Chính phủ đang hiệu triệu toàn bộ hệ thống ngân hàng giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế, đặc biệt là trong quý II/2016 vừa qua, một số ngân hàng đã giảm lãi vay để ủng hộ chủ trương này.
Thứ hai, thanh khoản hệ thống dồi dào (tính đến cuối tháng 6/2016, huy động vốn tăng gần 9% trong khi tín dụng tăng chỉ 6,8%).
Thứ ba, lãi suất liên ngân hàng và lãi suất trái phiếu chính phủ giảm.
Thứ tư, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã mua vào một lượng lớn ngoại tệ, đồng nghĩa với việc tăng thanh khoản cho tiền đồng.
Thế nhưng, việc ngân hàng tăng lãi suất cũng không quá ngạc nhiên. Trước hết là gần đây, NHNN sửa đổi quy định của Thông tư 06/2016/TT-NHNN, siết cho vay trung, dài hạn nên các ngân hàng phải đẩy mạnh huy động vốn để đáp ứng các quy định mới. Sau nữa, hai quý cuối năm là “mùa vàng” tín dụng nên thời điểm này, các ngân hàng đang phải cạnh tranh thu hút nguồn vốn tiết kiệm để chuẩn bị tăng tốc cho vay.
Yếu tố đáng lo nhất là tốc độ tăng của lạm phát trong 6 tháng cuối năm có thể gây gây áp lực lên lãi suất trái phiếu chính phủ, từ đó tác động xấu đến mặt bằng lãi suất. Chưa kể, nếu thị trường vàng, tỷ giá bị biến động mạnh bởi thị trường thế giới, thì lãi suất cũng sẽ bị tác động theo. Ngoài ra, theo nhận định của nhiều chuyên gia, dư thừa thanh khoản hệ thống hiện nay chỉ mang tính tạm thời và ngắn hạn. Chưa kể, với rủi ro lạm phát đang tăng nhanh trở lại, NHNN sẽ phải rất thận trọng trong việc điều tiết cung tiền. Điều này đồng nghĩa với việc nguồn vốn sẽ ít hơn và sẽ đắt đỏ hơn.
Đáng mừng là thời gian qua, NHNN và Bộ Tài chính đã phối hợp tốt hơn về chính sách tiền tệ và tài khóa. Song cũng phải thừa nhận một thực tế rằng, dư địa giảm lãi suất còn rất hẹp.
Hiện NHNN có thể giảm bớt tỷ lệ dự trữ bắt buộc hiện nay để bơm thêm 100.000 tỷ đồng ra nền kinh tế. Song khả năng này là rất khó, bởi tỷ lệ dự trữ bắt buộc trong hệ thống ngân hàng đang ở mức thấp so với nhiều nước trên thế giới. Hơn nữa, hệ thống ngân hàng phải gánh trên vai nhiều trách nhiệm và không thể đòi hỏi các ngân hàng cho vay bằng mọi giá. Như vậy, việc giảm lãi suất huy động và cho vay không thể theo ý muốn chủ quan, mà phải tuân theo quy luật thị trường, chỉ số lạm phát, quy luật cung - cầu và tín hiệu của thị trường.
Có lẽ, giải pháp hợp lý và quan trọng nhất hiện nay để giảm lãi suất, trước hết là phải tăng tốc xử lý hàng trăm tỷ đồng nợ xấu vẫn đang “nằm chết” do vướng cơ chế, không thể bơm trở lại vào nền kinh tế. Tiếp theo là NHNN nên cân nhắc cơ chế nhận tiền gửi và cho vay USD bình thường với những điều kiện chặt chẽ hơn để tạo cơ hội cho doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn rẻ, đồng thời huy động được nguồn vốn rẻ trong dân. Ngoài ra, Chính phủ cần có biện pháp mạnh tay giảm thâm hụt ngân sách, vì đây cũng là một trong những nguyên nhân làm tăng lãi suất. Bên cạnh đó, phải kiểm soát lạm phát theo đúng mục tiêu đề ra.
Tất nhiên, lãi suất tăng không phải là khó khăn lớn nhất cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và lãi suất nếu tăng cũng sẽ không nhiều. Dù vậy, việc lãi suất tăng sẽ làm xấu đi môi trường kinh doanh, ảnh hưởng đến nỗ lực vượt khó của doanh nghiệp.
Rõ ràng, giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ nền kinh tế không chỉ là mong muốn của doanh nghiệp. Song để làm được điều này không chỉ cần ý chí chủ quan của Chính phủ hoặc sự trợ giúp của một số ngân hàng, mà cần triển khai một loạt giải pháp đồng bộ với sự vào cuộc của Chính phủ, ngân hàng và của chính doanh nghiệp.