Lo ngại rủi ro chính sách khi đầu tư năng lượng tái tạo

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thời gian qua, các chính sách của Chính phủ đã tạo nên làn sóng đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực năng lượng tái tạo (NLTT). Để tiếp tục thu hút dòng vốn tư nhân vào lĩnh vực NLTT, nhiều nhà đầu tư cho rằng, cần có những chính sách phát triển thống nhất, ổn định, dài hơi và công khai, minh bạch.
Chính sách giá đối với năng lượng tái tạo là vấn đề được các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm. Ảnh: Trung Thành
Chính sách giá đối với năng lượng tái tạo là vấn đề được các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm. Ảnh: Trung Thành

Chưa thể an tâm

Tại Tọa đàm góp ý cơ chế, chính sách pháp luật phát triển NLTT vừa diễn ra tại Hà Nội, ông Hồ Bá Tín, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn HBRE cho biết, đến thời điểm này, Tập đoàn đã đầu tư phát triển điện gió ở Việt Nam, trong đó có 4 dự án điện gió trên bờ với tổng công suất 500 MW và tới đây là một dự án 500 MW điện gió ngoài khơi tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Theo ông Tín, dự án đầu tư điện tái tạo thường có vốn đầu tư lớn, nên các nhà đầu tư rất lo ngại các rủi ro, nhất là rủi ro về chính sách. “Còn nhiều thách thức với nhà đầu tư điện mặt trời như việc giá FIT theo Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành từ ngày 22/5/2020 nhưng thời hạn áp dụng chỉ đến ngày 31/12/2020 và chưa có cơ chế đấu thầu rõ ràng với đối với các dự án điện mặt trời sau năm 2020”, ông Tín lo lắng.

Tương tự, Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg quy định, dự án điện gió vận hành thương mại trước ngày 1/11/2021 được hưởng giá ưu đãi 2.000 đồng/kWh trong 20 năm kể từ ngày vận hành. “Việc chưa rõ cơ chế chính sách áp dụng sau năm 2020 với điện mặt trời và sau ngày 31/10/2021 với điện gió ra sao khiến các nhà đầu tư không thể an tâm để đầu tư”, ông Tín nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Phan Văn Quý, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thái Bình Dương bày tỏ: “Hầu hết thiết bị điện cho nhà máy điện tái tạo phải mua ở nước ngoài. Thực tế, sau ngày 31/10/2021, các doanh nghiệp tư nhân chúng tôi không biết nên triển khai các kế hoạch mới như thế nào?”.

Ông Quý chia sẻ: “Chúng tôi làm một dự án điện gió ở Bình Thuận. Ngày 30/10 vừa qua, chúng tôi đã phải chấp nhận thêm 5% chi phí từ nhà cung cấp nước ngoài. Lý do là theo kế hoạch ban đầu, hạn chốt cung cấp là ngày 17/7/2021, nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 chúng tôi đã bắt buộc phải đẩy lùi thêm 3 tháng”.

Từ phía ngân hàng, ông Phạm Như Ánh, thành viên Ban Điều hành Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cho biết: “Đúng 12 tháng nữa là hết cơ chế giá FIT với điện gió. Lúc này, điều mà chúng tôi quan tâm nhất là sau thời điểm ngày 31/10/2021 có cơ chế chính sách gì với điện gió, FIT hay không FIT, hay đấu giá, đấu thầu… để có thể phê duyệt vay vốn cho các dự án đi vào thi công”. Theo ông Ánh, hiện tại MB có rất nhiều dự án điện gió đang nằm chờ phê duyệt vốn vay.

Cần chính sách thống nhất, ổn định

Theo Dự thảo Quy hoạch điện VIII được Bộ Công Thương trình Chính phủ, tỷ lệ nguồn năng lượng tái tạo vào các năm 2030 và 2045 dự kiến đạt lần lượt khoảng 30% và 43% tổng điện năng sản xuất toàn quốc.

Theo đó, để thu hút đầu tư vào lĩnh vực này, ông Đỗ Đức Quân, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo thuộc Bộ Công Thương cho rằng, rất cần những cam kết, cơ chế, chính sách từ phía Chính phủ nằm tạo sự tin tưởng cho các nhà đầu tư yên tâm đầu tư.

Dưới góc nhìn chuyên gia, ông Cấn Văn Lực cho rằng, vốn cho NLTT chỉ là một trong số nhiều vấn đề, trong đó vấn đề quan trọng nhất vẫn là cơ chế chính sách phù hợp để thúc đẩy đầu tư vào lĩnh vực này. Ông Lực mong muốn Dự thảo Quy hoạch điện VIII sớm được thông qua để có tầm nhìn quy hoạch dài hạn cho điện quốc gia nói chung và tái tạo nói riêng. “Nhà nước cần có cơ chế chính sách đột phá. Đơn cử như liên quan đến giá, cần chính sách dài hơi và ổn định hơn thay vì 1 - 2 năm lại thay đổi khiến cho nhà đầu tư bị động. Cùng với đó, cần có cơ chế ưu đãi đảm bảo mặt bằng cho nhà đầu tư cũng như cơ chế đảm bảo huy động vốn”, ông Lực khuyến nghị.

Ông Phan Văn Quý đề nghị Chính phủ cân nhắc sớm quyết định cho phép kéo dài cơ chế giá FIT theo Quyết định 39 đến hết năm 2023 đối với điện gió trên bờ và hết 2025 đối với điện gió ngoài khơi nhằm tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư sớm triển khai đầu tư dự án. Ông Quý nhấn mạnh: “Chính sách được ban hành cần có sự thống nhất trong trung và dài hạn, nếu không doanh nghiệp không tính được. Nếu chính sách cứ thay đổi là rất bất lợi cho nhà đầu tư”.

Tin cùng chuyên mục