Lo ngại thu ngân sách nhà nước thiếu bền vững

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Từ đầu năm đến nay, thu ngân sách nhà nước (NSNN) liên tục giảm, song ước tính tổng thu cả năm vẫn hoàn thành dự toán. Năm 2024, dự toán thu NSNN tăng 5% so với năm 2023. Nhiều ý kiến cho rằng, mức DT thu NSNN năm 2023 và năm 2024 là tích cực trong bối cảnh KTTG và trong nước còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, điểm đáng ngại là ngân sách trung ương (NSTW) hụt thu, tỷ lệ huy động vào NSNN ở mức thấp, nhiều khoản thu sụt giảm, cần có giải pháp để bảo đảm tính bền vững của TC quốc gia.
Năm 2024, dự toán thu nội địa từ hoạt động sản xuất, kinh doanh là 1.085,2 nghìn tỷ đồng, tăng 3,4% so với ước thực hiện năm 2023. Ảnh: Lê Tiên
Năm 2024, dự toán thu nội địa từ hoạt động sản xuất, kinh doanh là 1.085,2 nghìn tỷ đồng, tăng 3,4% so với ước thực hiện năm 2023. Ảnh: Lê Tiên

Ngân sách trung ương ước giảm thu 10 - 15 nghìn tỷ đồng

Bộ Tài chính cho biết, lũy kế 9 tháng năm 2023, thu NSNN ước đạt 1.223,8 nghìn tỷ đồng, bằng 75,5% dự toán, giảm 8,3% so với cùng kỳ năm 2022, ghi nhận xu hướng giảm thu NSNN liên tục từ tháng 2/2023 đến nay. Tại báo cáo gửi Quốc hội, Chính phủ cho biết, trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn và Chính phủ, Quốc hội đã triển khai thực hiện nhiều chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí và tiền thuê đất, ước thu NSNN cả năm 2023 khoảng 1.620,8 nghìn tỷ đồng, bằng dự toán Quốc hội giao; tỷ lệ huy động vào NSNN đạt khoảng 15,7% GDP.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, ước thu NSNN năm 2023 đạt dự toán, song thu NSTW ước giảm khoảng 10 - 15 nghìn tỷ đồng so với dự toán. Nếu tính cả khoản 75 nghìn tỷ đồng giảm thu do thực hiện chính sách ưu đãi, miễn, giảm thuế thì thu NSNN cả năm ước đạt 1.695,8 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 4,6% so với dự toán, là mức rất tích cực trong bối cảnh hiện nay.

“Từ nay đến cuối năm, thu NSNN sẽ còn rất nhiều khó khăn. Theo Nghị quyết về dự toán ngân sách 2023, Quốc hội quyết định tổng số thu NSNN năm 2023 là hơn 1,6 triệu tỷ đồng. Tuy nhiên, do những khó khăn của nền kinh tế, việc hoàn thành dự toán thu vẫn là thách thức với ngân sách cả nước và ngân sách nhiều địa phương, nhất là những địa phương có nguồn thu lớn từ đất đai và hoạt động kinh doanh bất động sản”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.

Cũng theo số liệu được Chính phủ gửi Quốc hội, năm 2024, dự toán thu NSNN khoảng 1.700,9 nghìn tỷ đồng, tăng 80,1 nghìn tỷ đồng (khoảng 5%) so với dự toán và ước thực hiện năm 2023. Tỷ lệ huy động vào NSNN đạt 15,3% GDP. Dự toán năm 2024 được xây dựng đã dự tính tiếp tục thực hiện mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn và đồng thời, tiếp tục thực hiện giảm 2% thuế giá trị gia tăng trong 6 tháng đầu năm 2024.

Theo dự toán, dự toán thu nội địa năm 2024 là 1.444,4 nghìn tỷ đồng, tăng 86,3 nghìn tỷ đồng so với ước thực hiện năm 2023, chiếm 84,9% tổng thu cân đối NSNN. Trong đó, thu nội địa từ hoạt động sản xuất, kinh doanh là 1.085,2 nghìn tỷ đồng, tăng 3,4% so với ước thực hiện năm 2023. “Mức dự toán nêu trên là tích cực trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội trong và ngoài nước còn tiềm ẩn nhiều rủi ro và thách thức”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhận định.

Dự toán thu thu ngân sách nhà nước năm 2024 khoảng 1.700,9 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 5% so với dự toán và ước thực hiện năm 2023. Ảnh: Tiên Giang

Dự toán thu thu ngân sách nhà nước năm 2024 khoảng 1.700,9 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 5% so với dự toán và ước thực hiện năm 2023. Ảnh: Tiên Giang

Lo ngại thu từ đất

Về kết quả thu NSNN năm 2023, Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho rằng, thu NSNN ước hoàn thành dự toán nhưng thực chất vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro khi thu nội địa giảm so với dự toán, cho thấy tình hình kinh tế còn khó khăn. Mặt khác, thu NSNN chịu nhiều ảnh hưởng từ các chính sách miễn, giảm thuế, phí nhưng Chính phủ chưa có đánh giá định lượng, hiệu quả của các chính sách này đối với nền kinh tế.

Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhận thấy, thu NSTW dự kiến hụt thu sẽ ảnh hưởng đến vai trò chủ đạo của NSTW, đặc biệt là việc cân đối nguồn lực cho việc thực hiện mục tiêu phát triển liên kết vùng theo nghị quyết của Đảng. Cùng với đó, thu ngân sách địa phương có sự không đồng đều giữa các địa phương, nhiều địa phương ước không đạt dự toán. Do đó, các địa phương cần phấn đấu tăng thu để hoàn thành dự toán.

Về NSNN năm 2024, Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, phương án dự toán thu NSNN năm 2024 tăng khoảng 5% so với số ước thực hiện năm 2023 là khá tích cực trong bối cảnh dự kiến tăng trưởng kinh tế khoảng 6 - 6,5%, lạm phát khoảng 4 - 4,5%. Tuy nhiên, thu NSNN vẫn chứa yếu tố rủi ro, thiếu bền vững khi thu từ đất có mức tăng lớn.

Bà Vũ Thị Lưu Mai, đại biểu Quốc hội Đoàn TP.Hà Nội cho rằng, điểm đáng chú ý trong thu NSNN những năm qua là tỷ lệ huy động vào NSNN ở mức thấp hơn con số bình quân 16% GDP theo mục tiêu tại Nghị quyết số 23/2021/QH5 và có xu hướng giảm dần. Bên cạnh đó, bà Mai cũng băn khoăn về tính bền vững trong thu NSNN khi tăng thu từ khu vực sản xuất, kinh doanh khá khiêm tốn, các khoản thu có tính ổn định trong các năm trước như thu từ đất lại đạt mức rất thấp trong năm 2023. Trong đó, một phần nguyên nhân là thị trường bất động sản suy giảm, song đáng chú ý là nhiều địa phương không triển khai được đấu giá đất do lo ngại rủi ro, ngay cả khi xác định được giá đất thì việc thuê cơ quan thẩm định giá cũng rất khó khăn, nhiều tổ chức không muốn thực hiện chức năng thẩm định giá.

Bên cạnh đó, bà Mai cũng tỏ ra quan ngại về việc trong nhiều tình huống vai trò chủ đạo của NSTW không được bảo đảm. Chẳng hạn khó bố trí nguồn lực khi xây dựng các công trình liên vùng có vai trò động lực lan tỏa.

Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Thành Trung, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, việc thực hiện dự toán NSNN năm 2023 cho thấy các yếu tố yếu kém của nền kinh tế ngày càng bộc lộ rõ nét. Mặc dù, báo cáo của Chính phủ về thu NSNN năm 2023 ước đạt dự toán, song nhiều khoản thu được ước tính sẽ giảm, như thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh, đặc biệt là thu từ tiền sử dụng đất cũng rất khó khăn. Một số địa phương không thực hiện được đấu giá quyền sử dụng đất nên số thu từ tiền sử dụng đất 9 tháng đầu năm giảm mạnh.

Bên cạnh đó, thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước từ doanh nghiệp vẫn còn bất cập, chưa được cải thiện mà dự kiến cả giai đoạn 2021 - 2025, nguồn thu này hụt khoảng 180.000 tỷ đồng so với kế hoạch. Điều này đã ảnh hưởng đến vai trò chủ đạo cũng như nguồn lực của NSTW dành cho đầu tư công.

"Dự toán số tăng thu NSNN năm 2024 chủ yếu từ nguồn thu tiền sử dụng đất. Đây là phương án khá rủi ro trong điều kiện, bối cảnh thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu khởi sắc. Đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ hơn khả năng thu từ các khoản thu khác để bảo đảm tính bền vững cũng như an toàn trong thực hiện dự toán NSNN”, ông Trung kiến nghị.

Tin cùng chuyên mục