Nhiều năm qua, Agribank chưa được Nhà nước đầu tư bổ sung vốn điều lệ, tỷ lệ an toàn vốn bị suy giảm. Ảnh: Lê Tiên |
Song, các đại biểu cũng bày tỏ sự băn khoăn về nguồn vốn dùng để tăng vốn cho Agribank cũng như thời điểm tăng vốn…
Đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) ủng hộ chủ trương tăng vốn điều lệ cho Agribank, bởi đây là ngân hàng thương mại nhà nước, ngoài việc kinh doanh còn thực hiện nhiệm vụ chính trị, trong đó có đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Việc tăng vốn điều lệ không chỉ làm tăng năng lực tài chính mà còn giúp Ngân hàng tăng năng lực cạnh tranh, đặc biệt là nâng cao xếp hạng trong hệ thống ngân hàng khu vực và thế giới. Tuy nhiên, ông Hạ băn khoăn: “Việc tăng vốn điều lệ dự tính bằng nguồn tăng thu và tiết kiệm ngân sách trung ương năm 2019 cần phải tính. Thực tế, dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng nặng nề tới sản xuất kinh doanh và dự báo diễn biến khó lường, trong khi thu ngân sách nhà nước (NSNN) gặp khó khăn”.
Về cân đối NSNN, trong điều kiện thu ngân sách giảm, sau khi sử dụng nguồn tiền để tăng vốn cho Agribank cùng với thực hiện các giải pháp cắt giảm nhiệm vụ chi, NSNN năm nay dự kiến còn thiếu từ 70.000 - 75.000 tỷ đồng. “Bối cảnh khó khăn như thế mà dùng nguồn vốn như đề xuất để tăng vốn cho Agribank có cần thiết không, có phù hợp không?”, ông Hạ đặt câu hỏi.
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) bày tỏ, bổ sung vốn cho Agribank là hợp lý nhưng chủ trương dùng NSNN để tăng vốn cho ngân hàng có nên không, khi thực chất là dùng vốn NSNN để bổ sung vốn cho 1 ngân hàng thương mại cụ thể. Theo bà Mai, hiện có 4 ngân hàng thương mại nhà nước giữ vai trò chủ đạo (VietinBank, Vietcombank, BIDV và Agribank), trong đó chỉ có Agribank là 100% vốn nhà nước. Thực tế, 4 ngân hàng này đối mặt với việc đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn. Một số ngân hàng có hệ số an toàn vốn thấp theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, trong đó riêng Agribank được xem xét dùng vốn NSNN để tăng vốn điều lệ.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) nhấn mạnh, việc tăng vốn cho ngân hàng này có 4 điểm quan trọng: góp phần tăng tỷ lệ an toàn vốn; trong bối cảnh thị trường có nhiều bất thường, tăng vốn sẽ góp phần tăng sức chịu đựng cho Ngân hàng cũng như nền kinh tế; gia tăng huy động vốn; đây là hoạt động đầu tư chứ không phải là chi 3.500 tỷ đồng cho tiêu dùng nên khả năng thu hồi vốn là có.
Để Agribank hoạt động hiệu quả hơn trong thời gian tới, ông Ngân đưa ra một số lưu ý cho lãnh đạo ngân hàng này. Trước hết, khi phát triển chi nhánh, Agribank nên ưu tiên khu vực nông thôn, hạn chế đô thị, bởi đây là đối tượng khách hàng chính. Khu vực nông nghiệp, nông thôn thường ở vùng sâu vùng xa, Agribank cần tăng cường thêm hoạt động lưu động; mở rộng tín dụng tiêu dùng đối với vùng sâu, vùng xa nhằm đẩy lùi cho vay nặng lãi, tín dụng đen; quan tâm đến chất lượng đội ngũ cán bộ ngân hàng, nhất là đạo đức nghề nghiệp cán bộ tín dụng…
Một số đại biểu khác cũng nhấn mạnh yêu cầu Agribank cần đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa hiện đang tắc nghẽn, qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động…
Làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu cho ý kiến, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng chia sẻ, những năm gần đây, hoạt động của Agribank có những cải thiện rõ nét, vốn chủ sở hữu được bảo toàn và tăng trưởng hàng năm, nợ xấu được kiểm soát, tăng nộp NSNN. Nếu không được tăng vốn, nhu cầu vốn cho nông thôn, nông nghiệp bị ảnh hưởng rất lớn. Hơn nữa, đề xuất tăng vốn điều lệ đã được rà soát, bàn bạc kỹ lưỡng.
Trước đó, Chính phủ đã có Tờ trình về việc bổ sung vốn điều lệ cho Agribank, trong đó nêu rõ sự cần thiết bổ sung vốn điều lệ do Agribank là ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ 100% vốn, có vị trí quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng phục vụ phát triển kinh tế quốc gia, đặc biệt là vai trò chủ đạo trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Nhiều năm qua, Agribank chưa được Nhà nước đầu tư bổ sung vốn điều lệ, tốc độ tăng vốn điều lệ luôn thấp hơn tốc độ tăng tổng tài sản, khiến tỷ lệ an toàn vốn của ngân hàng bị suy giảm…