Lợi nhuận sau thuế quý III/2017 của Nhựa Tiền Phong đạt gần 161 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2016. Ảnh: Tiên Giang |
Lợi nhuận từ công ty liên kết tăng đột biến
Báo cáo tài chính quý III/2017 của Nhựa Tiền Phong cho biết, lợi nhuận sau thuế quý III tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2016, từ 87,7 tỷ đồng lên gần 161 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận sau thuế đạt 363 tỷ đồng, tăng 28% so với 9 tháng đầu năm 2016. Ngoài lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ, lợi nhuận quý III/2017 của Nhựa Tiền Phong có sự đóng góp rất lớn nhờ các công ty liên kết.
Cụ thể, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ quý III đạt 1.276 tỷ đồng, tăng 15% so với quý III/2016. Trong khi đó, giá vốn hàng bán chỉ tăng 14%, từ 746 tỷ đồng lên 855 tỷ đồng. Điều này dẫn đến lợi nhuận gộp quý III tăng 16%, từ 362 tỷ đồng lên 421 tỷ đồng.
Thuyết minh số 19 doanh thu của báo cáo tài chính quý III/2017 cho biết, trong tổng doanh thu bán hàng hóa và dịch vụ có thêm phần doanh thu khác hơn 52 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2016 khoản doanh thu khác này chỉ là gần 0,5 tỷ đồng. Báo cáo không diễn giải chi tiết cho khoản doanh thu khác này cũng như phần giá vốn tương ứng.
Ngày 18/10, The Nawaplastic Industries thông báo đã thoái hết vốn khỏi Nhựa Tiền Phong. Sau 5 năm nắm giữ, nhà đầu tư Thái Lan này đã bán hết phần vốn góp vào Nhựa Tiền Phong với giá trị khoảng 1.460 tỷ đồng, gấp 3 lần giá trị vốn đầu tư ban đầu. Ngoài ra, theo tính toán, trong hơn 5 năm đầu tư, The Nawaplastic Industries còn nhận về khoảng 173 tỷ đồng cổ tức bằng tiền mặt từ Nhựa Tiền Phong.
Thông báo mới đây từ Công ty TNHH Hóa chất Sekisui cho biết, doanh nghiệp Nhật Bản này đã mua lại 15% số cổ phiếu đang lưu hành của Nhựa Tiền Phong. Giao dịch được hoàn tất vào ngày 18/10/2017. Ước tính, Sekisui đã mua lại 13,386 triệu cổ phiếu NTP. Đây cũng là số cổ phiếu được giao dịch thỏa thuận trong hai ngày 4/10 và 18/10. Giá trị chuyển nhượng trong hai giao dịch này lên tới 989 tỷ đồng, tương đương giá bình quân 73.900 đồng/CP.
Thuyết minh số 13 các khoản đầu tư dài hạn cho biết, tại thời điểm cuối quý III/2017, khoản đầu tư vào Nhựa Tiền Phong phía Nam tăng từ 129 tỷ đồng lên gần 222 tỷ đồng. Ngoài ra, trong kỳ Công ty cũng đầu tư gần 47 tỷ đồng để mua hơn 4,6 triệu cổ phần của Công ty TNHH MTV Kinh doanh nước sạch Nam Định.
Như vậy, nhiều khả năng khoản lợi nhuận đột biến từ công ty liên doanh liên kết của Nhựa Tiền Phong đến từ phần lợi nhuận được chia sau khi tăng thêm vốn sở hữu tại Nhựa Tiền Phong phía Nam.
Nợ vay tăng mạnh
Một điểm đáng chú ý trong báo cáo tài chính quý III/2017 của Nhựa Tiền Phong là khoản nợ phải trả tăng mạnh. Cụ thể, nợ phải trả của Công ty tăng mạnh từ 1.586 tỷ đồng lên 2.041 tỷ đồng, tăng 28,6%. Chiếm 81% trong nợ phải trả là vay nợ với giá trị gần 1.656 tỷ đồng.
Vay nợ của Nhựa Tiền Phong chủ yếu là vay nợ ngắn hạn. Cụ thể, nợ vay ngắn hạn tại thời điểm cuối quý III/2017 là gần 1.393 tỷ đồng, tăng 40% so với thời điểm đầu năm. Còn nợ vay dài hạn là 263 tỷ đồng.