Nhiều ngân hàng đã điều chỉnh lãi suất cho vay ngắn hạn về mức tối đa 6,5%/năm cho 5 lĩnh vực ưu tiên. Ảnh: Lê Tiên |
Việc này liệu có ảnh hưởng đến lợi nhuận ngành ngân hàng trong 6 tháng cuối năm?
Các ngân hàng thắng lớn trong 6 tháng đầu năm
Báo cáo tại Hội nghị sơ kết hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ kinh doanh 6 tháng cuối năm 2017 của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) ngày 7/7 ghi nhận nhiều thông tin tích cực. Theo đó, trong 6 tháng đầu năm, Vietcombank đạt lợi nhuận trước thuế trước dự phòng hơn 8.000 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2016; lợi nhuận trước thuế đạt 5.054 tỷ đồng, tăng 20,5% so cùng kỳ, đạt 53,2% kế hoạch năm 2017.
Các chỉ tiêu tăng trưởng của ngân hàng có nhiều chuyển biến tích cực. Dư nợ tín dụng đạt 767,8 nghìn tỷ đồng, tăng 67 nghìn tỷ đồng (9,6%) so với đầu năm; cho vay nền kinh tế tăng hơn 67 nghìn tỷ đồng (10,3%), đạt 723 nghìn tỷ đồng; thu phí dịch vụ tăng 22% so với cùng kỳ năm 2016; lợi nhuận trước thuế tăng 12% so với cùng kỳ năm 2016, đạt 54% kế hoạch.
Kết quả kinh doanh tích cực cũng được ghi nhận trong các báo cáo về hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm của nhiều ngân hàng. Với SHB, lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận đạt trên 800 tỷ đồng sau khi trích lập đầy đủ. Còn Sacombank thì có lợi nhuận trước thuế đạt 428 tỷ đồng, tăng tới 70,4% so với cùng kỳ năm 2016.
Tương tự, BIDV cho biết, 5 tháng đầu năm 2017, ngân hàng này đạt tới 3.200 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, bằng 96% lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm 2016. Công ty CP Chứng khoán TP.HCM (HSC) dự báo, lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm 2017 của BIDV có thể tăng 26% so với cùng kỳ năm trước.
Hạ lãi suất có ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh?
Ngay sau khi NHNN ban hành các quyết định hạ lãi suất điều hành và lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên 0,5%, một số ngân hàng thương mại đã hưởng ứng, chỉ đạo các chi nhánh giảm lãi suất.
Mới đây nhất, SHB đã ban hành quyết định giảm lãi suất cho vay ngắn hạn VND về mức tối đa 6,5%/năm đối với khách hàng thuộc nhóm đối tượng ưu tiên: phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; thực hiện phương án, dự án sản xuất - kinh doanh hàng xuất khẩu; phục vụ sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa; phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ; phục vụ sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Trước đó, nhiều ngân hàng như VietinBank, VPBank, Vietcombank, BIDV, Agribank cũng đã đồng loạt điều chỉnh lãi suất cho vay ngắn hạn VND về mức tối đa 6,5%/năm cho 5 lĩnh vực ưu tiên theo quy định của NHNN. Việc giảm lãi suất cho vay có thể gây ảnh hưởng tới lợi nhuận của ngành ngân hàng trong cuối năm 2017.
Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, khi NHNN chỉ đạo giảm lãi suất cho vay thì NIM (chênh lệch lãi suất huy động và cho vay) của các ngân hàng sẽ bị thu hẹp do lãi suất huy động khó có thể bị giảm. Có 2 lý do cho việc này. Thứ nhất, vì nhu cầu huy động vốn của nền kinh tế để đáp ứng tăng trưởng tín dụng 18% là rất lớn. Thứ hai, là do các ngân hàng phải duy trì vốn đầu vào để thực hiện Thông tư 06 về dùng vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn.
Đồng quan điểm với việc lãi suất huy động khó có thể giảm, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu bày tỏ quan điểm, việc các ngân hàng thực hiện giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên cần phải được quan sát trong một khoảng thời gian. Đồng thời, việc giảm lãi suất không thể thực hiện ngay với các khách hàng mới, mà các ngân hàng cần thời gian để cân đối lại nguồn vốn để cho vay.
Ông Hiếu cũng cho rằng, các ngân hàng có khả năng điều chỉnh lãi suất cho nhiều ngành nghề trong nền kinh tế. Vì vậy, nếu phải giảm lãi suất cho vay trong các lĩnh vực ưu tiên, ngân hàng vẫn có thể điều chỉnh tăng lãi suất cho các lĩnh vực khác không nằm trong lĩnh vực ưu tiên để bù trừ. Do vậy, cần phải quan sát toàn ngành ngân hàng lãi suất có giảm hay không.
Tuy nhiên trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Văn Lê, Tổng giám đốc Ngân hàng SHB cho biết, bên cạnh tín dụng, đóng góp vào doanh thu và lợi nhuận của ngân hàng thương mại có nhiều mảng, trong đó có dịch vụ. Năm 2017, tăng trưởng mảng dịch vụ của SHB khá tốt, và lợi nhuận 6 tháng cuối năm sẽ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng như 6 tháng đầu năm. “Việc hạ lãi suất cho vay một số lĩnh vực, trong đó có khối doanh nghiệp nhỏ và vừa, là hợp lý, cho thấy sự đồng hành của ngân hàng với doanh nghiệp. SHB hoàn toàn ủng hộ chính sách của NHNN”, ông Lê chia sẻ.