Lợi nhuận ngân hàng: Mừng quý I, lo cuối năm

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Lãi suất huy động thấp, thanh khoản ổn định, giãn thời hạn trích lập dự phòng rủi ro là những yếu tố chính giúp lợi nhuận của nhiều ngân hàng tăng vọt trong quý I/2021. Song, nhiều ý kiến cho rằng, cần thận trọng với những con số này.
Nhiều ngân hàng công bố kết quả kinh doanh với lợi nhuận tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: Minh Dũng
Nhiều ngân hàng công bố kết quả kinh doanh với lợi nhuận tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: Minh Dũng

Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) vừa công bố kết quả kinh doanh quý I/2021. Theo đó, trong quý đầu năm, lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng đạt 465 tỷ đồng, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm trước và vượt 4% so với kế hoạch.

Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) cũng ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 1.807 tỷ đồng, tăng 68% so với quý I/2020, tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 31%.

Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2021, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) báo lãi trước thuế đạt 8.060 tỷ đồng, cao gấp 2,7 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Ngân hàng TMCP Hàng hải (MSB) ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 1.147 tỷ đồng, cao gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2020.

Báo cáo tài chính quý I của các ngân hàng cũng cho thấy có sự khác biệt về xu hướng trích lập dự phòng rủi ro và chi phí hoạt động. Đơn cử, tại VietinBank, chi phí dự phòng rủi ro giảm mạnh 70% nhưng chi phí hoạt động lại tăng 8,6%. Tại MSB, chi phí dự phòng rủi ro tăng mạnh 156% nhưng chi phí hoạt động giảm 20%. Tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), chi phí dự phòng rủi ro tăng 5,8% và chi phí hoạt động giảm 3%.

Báo cáo kinh tế vĩ mô vừa công bố của Ngân hàng HSBC đánh giá, ngân hàng là một trong những lĩnh vực hoạt động tốt nhất của nền kinh tế, thanh khoản vẫn giữ ổn định làm giảm áp lực tăng lãi suất huy động để thu hút vốn. Đồng thời, tăng trưởng tín dụng khả quan. Nhu cầu tín dụng vẫn ở mức cao, lãi suất huy động tiền gửi ở mức thấp làm tăng khả năng sinh lợi của đồng vốn. Mặt khác, lĩnh vực này cũng hưởng lợi từ mức tăng ROE đạt 16,8% - ngưỡng cao nhất tính từ tháng 1/2012. Tỷ lệ nợ xấu thấp, ở mức 2,1%. Tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận thuần của ngành này trong quý I năm nay đạt 65,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Còn theo báo cáo mới nhất của nhà cung cấp dịch vụ dữ liệu tài chính FiinGroup, 19/27 ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh với lợi nhuận sau thuế tăng 86,7% so với cùng kỳ năm ngoái, dù tổng thu nhập hoạt động tăng thấp hơn rất nhiều, chỉ 30,2%.

Động lực tăng trưởng của các ngân hàng đến từ biên lãi ròng (NIM) cải thiện, nguồn thu từ dịch vụ tăng và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm. Cụ thể, so với quý I/2020, thu nhập lãi thuần tăng 30% với NIM cải thiện do lãi suất huy động giảm nhưng lãi suất cho vay không giảm tương ứng. Bên cạnh đó, thu nhập từ hoạt động dịch vụ tăng 10,1% và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm 12% cũng hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng trong quý I/2021.

Theo phân tích của TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, thu dịch vụ sẽ tiếp tục tăng trưởng cao trong năm 2021 nhờ động lực đến từ dịch vụ bảo hiểm, ngân hàng số và kinh doanh trái phiếu, ngoại tệ. Bên cạnh đó, chi phí hoạt động sẽ tiếp tục được kiểm soát tốt hơn nhờ đẩy mạnh chuyển đổi số, cải tiến quy trình và cơ cấu lại mạng lưới, tổ chức bộ máy. Cùng với đó, gánh nặng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng không quá lớn với các ngân hàng.

Tuy nhiên, theo ông Lực, cần thận trọng với các con số lợi nhuận quý I của các ngân hàng bởi một số lý do. Trước hết, lợi nhuận quý I không phản ánh đầy đủ, chính xác xu hướng lợi nhuận của cả năm do chưa trích lập đủ dự phòng rủi ro. Bên cạnh đó, lợi nhuận quý I năm nay so với nền lợi nhuận rất thấp của quý I/2020, nên tỷ lệ tăng trưởng cao nhưng số tuyệt đối lớn hơn không nhiều.

Thêm vào đó, nếu diễn biến dịch bệnh Covid-19 phức tạp và nhiều doanh nghiệp khó khăn có thể khiến nợ xấu tăng lên, ảnh hưởng đáng kể đến lợi nhuận các quý còn lại.

“Bức tranh lợi nhuận ngành ngân hàng năm 2020 và 2021 cần nhìn nhận toàn diện, đầy đủ hơn thay vì chỉ tập trung vào hoạt động tín dụng và số liệu công bố quý I. Mặc dù vậy, lợi nhuận ngành ngân hàng năm 2021 sẽ khả quan hơn, trong đó đà tăng thu nhập từ các hoạt động phi tín dụng (đặc biệt là dịch vụ), tiết giảm chi phí và từ các công ty con sẽ tiếp tục chiếm ưu thế so với nguồn thu từ hoạt động tín dụng”, ông Lực chia sẻ.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, Thông tư 01/2021/TT-NHNN và Thông tư 03/2021/TT-NHNN khiến bức tranh lợi nhuận ngành ngân hàng trở nên sáng sủa hơn thực tế song cũng mang tới rủi ro không nhỏ cho nền kinh tế. Lợi nhuận cao, nợ xấu thấp khiến chúng ta lạc quan hơn về nền kinh tế, nhưng rõ ràng một phần lợi nhuận của ngân hàng là ảo và nợ xấu chưa được nhìn nhận đúng mức.

Tin cùng chuyên mục