Lực đẩy mới cho Thủ đô văn minh, hiện đại

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nghị quyết số 115/2020/QH14 về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với TP. Hà Nội đã tạo ra khuôn khổ pháp lý phù hợp với yêu cầu phát triển, quy mô kinh tế - xã hội của Thủ đô. Sau hơn 4 năm tổ chức thực hiện, các cơ chế đặc thù này đã đi vào cuộc sống và đạt nhiều kết quả trên các phương diện, đẩy nhanh tiến trình xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại.
Nghị quyết số 115/2020/QH14 về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với TP. Hà Nội đã qua hơn 4 năm thực hiện. Ảnh: Lê Tiên
Nghị quyết số 115/2020/QH14 về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với TP. Hà Nội đã qua hơn 4 năm thực hiện. Ảnh: Lê Tiên

Thành ủy Hà Nội cho biết, ngay sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 115/2020/QH14, tại Thông báo số 2728-TB/TU ngày 7/7/2020, Thành ủy đã chỉ đạo UBND Thành phố cụ thể hóa, triển khai thực hiện tốt Nghị quyết. Ngày 5/11/2020, UBND TP. Hà Nội ban hành Kế hoạch số 210/KH-UBND thực hiện Nghị quyết số 115/2020/QH14, trong đó phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ban, ngành, đoàn thể và UBND các quận, huyện, thị xã; đồng thời lồng ghép trong chương trình công tác, kế hoạch của Thành phố, các đơn vị để thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến triển khai nghị quyết này.

Theo Nghị quyết số 115/2020/QH14, Hà Nội được sử dụng nguồn thu từ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp do UBND Thành phố làm đại diện chủ sở hữu để bổ sung nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ đầu tư công của Thành phố. UBND TP. Hà Nội cho biết, trên cơ sở rà soát, dự kiến khả năng thu từ nguồn này giai đoạn 2021 - 2025 là 18.000 tỷ đồng. Trong đó, riêng kế hoạch năm 2023 bố trí 6.159 tỷ đồng để cân đối cho các dự án đầu tư của Thành phố.

Bên cạnh đó, sau khi ngân sách TP. Hà Nội bảo đảm đủ nguồn cải cách tiền lương và thực hiện các chính sách an sinh xã hội cho cả thời kỳ ổn định ngân sách theo quy định của cấp có thẩm quyền, HĐND Thành phố được quyết định sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư của ngân sách cấp thành phố và cho phép ngân sách cấp dưới sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách Thành phố. Trên cơ sở dự kiến nhu cầu và nguồn cải cách tiền lương còn dư của ngân sách Thành phố giai đoạn 2021 - 2025, Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025 của Hà Nội đã dự kiến bố trí 5.000 tỷ đồng từ nguồn cải cách tiền lương còn dư để sử dụng cho chi đầu tư phát triển.

Trên thực tế, từ khi Nghị quyết số 115/2020/QH14 có hiệu lực (ngày 15/8/2020) đến nay, ngân sách Thành phố đã sử dụng 3.764,81 tỷ đồng nguồn cải cách tiền lương còn dư để bổ sung nguồn chi đầu tư các dự án quan trọng của Thành phố và các quận đã sử dụng khoảng 4.124 tỷ đồng nguồn cải cách tiền lương còn dư để thực hiện các dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Nghị quyết số 115/2020/QH14 quy định: “HĐND Thành phố quyết định sử dụng ngân sách cấp thành phố hỗ trợ các địa phương khác trong nước, cho phép các quận sử dụng ngân sách cấp quận để hỗ trợ các huyện khó khăn của TP. Hà Nội trong việc phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới”. Trên cơ sở chỉ đạo của Thành ủy, thời gian qua, UBND TP. Hà Nội đã sử dụng 230 tỷ đồng từ ngân sách Thành phố để hỗ trợ các địa phương khác trong nước. Chẳng hạn, năm 2020 hỗ trợ tỉnh Lâm Đồng 15 tỷ đồng xây dựng Trường THCS Lý Tự Trọng (huyện Lâm Hà); năm 2021 hỗ trợ 144 tỷ đồng cho một số tỉnh, thành phố trong cả nước thực hiện nhiệm vụ an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo và phòng chống dịch Covid-19; năm 2023 hỗ trợ tỉnh Điện Biên 20 tỷ đồng sửa chữa, nâng cấp Trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ; hỗ trợ huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An 20 tỷ đồng xây dựng Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Na Ngoi…

Từ năm 2020 đến nay, các quận thuộc Thành phố sử dụng 1.012 tỷ đồng từ nguồn ngân sách cấp quận để hỗ trợ các huyện khó khăn xây dựng nông thôn mới. Cụ thể, năm 2020, 4 quận (Thanh Xuân, Hà Đông, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng) hỗ trợ 123,5 tỷ đồng cho 5 huyện (Ba Vì, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Quốc Oai, Ứng Hòa) thực hiện 17 dự án. Năm 2021, 6 quận (Long Biên, Hoàng Mai, Hoàn Kiếm, Hà Đông, Tây Hồ và Bắc Từ Liêm) hỗ trợ 370 tỷ đồng cho 8 huyện (Ba Vì, Phúc Thọ, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Sóc Sơn, Phú Xuyên, Mê Linh và Ứng Hòa) thực hiện 16 dự án. Năm 2022, 5 quận (Hà Đông, Cầu Giấy, Tây Hồ, Bắc Từ Liêm, Hai Bà Trưng) hỗ trợ 169,5 tỷ đồng cho 7 huyện (Ba Vì, Phúc Thọ, Mỹ Đức, Sóc Sơn, Phú Xuyên, Chương Mỹ, Sơn Tây) thực hiện 13 dự án. Năm 2023, 6 quận (Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Long Biên, Nam Từ Liêm) hỗ trợ 287,3 tỷ đồng cho 8 huyện (Ba Vì, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Sóc Sơn, Thường Tín và Ứng Hòa) thực hiện 14 dự án…

Ông Trần Sỹ Thanh - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đánh giá, nhờ sự giám sát, chỉ đạo sát sao của Quốc hội, Chính phủ, sự nỗ lực của các bộ, ngành và TP. Hà Nội, các cơ chế tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô được quy định tại Nghị quyết số 115/2020/QH14 đã đi vào cuộc sống và đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần huy động tối đa nguồn lực tạo bước đột phá về đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông và hạ tầng kỹ thuật khung làm cơ sở để đẩy nhanh tiến trình xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế… Trên nền tảng này Hà Nội xứng đáng là đầu tàu, có sức hút và lan tỏa lớn ở vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc.

Theo người đứng đầu UBND Thành phố, cơ chế đặc thù từ Nghị quyết số 115/2020/QH14 đã giúp Thành phố chủ động sử dụng linh hoạt, hiệu quả hơn các nguồn lực sẵn có như nguồn cải cách tiền lương còn dư, nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn… để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án và kịp thời giải quyết các bức xúc về hạ tầng. Thành phố được sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên của ngân sách để kịp thời cải tạo, nâng cấp, mở rộng công trình của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, góp phần bảo đảm an toàn, duy trì hoạt động liên tục của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn.

Cơ chế đặc thù cho phép sử dụng ngân sách cấp thành phố hỗ trợ các địa phương khác trong nước đã góp phần tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố khác, lan tỏa tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước”. Bên cạnh đó, cơ chế đặc thù cũng cho phép một số quận có điều kiện về nguồn lực ngân sách hỗ trợ kinh phí cho một số huyện thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, góp phần chia sẻ khó khăn và tăng cường sự đoàn kết, hợp tác giữa các đơn vị trên địa bàn Hà Nội, giảm áp lực cho ngân sách cấp thành phố.

Tin cùng chuyên mục