Lượng hóa rủi ro đầu tư trái phiếu để thu hút thêm nhà đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - "Khi các công ty bảo hiểm nước ngoài muốn đầu tư trái phiếu ở Việt Nam, một trong những điều quan trọng để họ quản trị rủi ro là các dữ liệu về trái phiếu, đặc biệt là xác suất vỡ nợ của doanh nghiệp phát hành. Hầu như quỹ nước ngoài nào tiếp xúc với Quỹ đầu tư chứng khoán Vietcombank (VCBS) đều hỏi có dữ liệu đấy hay không, có bên nào độc lập cung cấp dữ liệu đó để thực hiện các hoạt động quản trị rủi ro của họ", bà Dương Kim Anh, Giám đốc Đầu tư của VCBS chia sẻ.
Hội thảo Làm sao để biết một trái phiếu "đắt" hay "rẻ" ngày 15/8/2024

Hội thảo Làm sao để biết một trái phiếu "đắt" hay "rẻ" ngày 15/8/2024

Theo bà Kim Anh, rủi ro vỡ nợ của các nhà phát hành trái phiếu hiện là một trong những rào cản để thu hút thêm các nhà đầu tư vào thị trường trái phiếu đang còn rất nhiều dư địa phát triển như Việt Nam.

Trước câu hỏi của quỹ đầu tư nước ngoài, bà Kim Anh cho biết, ở Việt Nam hiện chỉ có các ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng lớn như Vietcombank mới đủ dữ liệu lịch sử về các khoản vay, trái phiếu và thực tế trả nợ để xây dựng mô hình tính toán xác suất vỡ nợ doanh nghiệp để sử dụng mục đích quản trị rủi ro nội bộ chứ không phát hành ra ngoài.

Theo TS. Cấn Văn Lực, số lượng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) chậm hoặc hoãn thanh toán lãi suất đáo hạn là khá lớn. Hai nhóm phát hành TPDN nhiều nhất là tổ chức tín dụng (TCTD) và doanh nghiệp bất động sản (BĐS). Trong đó, TPDN được phát hành bởi các TCTD có mức rủi ro khá thấp và cho đến nay hầu như chưa có trái phiếu quá hạn hoặc trở thành nợ xấu. Đối với nhóm BĐS, rủi ro quá hạn và tiềm ẩn nợ xấu TPDN ở mức độ cao hơn nhiều. Thực tế cho thấy, doanh nghiệp BĐS chiếm đa số (khoảng 68%) lượng TPDN chậm thanh toán đến tháng 7/2024, ước khoảng 142,66 nghìn tỷ đồng.

"Hy vọng với đà kinh tế tăng trưởng khá cao năm 2024 - 2025 và đà phục hồi sản xuất kinh doanh, lợi nhuận của đa số các doanh nghiệp (nhất là khối niêm yết), rủi ro này sẽ giảm dần", TS. Cấn Văn Lực cho biết.

Bà Trịnh Quỳnh Giao, Tổng Giám đốc Công ty CP Quản lý quỹ PVI đánh giá, thị trường trái phiếu của Việt Nam so với GDP và với các nước trên thế giới còn quá nhỏ. Tại các thị trường phát triển, huy động vốn của doanh nghiệp từ thị trường trái phiếu còn nhiều hơn cả cổ phiếu và ngân hàng. Nên thị trường trái phiếu là kênh huy động vốn cần thiết và lớn của doanh nghiệp. Do đó, tất yếu phải phát triển cơ sở dữ liệu để phục vụ hoạt động quản trị rủi ro cho các nhà đầu tư.

"Đối với quỹ PVI hiện có cổ đông lớn nhất là nhà đầu tư nước ngoài HDI Global SE. Chúng tôi cũng phải làm việc chặt chẽ với quỹ bảo hiểm quản lý 170 tỷ Euro ở châu Âu. Mảng trái phiếu theo định nghĩa của họ thì không làm "deal by deal" như chúng tôi đang làm ở Việt Nam bởi Việt Nam không có dữ liệu để quản trị rủi ro. Tại thị trường nước ngoài, quyết định đầu tư trái phiếu họ dựa hoàn toàn vào định mức tín nhiệm, chênh lệch lợi suất...", bà Trịnh Quỳnh Giao cho biết.

Chia sẻ tại Hội thảo Làm sao để biết một trái phiếu "đắt" hay "rẻ" ngày 15/8/2024, ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng Giám đốc Công ty CP FiinRatings - một doanh nghiệp trong lĩnh vực xếp hạng tín nhiệm cho biết, trước yêu cầu lượng hóa rủi ro thị trường trái phiếu để phát triển thị trường, FiinRatings đã phát triển các dữ liệu về lợi suất đầu tư đến ngày đáo hạn, chênh lệch lợi suất (phần bù rủi ro khi đầu tư vào 1 trái phiếu), xác suất vỡ nợ để thể hiện mối tương quan giữa kết quả xét hạng tín nhiệm và giá trái phiếu trên thị trường, đo lường rủi ro khi đầu tư trái phiếu.

Tin cùng chuyên mục