Lường trước các tác động từ việc Fed tăng mạnh lãi suất

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Động thái tăng mạnh lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể giúp giảm đà tăng của lạm phát, song nền kinh tế lớn nhất thế giới nhiều khả năng rơi vào suy thoái, từ đó tác động bất lợi đến rất nhiều nền kinh tế, trong đó có Việt Nam. Nhiều ý kiến cho rằng, để ổn định vĩ mô, Việt Nam cần nỗ lực kiểm soát tỷ giá, lãi suất dù không dễ dàng trong giai đoạn hiện nay.
Việt Nam cần nỗ lực kiểm soát tỷ giá, lãi suất. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Việt Nam cần nỗ lực kiểm soát tỷ giá, lãi suất. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Fed vừa công bố tăng lãi suất mạnh nhất trong gần 30 năm qua với mức tăng 0,75 điểm % lên 1,5 - 1,75% từ ngày 15/6, nhằm khống chế tình trạng lạm phát gia tăng.

Lạm phát tại Mỹ trong tháng 5 vừa qua đã tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng lớn nhất trong hơn 40 năm. Theo khảo sát do tờ Financial Times (FT) kết hợp với Sáng kiến Thị trường toàn cầu (IGM) thuộc Đại học Kinh doanh Chicago (Mỹ) thực hiện mới đây, gần 70% chuyên gia kinh tế tham gia khảo sát nhận định kinh tế Mỹ sẽ suy thoái trong năm tới. Giới phân tích cho rằng, động thái thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh mẽ của Mỹ có thể sẽ tác động bất lợi đến rất nhiều nền kinh tế, trong đó có Việt Nam.

Theo TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, việc Fed tăng lãi suất mạnh sẽ có một số tác động tới kinh tế Việt Nam. Trước hết, lãi suất USD tăng khiến mặt bằng lãi suất toàn cầu tăng theo và có thể khiến kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, làm giảm sức cầu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Bên cạnh đó, việc lãi suất có xu hướng tăng lên khiến chi phí vay vốn mới và nghĩa vụ trả nợ bằng đồng USD tăng. Mặt khác, việc Fed tăng lãi suất sẽ khiến đồng USD lên giá so với hầu hết các đồng tiền khác, trong đó có VND, tạo sức ép lớn hơn lên tỷ giá USD/VND, khiến mức giảm giá của VND so với USD trong năm 2022 có thể lên 2 - 2,3%.

Đáng chú ý là tác động đối với dòng vốn đầu tư, nhất là đầu tư gián tiếp nước ngoài. Khi Fed tăng lãi suất, một số nhà đầu tư e ngại rủi ro, rút vốn từ các thị trường mới nổi quay về đầu tư tại thị trường Mỹ và một số thị trường phát triển khác nhằm trú ẩn rủi ro và hưởng lãi suất cao hơn. Song điều này chưa hẳn đã đúng với Việt Nam, bởi thời gian gần đây, hiện tượng bán ròng trên thị trường vốn để rút vốn khỏi Việt Nam xảy ra không đáng kể so với các nước trong khu vực, thậm chí nhiều nhà đầu tư nước ngoài còn mua ròng với tin tưởng kinh tế Việt Nam phục hồi tốt, có khả năng tăng trưởng 6% hoặc hơn trong năm 2023.

TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế cho rằng, việc Fed tăng lãi suất có thể khiến nền kinh tế lớn nhất thế giới chưa kịp phục hồi đã rơi vào suy thoái nên chắc chắn ảnh hưởng đến Việt Nam, bởi Mỹ là đối tác thương mại và đầu tư rất lớn của Việt Nam.

Hơn nữa, theo ông Ánh, động thái tăng lãi suất lần này càng khiến nỗ lực giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) trở nên khó khăn hơn, kỳ vọng duy trì mặt bằng lãi suất ở mức thấp để thúc đẩy phục hồi kinh tế là thách thức rất lớn trong giai đoạn hiện nay. Dù vậy, việc duy trì ổn định tỷ giá USD/VND và mặt bằng lãi suất là điều cần thiết để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, tỷ giá USD/VND sẽ tăng trong thời gian tới, song mức tăng có thể phụ thuộc vào cách thức điều hành chính sách tỷ giá của Việt Nam. “VND giảm giá mạnh có thể gây bất lợi cho hoạt động nhập khẩu, đồng thời có thể là một trong các yếu tố để xem xét thao túng tiền tệ nếu can thiệp hành chính quá mức. Nếu neo giữ giá trị VND thì hàng hóa xuất khẩu sẽ bất lợi về sức cạnh tranh so với hàng hóa của các thị trường khác do đồng tiền của nhiều nước mất giá khá mạnh so với USD. Đây là bài tính rất khó để đạt được cả 2 mục tiêu là vừa hỗ trợ xuất khẩu, đồng thời không để trở thành yếu tố bị xem xét rơi vào danh sách thao túng tiền tệ”, ông Hiếu nói.

Ông Phạm Chí Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ thuộc NHNN cho biết, dự kiến Fed sẽ còn tiếp tục tăng lãi suất lên mức 2,75 - 3% vào cuối năm nay. Điều này sẽ tác động lớn tới tỷ giá USD/VND và mặt bằng lãi suất trong nước.

Tính từ đầu năm đến nay, USD đã tăng giá khoảng 9%. Hầu hết các đồng tiền trên thế giới đều mất giá mạnh so với USD, chẳng hạn, đô-la Đài Loan mất giá 6%, won Hàn Quốc mất giá 4,7%, nhân dân tệ mất giá 5,3%...

“Trước xu hướng đó, NHNN duy trì chính sách kiểm soát thị trường ngoại tệ, giữ ổn định tỷ giá USD/VND. Tính từ đầu năm đến nay, VND giảm giá khoảng 1,8% so với USD. Đó là nỗ lực rất lớn trong bối cảnh đồng tiền nhiều nước trên thế giới giảm giá mạnh so với USD. NHNN kiên định mục tiêu quan trọng hàng đầu là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát chặt chẽ. Để làm được điều đó, NHNN áp dụng các giải pháp ứng phó đa dạng, sử dụng linh hoạt, đồng bộ các công cụ về lãi suất, thanh khoản, tín dụng, tỷ giá và các công cụ kiểm soát các tỷ lệ an toàn nguồn vốn”, ông Quang nói.

Tin cùng chuyên mục