Chủ tịch FED Jerome Powell - Ảnh: Reuters. |
Giới đầu cơ ở Mỹ hiện nay gần như tin chắc rằng Cục Dự trữ Liên bang (FED) sẽ cắt giảm lãi suất ở một thời điểm nào đó trong năm nay. Tuy nhiên, FED lại đang đối mặt một câu hỏi lớn hơn: vì sao phải đợi?
Theo hãng tin CNBC, thị trường đang đặt cược khả năng FED giảm lãi suất từ 1 đến 3 lần trong 2019. Tuy nhiên, ít người cho rằng Ủy ban Thị trường mở (FOMC), bộ phận quyết định lãi suất trong FED, sẽ có một động thái như vậy trong cuộc họp diễn ra vào ngày 18-19/6.
Các nhà phân tích đánh giá, có ba lý do khiến FED sẽ không hạ lãi suất trong tuần này. Thứ nhất, hội nghị thượng đỉnh G20 đang đến gần, và tại sự kiện này, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể đạt một thỏa thuận thương mại.
Thứ hai, FED không muốn bị nhìn nhận là nhượng bộ sức ép từ thị trường tài chính và sự chỉ trích của Tổng thống Donald Trump. Và thứ ba, FED cũng muốn tránh bị đánh giá là phạm sai lầm khi nâng lãi suất vào tháng 12 năm ngoái.
"Họ không muốn bị coi là nhượng bộ trước bất kỳ một sức ép nào, cho dù đó là sức ép chính trị từ Nhà Trắng hay từ thị trường", chuyên gia kinh tế trưởng Lindsey Piegza thuộc Stifel nhận xét với CNBC. "FED sẽ xem xét các dữ liệu, và những gì thể hiện trên các mô hình của họ. Đối với họ, thị trường nói gì cũng không thể khiến họ suy suyển".
Mặc dù vậy, khả năng FED hạ lãi suất trong cuộc họp tuần này không phải là 0%. Lãi suất tương lai ở Phố Wall vào thời điểm ngày thứ Sáu phản ánh khả năng 21% FED hạ lãi suất trong lần họp này, thấp hơn khả năng 30% vào thời điểm ngày thứ Năm. Khả năng này giảm xuống sau khi xuất hiện một số dữ liệu kinh tế tốt hơn dự báo.
Khả năng giảm lãi suất trong tháng 7 vẫn ở mức 85%. Khả năng cắt giảm lãi suất 3 lần trong thời gian từ nay đến hết năm là 61%.
Sức ép giảm lãi suất đã gia tăng đối với FED khi thị trường tài chính toàn cầu chao đảo trong tháng 5 vì sự leo thang bất ngờ của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Bên canh đó là áp lực từ ông Trump, người liên tục bày tỏ không hài lòng với những gì ông Powell đã làm trên cương vị Chủ tịch FED.
Cùng với đó, FED còn có mối lo về uy tín của mình. Ông Trump và một số nhà phân tích cho rằng đợt tăng lãi suất tháng 12, tức là đợt nâng lãi suất thứ tư của FED trong năm 2018, là một sai lầm chính sách. Sau đợt tăng đó, ông Powell và các quan chức khác của FED đã có sự thay đổi lớn trong các tuyên bố để trấn an nhà đầu tư.
Từ tháng 10 năm ngoái đến nay, các tuyên bố của FED đã chuyển từ "còn một chặng dài nữa mới đến mức lãi suất trung tính", sang lập trường "kiên nhẫn" về chính sách tiền tệ, và cuối cùng là phát tín hiệu hạ lãi suất.
"Đó là một sự dịch chuyển khó khăn của FED từ chỗ tính nâng lãi suất 2 lần trong 2019, sang dừng nâng lãi suất, và giờ là tính hạ lãi suất", chiến lược gia Quincy Krosby thuộc Prudential Financial phát biểu.
Sự chuyển biến trong quan điểm của FED đã giúp chứng khoán Mỹ tăng điểm trong tháng 6 này, sau đợt bán tháo mạnh vào tháng 5. Tính từ đầu tháng tới nay, chỉ số Dow Jones đã tăng hơn 5%. Điều này giúp có thêm cơ sở để không nâng lãi suất trong tháng 6.
Nếu thị trường giữ được xu thế tăng và Mỹ-Trung đạt một thỏa thuận thương mại, FED thậm chí có thể hạ thấp những kỳ vọng về hạ lãi suất trong năm nay.
Theo chuyên gia kinh tế trưởng Tom Porcelli của RBC, một cuộc khảo sát cho thấy nếu Mỹ-Trung đạt thỏa thuận, thì 85% khách hàng của công ty này sẽ không phản ứng tiêu cực trong trường hợp FED hạ thấp khả năng giảm lãi suất trong tháng 7.