Khối ngoại sẽ đẩy mạnh chiếm lĩnh thị phần bán lẻ qua hoạt động M&A. Ảnh: Lê Tiên |
Lần lượt thâu tóm?
Trong 7 tháng đầu năm 2016, theo Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có 1.284 doanh nghiệp (DN), tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần với tổng giá trị vốn góp là 1,512 tỷ USD. Đây mới chỉ là phần vốn góp tại các DN mà nhà đầu tư nước ngoài sở hữu trên 50%.
Còn theo thống kê của Viện Hợp nhất, Mua lại và Liên kết (IAMM) Hoa Kỳ thì năm 2014 Việt Nam có 347 thương vụ M&A (với trị giá khoảng 2,6 tỷ USD). Đến năm 2015, con số này đã tăng lên 535 thương vụ (5,29 tỷ USD), trong đó M&A thuộc ngành bán lẻ chiếm khoảng 36% tổng giá trị thương vụ.
Riêng 7 tháng đầu năm 2016, tuy chưa có dữ liệu thống kê chính thức về số thương vụ M&A và giá trị các thương vụ trong ngành bán lẻ, nhưng theo giới chuyên gia, hoạt động góp vốn, mua cổ phần của khối ngoại trong lĩnh vực này tại Việt Nam vẫn cực kỳ sôi động, chỉ sau mảng bất động sản.
Xoay quanh vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Hoà, nguyên Chủ tịch HĐQT của Saigon Co.op và hiện đang giữ chức Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, đã bày tỏ sự lo ngại các tập đoàn phân phối nước ngoài lần lượt thâu tóm các nhà bán lẻ Việt Nam. Chỉ còn 2 nhà bán lẻ lớn của Việt Nam là Saigon Co.op và Vingroup (mới nổi lên trong thời gian gần đây). Trong đó, bản thân Vingroup có tiếp tục hoạt động bán lẻ như là ngành kinh doanh cốt lõi hay có chuyển nhượng trong tương lai vẫn còn là câu hỏi lớn.
Cũng theo ông Hoà, các DN thương mại khác của Nhà nước như Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra), Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) thì bán lẻ chưa phải là lĩnh vực kinh doanh cốt lõi. Các đơn bị bán lẻ dân doanh, cổ phần còn lại như Intimex thì quy mô nhỏ bé, hoạt động gặp nhiều khó khăn, khả năng chuyển nhượng và rút lui khỏi thị trường là rất lớn. Còn các DN mới dù có mong muốn khởi nghiệp trên lĩnh vực bán lẻ nhưng không nhiều, do còn ngần ngại, cân nhắc về khả năng cạnh tranh và gặp nhiều khó khăn để giải quyết bài toán logistics, hệ thống hoạch định nguồn lực DN (ERP) và nguồn nhân sự chuyên nghiệp.
Tăng M&A để chiếm thị phần
“Họ vào Việt Nam không chỉ để làm các loại hình siêu thị, mà còn có đại siêu thị, cửa hàng chuyên doanh thực phẩm, thương mại điện tử... Tức là các chiêu thức bán lẻ đều được họ vận dụng tối đa. Như Central Group (của Thái Lan), sau các thương vụ M&A, họ không chỉ đa dạng hoá lĩnh vực thực phẩm, hàng tiêu dùng nhanh, mà còn ở những lĩnh khác phi thực phẩm” - ông Nguyễn Ngọc Hoà chia sẻ.
Theo dự báo của giới chuyên gia, trong giai đoạn 2015 - 2018, đà tăng trưởng của ngành bán lẻ ở Việt Nam sẽ vào khoảng 13%/năm. Trong khi đó, theo quy hoạch, đến năm 2020 sẽ có 1.200 - 1.500 siêu thị, 157 trung tâm mua sắm, 180 trung tâm thương mại.
Giới chuyên gia cho rằng hoạt động M&A của khối ngoại trên lĩnh vực bán lẻ sẽ còn “càn quét” với quy mô và giá trị giao dịch ngày càng lớn, với ưu thế thuộc về các nhà bán lẻ có tiềm lực tài chính mạnh và năng lực quản trị tốt. Đây là con đường ngắn nhất để khối ngoại mở rộng mạng lưới, chiếm lĩnh thị phần và nâng sức mạnh thương hiệu ở Việt Nam.
Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Hoà, nếu không có giải pháp thích hợp thì khả năng khối ngoại chiếm lĩnh hệ thống phân phối và thị trường nội địa là rất lớn. Các DN Việt, nhất là các DN nhỏ và vừa, sẽ gặp nhiều khó khăn trong cạnh tranh, tiêu thụ. Nhưng chính áp lực của các nhà phân phối ngoại sẽ tạo cú hích mạnh để các nhà bán lẻ Việt năng động hơn trong điều kiện buộc phải cạnh tranh để tồn tại.