Ảnh minh họa. |
Bất cập trong áp dụng hợp đồng EPC
Ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng: Thời gian qua, việc áp dụng hợp đồng EPC đã đạt được những thành tích nhất định. Nhiều công trình đã được đưa vào sử dụng, làm thay đổi bộ mặt kết cấu hạ tầng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đăng Trương, lâu nay ở Việt Nam vẫn tồn tại một thực tế là nhiều chủ đầu tư, bên mời thầu chưa hiểu đúng về hợp đồng EPC và áp dụng một cách tùy tiện, thậm chí là lạm dụng EPC quá mức. Chẳng hạn như có những gói thầu đơn giản như san nền, xây một công trình tòa nhà trụ sở cơ quan, làm một con đường giao thông… không hề có tính phức tạp về mặt kỹ thuật, nhưng chủ đầu tư vẫn áp dụng hợp đồng EPC.
Một thực tế khác, ở Việt Nam, chủ đầu tư thường đẩy hết rủi ro cho nhà thầu. Tuy nhiên, việc áp dụng EPC không có nghĩa là tối đa hóa việc chuyển tất cả rủi ro cho nhà thầu, mà là tối ưu hóa việc phân chia rủi ro. Việc phân chia rủi ro không hợp lý chính là rủi ro lớn nhất của chủ đầu tư.
Ông Ninh Viết Định, chuyên gia tư vấn độc lập cho rằng, không nhất thiết thực hiện một hợp đồng EPC cho tất cả các công việc của dự án. Một dự án có thể có nhiều gói thầu thực hiện theo những hình thức hợp đồng khác nhau, trong đó có gói thầu thực hiện EPC, có gói thầu phi EPC.
Theo ông Adu Gyamfi Abunyewa, chuyên gia đấu thầu cấp cao của Ngân hàng Thế giới (WB), chỉ nên sử dụng hợp đồng EPC những gói thầu có quy mô lớn, phức tạp, có yêu cầu kỹ thuật, công nghệ cao gắn với bản quyền của nhà xây dựng, sản xuất chế tạo và phải tuân thủ chặt chẽ tính đồng bộ, thống nhất từ khâu thiết kế đến khâu cung cấp thiết bị, thi công, đào tạo chuyển giao công nghệ, bảo hành, bảo trì dài hạn.
Ông Adu chia sẻ, việc hiểu sai và lạm dụng hợp đồng EPC có thể dẫn đến nhiều rủi ro như: nhà thầu sẽ tính thêm phụ phí rủi ro vào giá gói thầu khiến giá gói thầu bị đội lên; chủ đầu tư có ít quyền kiểm soát hơn; nhà thầu chỉ thực hiện những tiêu chuẩn tối thiểu để giảm chi phí; giảm cạnh tranh; nhà thầu thường có động cơ đòi bồi thường để bù đắp cho việc chuyển giao rủi ro và bồi thường tổn thất…
Cần thống nhất mẫu HSMT gói thầu EPC
Để khắc phục những bất cập nêu trên, nhiều ý kiến cho rằng, cần sớm ban hành mẫu HSMT thống nhất cho gói thầu EPC để làm cơ sở cho các bên có căn cứ để áp dụng. Theo ông Ninh Viết Định, việc xây dựng mẫu HSMT cho gói thầu EPC cần phải tiệm cận với các thông lệ quốc tế đã được chuẩn hóa, đồng thời phải phù hợp với bối cảnh của Việt Nam. Trên cơ sở mẫu HSMT chung về EPC, tùy theo từng ngành, từng lĩnh vực, các bộ, ngành xây dựng những mẫu HSMT về EPC cụ thể trong lĩnh vực của mình cho phù hợp. Tuy nhiên, các mẫu HSMT được cụ thể hóa này phải tuân thủ những nguyên tắc nhất định của HSMT về EPC mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành.
Liên quan đến mẫu hợp đồng EPC, chuyên gia quốc tế của WB cho biết, trên thế giới có rất nhiều mẫu hợp đồng của các tổ chức quốc tế như: FIDIC, NEC, AIA, ENAA (Nhật Bản), EIC (châu Âu)… Trong đó, mẫu của Hiệp hội quốc tế các kỹ sư tư vấn (FIDIC) là một trong những mẫu được sử dụng khá phổ biến. Một khi Việt Nam lựa chọn áp dụng theo mẫu hợp đồng của FIDIC thì đòi hỏi phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định của FIDIC, hạn chế về việc điều chỉnh. Mặt khác, mẫu hợp đồng của FIDIC cũng có nhiều phiên bản khác nhau như sách đỏ, sách hồng, sách bạc, sách vàng…, do vậy, việc sử dụng phiên bản nào cho phù hợp với điều kiện của Việt Nam cũng cần phải cân nhắc kỹ lưỡng.
Nhiều ý kiến kỳ vọng mẫu HSMT về EPC sẽ khắc phục được tất cả những bất cập hiện nay tại Việt Nam. Tuy nhiên, ông Nguyễn Đăng Trương cho rằng: “Yêu cầu đặt ra đối với mẫu HSMT về EPC là cố gắng Việt Nam hóa các thông lệ quốc tế để có thể dùng ngay được, vừa đáp ứng nhu cầu thực tế, vừa tôn trọng quy định của FIDIC. Với bối cảnh của Việt Nam hiện nay, không nên quá cầu toàn, nâng lên tới mức pháp điển hóa, bởi chúng ta chưa đủ sức sáng tạo nên một mẫu riêng. Mẫu HSMT về EPC chỉ nên áp dụng đối với những gói thầu có quy mô lớn, phức tạp, có yêu cầu kỹ thuật cao, đòi hỏi sự đồng bộ công nghệ và tổ chức đấu thầu rộng rãi quốc tế. Việc xây dựng mẫu HSMT chung về EPC theo hướng là mở, linh hoạt để tạo thuận lợi cho các bên dễ dàng thực hiện”.